Phóng to |
Người gieo hồn cho tôi, trước hết, chính là mẹ tôi. Gia đình tôi, từ hồi “trước tiếp thu” nhà ở sát chợ Bàn Cờ. Nhưng muối hột, giấm nuôi, tôm khô, củ cải mặn... mẹ tôi đều mua lấy từ Bạc Liêu. Mẹ tôi gói bánh ít, làm củ kiệu, trộn bì, nấu thịt kho tàu, hầm khổ qua dồn thịt, nồi xà bần ngày tết, làm các món mắm sống, mắm chưng, mắm kho và đặc biệt là món bún nước lèo, thuộc vào hàng... đẳng cấp thế giới! Những chữ như huê dạng, láng lẩy, xớn xác, khoảng khoát, mình ên, cụ bị, làm bộ làm tịch, không đủ nhét kẽ răng, nói có mặt đèn làm chứng... là bộ từ điển của bà. Kèm theo đó là rất nhiều câu thơ, câu hò, chuyện kể mà hồi nhỏ tôi vô tâm không chịu ghi chép, để tới giờ thấy tiếc đứt ruột vì đã bỏ mất một kho ngọc ngay trong tay mình.
Mẹ tôi sắp dọn nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ có tiếng... đến tận Bạc Liêu: bàn ghế quét bụi mỗi ngày, quần áo ủi li thẳng như dao cứa, chổi nào dựng đúng chỗ nấy, thau nào đựng cái gì, giẻ nào lau chỗ nào đều phải răm rắp... Bà khó tính nhưng ăn ở rộng rãi nên bà con thân thuộc Quảng Ngãi, Bạc Liêu, ai về Sài Gòn để kiếm sống, đi học hay đi làm thường ghé nhà tôi tá túc lúc chân ướt chân ráo. Cửa nhà lúc nào cũng rộng mở. Nhớ hồi tản cư năm 1968, nhà tôi có lúc chật cứng người thân chạy loạn. Mẹ dạy mấy anh chị em chúng tôi kỹ lưỡng lắm, từ lời ăn tiếng nói, cách đi đứng ăn uống thưa chào, cho đến những điều phải quấy ở đời, dạy con trai, con gái cũng có khác... Cuối mùa hè năm 1978, tôi tình nguyện “đi nghĩa vụ” lúc còn dang dở phổ thông, mẹ khóc hết nước mắt nhưng cũng không ngăn cản gì!
Bây giờ, trong tôi, mùa đẹp nhất trong năm chính là mùa thanh minh! Dịp này, tôi lại vác balô về quê, lại đốt nhang tảo mộ, lại gặp và ba điều bốn chuyện với anh em bà con tứ xứ tụ về, lại được uống rượu đế và ăn bánh hỏi thịt quay ngay tại gò mả. Nhưng quan trọng nhất là được về thăm mẹ tôi, đang an nghỉ nơi chỉ cách mái nhà cha tôi đang sống một đám ruộng cộng với một tiếng gọi phía sau chái bếp. Mái nhà ấy, nơi cha mẹ tôi dọn gánh quay về lại Bạc Liêu sau khi tôi xuất ngũ về vài năm, với hai công đất hương hỏa, nằm ngay dưới chân cầu Cái Tràm, trước thuộc huyện Vĩnh Lợi, nay vừa tách ra theo huyện Hòa Bình.
Tháng 9-2009, tôi cùng mấy bạn đồng nghiệp cơm ghe bè bạn kéo về Bạc Liêu để làm hồ sơ 90 năm Dạ cổ hoài lang của bác Sáu Lầu. Nói nào ngay, bản này dù nhiều lần được nghe trên đài, trên tivi, được cả các danh ca của đoàn Cao Văn Lầu chiêu đãi nhạc sống, nhưng tôi vẫn thấy hay nhất trong đời chính là khi được nghe Cao Xuân Thu Vân, lúc làm bí thư Thị đoàn Bạc Liêu, hát chay không đờn ngay bên mộ bác Sáu, thời hai vợ chồng bác còn nằm giữa đồng trống, chưa được cất lại thành khu di tích sang và đẹp như bây giờ. Giọng bạn vang xa giữa trời sáng, mà nhấn nhá như tiếng lòng ai giữa đêm xưa, xúc động lắm! Dĩ nhiên, hồi đó tôi nghe hát bằng tim. Đợt này về lại Bạc Liêu, vô thư viện, ghé bảo tàng, ngồi nghe con trai bác Sáu kể chuyện, ngồi coi tổng dượt chương trình sân khấu hóa, diện kiến bao nhiêu cao thủ từng nghiên cứu, giảng dạy và biểu diễn Dạ cổ hoài lang, tôi thiệt là như được mở mắt một lần cho tỏ trời cao đất dày.
Bữa vô Trường Văn hóa nghệ thuật của tỉnh, ghé thăm lớp trung cấp sân khấu đúng dịp thầy hiệu trưởng đang giảng Dạ cổ hoài lang, tôi được gặp Hồng Nhiên, mà hôm sau mới biết bạn là người của đoàn Cao Văn Lầu đang học tại đây. Bạn kể cả nhà mười anh chị em ai cũng biết ca tài tử, riêng bạn từ 8 tuổi đã biết hát vọng cổ. Ông bà ngoại từng lập gánh hát, mẹ từng là văn công. Bạn được lãnh đạo đoàn Cao Văn Lầu phát hiện qua cuộc thi giọng hát hay toàn huyện. Tôi hỏi em ở huyện nào? Bạn thưa huyện Đông Hải!
Đông Hải!? Tôi mở mắt hết cỡ... Tôi về quê mình mà nghe như lạc vào cõi xa. Đông Hải!?
Hỏi ra mới biết huyện Giá Rai trước đây có đến 19 xã và ba thị trấn (Giá Rai, Hộ Phòng, Gành Hào). Ngày 1-3-2002, tỉnh quyết định tách riêng miệt Gành Hào cặp biển thành một huyện làm muối và thủy hải sản, để phần còn lại phía bắc là một huyện lúa vẫn giữ tên Giá Rai.
Chuyện tách chia này không có gì để bàn. Nhưng sao huyện mới lại là Đông Hải, một cái tên từ trên trời rơi xuống, mà không mang tên của huyện lỵ Gành Hào, một cái tên nghe là thấy nhớ, một cái tên đã thành thương hiệu với Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang của Vũ Đức Sao Biển. Gành Hào không sang bằng Đông Hải chăng? Bỗng biết chuyện ở thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông), có một cái hồ xưa nay bao đời vẫn mang tên hồ Vịt.
Nhưng mới đây người ta lại dựng tấm bảng ghi mấy dòng “Công trình cải tạo hồ Thiên Nga chào mừng Đại hội Đảng”! Thiên Nga đẹp hơn Vịt sao? Thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) có thời đã bị đổi tên, nếu không nhờ ơn đức của một vị lãnh đạo cấp cao vốn là người sông nước Nam bộ yêu cầu “trả lại tên cho em” thì từ đó đã chết danh Tân Hiệp. Và “anh bán chiếu” năm nào nếu sống lại chắc là phải chịu chết vì biết tìm đâu cho ra cái dòng kênh Ngã Bảy, nơi “cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào”! Tân Hiệp hay hơn Ngã Bảy hả?
Sao có những cái tên của mấy trăm năm, của máu thịt lại bị đánh rớt dễ dàng như trở bàn tay? Mẹ ơi, những Lai Hòa, Cái Tràm, Láng Dài, Láng Tròn, Xóm Lung, Trà Kha, Đìa Chuối, Vĩnh Mỹ, Vĩnh Hưng, Cầu Số Hai, Cầu Sập, Cầu Quay... là mồ mả ông bà, là máu mủ ruột rà, là kỷ niệm, là ký ức của một đời có thể nào chia xa... Hay vì lòng ta cạn, không đủ yêu, không đủ thương, không đủ hãnh diện về cái tiếng quê mình?
Nếu có ngày ta về quê, bỗng lạc vào những Đông Hải, Trung Sơn, Nam Giang, Bắc Khê, Tây Lĩnh... thì trời ơi biết sống làm sao!
Ơi Gành Hào!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận