Chẳng qua có một Quân Khu 4 không nuôi nổi một đội bóng chuyên nghiệp, cộng với việc một đại gia ngân hàng muốn quảng bá thương hiệu bằng bóng đá, rồi thêm một vài vị chức sắc muốn sân Thống Nhất không phải bẽ bàng vì vắng V-League, thế là xuất hiện Navibank Sài Gòn! Đã vậy, không chỉ “xác” thì trên trời rơi xuống mà “hồn” cũng chẳng phải gu bóng đá Sài Gòn (người dân TP thích thứ bóng đá đẹp, mềm mại, trong khi đội này thì rắn như thép!), nên Navibank Sài Gòn cứ tồn tại theo kiểu có cũng thế mà không có cũng thế.
Chưa hết, Navibank Sài Gòn lẽ ra đã xuống hạng khi xếp hạng 13/14 V-League 2009-2010. Nhưng nhờ một chuyện không giống ai của bóng đá VN (một số đội hạng nhất không chuyển đổi thành doanh nghiệp như quy định từ đầu mùa), do vậy có một trận tranh vé vớt giữa một đội lẽ ra đã rớt hạng - Navibank Sài Gòn với một đội lẽ ra đã lên - Than Quảng Ninh.
Vì vậy, khi chiều qua Navibank Sài Gòn giành quyền ở lại V-League, người hâm mộ bóng đá TP.HCM cũng thờ ơ như khi tưởng rằng đội này xuống hạng.
Vậy thì có gì đâu phải “hú hồn”?
“Hú hồn” ở đây là đối với những ai đã đổ tiền và đổ công sức để xây dựng nên một đội Navibank Sài Gòn.
Chỉ tiếc rằng tiền ấy, công ấy không được trân trọng. Đơn giản bởi người Sài Gòn trọng tài chứ không trọng tiếng hão. Điều người ta muốn là có một đời sống bóng đá đích thực như thời mười năm đầu sau khi đất nước thống nhất. Lúc ấy tiếng chân người đá bóng rầm rập trên sân Phú Thọ, kéo qua Lam Sơn, lên đến Tao Đàn, Hoa Lư, xuôi về sân golf Phú Nhuận... Nhờ thế, cầu thủ giỏi đông đảo đến độ cung cấp cho 3, 4 đội hàng đầu quốc gia cũng thừa sức.
Làm sao tìm được lại ngày xưa mới là hay, chứ làm bóng đá kiểu “ốc mượn hồn” thì không phải là cái người Sài Gòn cần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận