Khi vạc lửa Olympic dần tắt ở vườn Tuileries và khi kình ngư Leon Marchand, Chủ tịch ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach cùng các VĐV thổi tắt ngọn lửa ấy ở sân vận động Stade de France, cả thế giới, trong đó có tôi, như chùng lại cảm xúc.
Trong lần tái tổ chức Olympic sau đúng 100 năm, Paris kiến tạo hơn 2 tuần tranh tài với những điều độc đáo và ý tưởng gắn liền thể thao và văn hóa, giữ truyền thống khai phóng và tinh thần lễ hội cho tất cả mọi người - đúng theo khẩu hiệu Olympic Paris là "Games wide open" (Cuộc chơi rộng mở).
Sự độc đáo được bắt đầu từ ngọn lửa Olympic Paris 2024 thắp sáng rực rỡ từ năng lượng mặt trời, nước và ánh sáng.
Ngọn lửa đó còn được chiếc khinh khí cầu bằng bạc khổng lồ kéo lên trên không mỗi tối, khiến bầu trời đêm của kinh đô ánh sáng lung linh hơn bao giờ hết trong mắt du khách.
Paris mùa Olympic trở thành một "mega event" (sự kiện khổng lồ), đón hơn 15 triệu du khách trong và ngoài nước.
"Paris mùa Olympic thật thú vị! Phần đông người dân sợ ồn ào đổ xô đi nghỉ mát ở nơi xa. Phần còn lại nô nức thưởng thức và cổ vũ cho các cuộc tranh tài đỉnh cao mà có lẽ đời người chỉ duy nhất được chứng kiến một lần thế vận hội diễn ra ngay ở thành phố mình đang sống" - Amanda Huỳnh, nữ luật sư kiêm họa sĩ người Việt sống và làm việc ở Paris 20 năm qua, nói với tôi.
Cuộc giao thoa ngoạn mục giữa thể thao và văn hóa là điều những ai có mặt ở Paris và cả thế giới chứng kiến được những ngày qua.
Lần đầu tiên Olympic ra bên ngoài sân vận động, những địa điểm nổi tiếng ở thủ đô nước Pháp đều trở thành nơi thi đấu thể thao như công viên dưới chân tháp Eiffel, Grand Palais, cung điện Invalides, quảng trường Concorde, cầu Pont Alexandre III, sông Seine..., hay xa hơn là cung điện Versailles - tòa lâu đài đẹp nhất thế giới.
Thành công lớn nhất của Paris không chỉ ở mặt chuyên môn thể thao mà còn tạo ra một không gian lễ hội dành cho mọi người theo đúng tinh thần Olympic, với những ý tưởng táo bạo và chưa từng có tiền lệ.
Chẳng ai ngờ tháp Eiffel trở thành nơi thi bóng chuyền bãi biển, hay cung điện trưng bày nghệ thuật xa hoa Grand Palais là nơi đấu kiếm và taekwondo. Các di tích, danh thắng của Paris trở thành phông nền cho các cuộc thi đấu thể thao, tạo nên một sự kết hợp hoàn mỹ bất ngờ giữa thể thao và văn hóa.
Đã có những tranh cãi và than phiền về những điểm chưa được trong những ngày Olympic diễn ra. Nhưng có mặt tại Paris, khán giả và CĐV đã thật sự phấn khích và có trải nghiệm không thể nào quên.
Gần cuối Olympic, cuộc thi Marathon Pour Tous (Marathon cho tất cả mọi người) diễn ra thực sự là không khí hội hè, với tất cả các vận động viên chuyên nghiệp và nghiệp dư, người về sớm, người về muộn, nhưng ai cũng nở nụ cười.
Olympic 2024 không chỉ mang đến những cuộc tranh tài thể thao đỉnh cao mà còn mở ra cơ hội để khám phá và cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp và văn hóa của Paris.
Tại Trung tâm Báo chí Paris, chúng tôi được tặng một thẻ chứng nhận có thể vào xem rất nhiều bảo tàng nghệ thuật ở thủ đô - thêm một cách tạo điều kiện cho nhiều người nước ngoài tiếp cận di sản nghệ thuật và văn hóa của nước chủ nhà thế vận hội.
Chủ tịch Thomas Bach trong lễ bế mạc đã nói về sự quyết tâm thay đổi phong trào Olympic hướng đến "một kỷ nguyên mới".
Rộng mở và kết nối, bình đẳng và bền vững, tạo sự đơn giản cho con người không phân biệt xứ sở, màu da cùng tận hưởng những quyền lợi mới - đó cũng là di sản quan trọng mà Olympic Paris để lại sau 17 ngày tranh tài sôi nổi, 32 môn thể thao khép lại và 329 bộ huy chương đã được người chiến thắng mang về nhà.
Thể thao, văn hóa và hội hè; vạc lửa bập bùng trên vườn Tuileries, Celine Dion với L'Hymbe à l'Amour, Tom Cruise với cú nhảy kết nối với Olympic Los Angeles 2028...
Ấn tượng đầy cảm xúc mà Olympic Paris 2024 mang lại có thể cô đọng bằng dòng chữ trên khán đài Stade de France trong đêm bế mạc: Cảm ơn Paris! Cảm ơn nước Pháp!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận