14/04/2017 11:09 GMT+7

Ốc đảo xanh giữa miền nắng cháy

BÀI VĂN NHƯƠNG
BÀI VĂN NHƯƠNG

TTO - Buổi trưa, mùa khô biên giới ngập trong cái nóng khô khốc. Trong gam màu đỏ quạch của không gian, trang trại của ông Hồ Văn Điều, thôn 3, xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, Đắk Lắk nổi lên như một ốc đảo xanh.

Đám vịt nhà, vịt trời được ông Hồ Văn Điều thuần hóa là nguồn thu căn bản cho gia đình ông - Ảnh: B.V.N.
Đám vịt nhà, vịt trời được ông Hồ Văn Điều thuần hóa là nguồn thu căn bản cho gia đình ông - Ảnh: B.V.N.

Đi giữa những hàng dừa xiêm đang bắt đầu nở hoa kết trái, ông Điều tươi cười cho biết: “Ban đầu tôi chỉ trồng những loại cây nông sản ngắn ngày và các loại rau củ, vừa để ăn vừa để bán cho người quanh đây. Nhưng rồi gần đây, chính quyền có chủ trương cấp đất cho nông dân canh tác lâu dài nên tôi mới đầu tư trồng cây lâu năm”.

Vợ chồng ông trước đây sống ở Bình Thuận. Sau đó chuyển đến tỉnh Bình Phước sinh sống. Năm 2006, ông quyết định đưa gia đình tình nguyện lên vùng biên giới huyện Ea Súp này tham gia dự án kinh tế - quốc phòng theo chủ trương của Nhà nước.

Lúc đầu gia đình ông cũng như hàng trăm hộ dân khác trồng và chăm sóc cây điều, cây keo lá tràm cho ban quản lý dự án. Rồi ông thấy vùng đất này có nhiều thuận lợi để xây dựng trang trại.

Với kinh nghiệm của người nông dân, ông đã khai hoang, phục hóa được mảnh đất rộng trên 2ha nằm ngay cạnh đập nước. Ông quyết định đào ao nuôi cá, trồng các loại cây ăn trái như thanh long, xoài, chuối, bưởi... Ông cũng đưa về trồng một loại dừa siêu trái được mang về từ tỉnh Bến Tre.

Trong trang trại xanh ngắt, ông Điều kể về những dự định của ông trên vùng đất này. Năm 2014 ông đã trồng được trên 200 cây dừa, sau ba năm với bao công sức vun trồng đến nay những cây dừa đã bắt đầu cho lứa thu hoạch đầu tiên. Những trái dừa thơm ngọt mát lành giàu chất dinh dưỡng rất phù hợp nhu cầu giải khát của người dân vùng biên sẽ cho gia đình ông nguồn thu kha khá.

Kế hoạch lấy ngắn nuôi dài của ông Điều được vợ của ông - bà Nguyễn Thị Bích Khởi - hết lòng ủng hộ và đã chung sức chung lòng thực hiện. Trong khu trang trại nhà ông đâu đâu cũng thấy trồng đủ các loại rau củ quả.

Buổi sáng hai vợ chồng chăm sóc cây quả, buổi chiều bà Khởi chất rau quả lên xe máy, rong ruổi khắp các thôn trong xã phục vụ người dân. Vùng biên này không có chợ, nên những chuyến xe rau quả của bà Khởi chính là cái chợ di động của người dân.

Mỗi ngày, chuyến xe chợ của bà thu khoảng 200.000 - 300.000 đồng, một khoản thu không nhỏ với người dân vùng này.

Chỉ đàn vịt trời đang tung tăng bơi lội dưới ao, ông Hồ Văn Điều cho biết năm 2016, Đồn biên phòng Ia Rvê giúp gia đình 100 con giống và bày cách làm chuồng trại, đến nay đã thu hoạch được 3 lứa.

“Đàn vịt phát triển tốt lắm, để có được cuộc sống như ngày hôm nay, gia đình chúng tôi cảm ơn các chú biên phòng” - ông nói.

Được như bây giờ gia đình ông cũng đã trải qua bao khó khăn lúc đầu. Năm 2009, để giúp gia đình ông ổn định cuộc sống, chương trình “Mái ấm nơi biên giới” của Bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Lắk và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xây tặng gia đình ông ngôi nhà tình nghĩa. Đó là nguồn động viên giúp ông quyết tâm lập nghiệp trên vùng đất mới.

Từ hai bàn tay trắng, vợ chồng ông Điều cùng với 4 người con tình nguyện lên Đắk Lắk tham gia dự án kinh tế quốc phòng của Nhà nước đến nay đã hơn 10 năm. Mặc dù mới đạt kết quả bước đầu, nhưng ông Điều nói ông biết chắc chắn ông đang gầy dựng một cuộc sống căn cơ sung túc.

Đại úy Trương Văn Hoành, chính trị viên phó Đồn biên phòng Ia Rvê, cho biết: vốn xuất thân là người cựu chiến binh tham gia chiến trường Campuchia, ông Điều luôn phát huy phẩm chất người chiến sĩ “kiên trì, bền bỉ, gian khổ không nản chí” vượt khó vươn lên. Ông là tấm gương sáng để các hộ dân trong thôn, xã noi theo.

BÀI VĂN NHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp