Hành trình thỉnh kinh của Đường tăng xuyên qua trên trăm nước (có tài liệu ghi 108 nước, có tài liệu ghi đến 138 nước), kéo dài mười mấy năm. Ra khỏi ải Ngọc Môn Quan là hết địa phận Trung Quốc, đi vào sa mạc Gobi; từ sa mạc Gobi đi qua các nước nhỏ ở Trung Á, vượt dãy núi Hi Mã Lạp Sơn tới biên giới Ấn Độ; từ nước Ca Tất Thi (Kapisa, thuộc lãnh thổ Afghanistan sau này) chu du Ấn Độ và tu học tại chùa Na Lan Đà (Narandha)...
Câu chuyện Đường tăng thỉnh kinh, dù được chép dưới dạng sử hay truyện hư cấu, cũng phản ánh một chi tiết tối quan trọng cho thấy thế giới vào thế kỷ thứ 7 văn minh và thượng tôn pháp luật cùng thông tục quốc tế không kém ngày nay: tự do giao thương, thông hành do nước này cấp sang nước khác được thừa nhận, mỗi khi nhập, xuất cảnh đều được thị thực.
Ngay cả trong truyện Tây du ký của Ngô Thừa Ân hay của Dương Chí Hòa, cho dù có hư cấu đến những bảy mươi hai phép thần thông của Tôn Ngộ Không, thì thầy trò Đường tăng cũng trình thông hành xin đóng dấu nhập - xuất, chứ không cậy phép của Tôn Ngộ Không mà đằng vân giá vũ qua khỏi cửa khẩu. Đi đến đâu, thầy trò Đường tăng cũng đều được nước chủ nhà “tạo mọi sự giúp đỡ cần thiết” như có thể thấy ghi trên các cuốn hộ chiếu ngày nay...
15 thế kỷ trước, thiên hạ đã văn minh, tuân thủ thông lệ quốc tế như thế rồi! Mặt khác cũng có phần vì nhà Đường, khi cấp thông hành cho thầy trò Đường tăng, tuy cũng trong vị trí “đế chế nằm ở trung tâm thế giới” song cũng khiêm cung và rạch ròi nhìn nhận lãnh thổ của mình đến ải Ngọc Môn Quan là chấm dứt, còn thì là của thiên hạ. Nhờ đó mà Đường tăng hoàn thành sứ mạng thỉnh kinh qua trăm họ, bá tánh.
Thật tình mà nói, nếu vua Đường thời đó mà ngang ngược ghi nước Đản Xoa Thỉ La (Takshasila thuộc Pakistan), nước Y Ngô (Uighur, thuộc khu tự trị Tân Cương ngày nay) hoặc nước Khuất Chi (Kucha, thuộc khu tự trị Tân Cương ngày nay) hoặc nước Kiệt Nhược Cúc Đồ (Kayakubja, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ)... nằm trong lãnh thổ của mình thì thầy trò Đường tăng làm sao mà quá cảnh!
Ấy vậy mà 15 thế kỷ sau, con cháu Đường tăng lại tự ý vẽ ra đường lưỡi bò. Hết in vội in vàng trên bản đồ, sách vở, nay lại in hẳn lên hộ chiếu. Rình rình đợi thiên hạ vô ý vô tứ đóng dấu “nhập, xuất cảnh” nhiều nhiều lên các hộ chiếu đường lưỡi bò đó, là hô toáng lên rằng thiên hạ mặc nhiên công nhận “lãnh thổ lưỡi bò” đó rồi. Rồi từ sự mặc nhiên thừa nhận trong thực tế (theo ngôn ngữ luật pháp quốc tế gọi là de facto) đó, sẽ tự ý diễn dịch là mặc nhiên có giá trị pháp lý (de jure)... Ôi mưu cao, kế dày?
Chưa chắc, người “Phú Lang Sa” ngày xưa (cách gọi về người Pháp) gọi bêu rếu những trò đó là chinoiserie (đến từ tính từ chinois chỉ định cái gì thuộc người Trung Quốc) tức những trò ma bùn, láu cá vặt (một nghĩa của từ chinoiserie)!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận