“Mạng xã hội đã tạo ra một hình ảnh cuộc sống ai cũng giỏi và tài, kiếm 100 triệu khi còn học đại học, thông thạo 3 ngôn ngữ, đi du lịch nhiều nước khi mới 20 tuổi,... vô hình trung tạo ra áp lực đồng trang lứa cho Gen Z nói riêng. Vì vậy, xu hướng không dừng lại một công việc, mà kiếm 2-3 công việc cùng lúc tăng cao”, L.T.S. (25 tuổi, chuyên viên thiết kế) chia sẻ.
Theo một khảo sát với 22.000 lao động trẻ toàn cầu được Công ty tư vấn Deloitte công bố, có đến 46% Gen Z và 37% Gen Y đang "gánh" thêm một đầu việc bán thời gian, thậm chí việc toàn thời gian bên cạnh công việc chính.
Việc bên ngoài, thu nhập cao
Bạn N.T. (22 tuổi, ngụ quận 4, TP.HCM) đang làm truyền thông cho một ngôi trường quốc tế. Ngoài ra, bạn nhận thêm công việc bên ngoài là làm marketing cho một cửa hàng thời trang với tổng thu nhập ngót nghét 20 triệu đồng dù vừa ra trường.
“Xung quanh mình ai cũng có 2-3 công việc liên quan đến ngành học vì đa phần các bạn hiểu được nhu cầu thị trường cần nhân lực trẻ, có năng lực, mức lương khá phù hợp cho các khoản săn sale”, T. cho biết.
Công việc làm thêm đòi hỏi T. hai tiếng mỗi ngày và toàn bộ thời gian cuối tuần để thực hiện. Đôi khi bạn cũng có những sự cố như nhận được “góp ý” dài một trang A4 trong giờ hành chính từ khách hàng khó tính, nhưng vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” và giải quyết sau khi tan sở.
Bạn N. (23 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) có thu nhập khoảng 30 triệu đồng khi có công việc thứ hai ngoài giờ là phân tích dữ liệu cho một ngân hàng ở Mỹ. N. cho biết tiền công theo giờ của việc làm thêm cao hơn so với công việc chính thức tại công ty, và chủ yếu dùng để đáp ứng đam mê về đồ công nghệ của mình.
Tiền không phải tất cả
Tuy nhiên, với người trẻ, dù làm thêm sẽ gặp nhiều rủi ro nhưng tài chính lại không phải lý do chính ở thời điểm hiện tại.
“Vì khách hàng giỏi và là người nước ngoài nên mình muốn tìm hiểu về phong cách làm việc của họ. Mình vẫn nghĩ những công việc tự do sẽ thích hợp với những bạn muốn kiếm trải nghiệm mới hơn là thu nhập”, N. nói.
“Ôm” nhiều đầu việc như dựng video, vẽ 3D bên cạnh việc thiết kế cho một nhãn hàng lớn, L.T.S. (25 tuổi) có thể hiểu rõ quy trình tạo ra sản phẩm cho một chiến dịch truyền thông lớn, từ đó theo sát nhân sự trong trường hợp tự mở công ty riêng sau này.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận các rủi ro khi nhận nhiều đầu việc, như làm việc quá sức để chạy deadline, bị “quỵt” tiền, cạnh tranh cao, căng thẳng vì áp lực “drama” công sở ảnh hưởng sức khỏe tinh thần,...
Xây dựng lộ trình phát triển bản thân hợp lý
Bài toán quản lý khối lượng công việc và cuộc sống riêng là “chuyện không của riêng ai”. Nhưng chia nhỏ thời gian để đảm bảo cho cuộc sống cá nhân và sức khỏe là những điều kiện cần ưu tiên.
Không nhận nhiều công việc vô tội vạ, N. đặt ra mục tiêu xây dựng hình ảnh cá nhân chuyên nghiệp hơn, đồng thời tăng giá trị của bản thân từ những yêu cầu của công việc bán thời gian trong vòng 3-4 năm tới.
“Mình luôn tuân thủ nguyên tắc: đừng làm gì ảnh hưởng tới căn nguyên gốc rễ của cơ thể. Ví dụ, nếu mình thức đêm hôm trước, hôm sau phải nghỉ ngơi, tập thể dục và bổ sung dinh dưỡng bù lại. Có lẽ do mình còn độc thân nên thời gian trống khá nhiều (cười)”, N. tiết lộ.
Còn T.S. chọn cách không ôm việc. Nếu khối lượng vượt quá khả năng thì có thể chia cho người phù hợp hoặc rủ bạn bè ra quán cà phê, vừa chạy deadline chung vừa xả stress. "Dù là công việc chính hay phụ thì cũng cần hết mình vì bạn hoàn toàn có thể làm đẹp CV của mình từ chúng", T.S. quan niệm.
Một số bạn trẻ đã "mách nhau" những điều kiện cần chú ý nhằm đảm bảo quyền lợi khi nhận công việc bán thời gian:
+ Nếu có thể, nên chọn ngành có nhu cầu cao trong tương lai và khó thay thế.
+ Tuyệt đối không để lộ thông tin khách hàng dù đó là công việc nào.
+ Luôn học thêm các kỹ năng để trau dồi kinh nghiệm.
+ Ký hợp đồng làm việc dù khách hàng là người quen biết.
+ Nếu công việc freelance có dấu hiệu không hấp dẫn mình nữa, cần mạnh dạn từ chối và giới thiệu cho người khác để đảm bảo công việc của khách hàng không bị ngắt quãng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận