26/10/2014 07:13 GMT+7

​Obama, Nina và cái ôm nổi tiếng

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Tấm ảnh Tổng thống Obama ôm chặt nữ y tá gốc Việt vừa được tuyên bố hết bệnh Ebola đã được lan truyền trên nhiều phương tiện truyền thông thế giới.

 
Tổng thống Mỹ ôm chặt Nina Phạm trước sự chứng kiến của mẹ và em gái Nina tại phòng Bầu dục - Ảnh: Nhà Trắng
Tổng thống Mỹ ôm chặt Nina Phạm trước sự chứng kiến của mẹ và em gái Nina tại phòng Bầu dục - Ảnh: Nhà Trắng

Bước vào phòng Bầu dục của Nhà Trắng buổi chiều 24-10 còn có mẹ của Nina là bà Diane và em gái Cathy.

Quyết định nhanh chóng

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến nay đã có 4.912 người thiệt mạng trong tổng số 10.114 trường hợp bị phát hiện nhiễm virút Ebola ở Guinea, Liberia và Sierra Leone thuộc khu vực Tây Phi.

Nhằm thể hiện niềm tin vào đội ngũ bác sĩ, Nhà Trắng đã không bắt buộc cô Phạm phải xét nghiệm một lần nữa trước khi gặp trực tiếp tổng thống.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest cho biết: “Cô Phạm đã được xét nghiệm năm lần để chắc chắn virút không còn trong cơ thể. Do đó, cuộc gặp giữa cô ấy và tổng thống là hoàn toàn an toàn”.

Đến thứ sáu, Nhà Trắng mới biết việc cô Phạm sẽ được ra viện và đã nhanh chóng liên lạc với Viện Sức khỏe quốc gia (NIH) - nơi cô Phạm được điều trị mấy ngày qua - “để thông báo với cô ấy rằng tổng thống có lời mời gặp mặt, nếu cô ấy không từ chối” - ông Earnest cho biết.

Theo AFP, khi được hỏi liệu có bất cứ lo ngại nào về việc tổng thống tiếp xúc với một bệnh nhân Ebola vừa mới khỏi bệnh hay không, Earnest chỉ nhún vai: “Vâng, ông ấy là tổng thống, và ông ấy không lo lắng về bất cứ nguy cơ lây bệnh nào khi ôm chặt cô Phạm để tỏ lòng biết ơn”.

Đây không phải lần đầu tiên ông Obama truyền tải thông điệp trấn an bằng một cái ôm.

Sau cuộc họp với các quan chức cấp cao về các biện pháp phòng chống dịch Ebola, tổng thống Mỹ đã tới thăm trung tâm điều trị đặc biệt ở Đại học Emory, bang Georgia.

Sau đó Tổng thống Obama tuyên bố: “Tôi muốn lấy bản thân ra làm ví dụ để mọi người hiểu. Tôi bắt tay và ôm hôn các bác sĩ và y tá ở Emory, những người đã rất dũng cảm trong việc điều trị cho người bệnh. Họ đều tuân theo quy trình an toàn và biết mình đang làm gì. Tôi cảm thấy hoàn toàn yên tâm khi tiếp xúc với họ”.

Nina trên đường về nhà

Sau cuộc gặp tại Nhà Trắng, nữ y tá Nina Phạm cùng mẹ và em gái trở về nhà ở Dallas.

Trong buổi sáng 24-10, khi được cho xuất viện ở NIH, Nina Phạm mặc bộ trang phục màu ngọc lam tươi cười và tự tin trả lời báo chí trong buổi họp báo tổ chức tại bệnh viện.

“Tôi thấy mình may mắn và hạnh phúc được đứng ở đây hôm nay. Tôi đang trên đà hồi phục và tôi đang nghĩ về nhiều bệnh nhân khác vẫn chưa gặp may” - AFP dẫn lời Nina Phạm.

Nina Phạm cho biết cô luôn nghĩ về đồng nghiệp của mình là nữ y tá Amber Vinson (người cũng sắp hết bệnh) và bác sĩ Craig Spencer vừa nhiễm Ebola ở New York ngày 23-10.

Cô cũng bày tỏ lòng cảm ơn đối với bác sĩ Kent Brantly và một điều phối viên người Mỹ từng nhiễm Ebola ở Liberia, người đã hiến huyết tương để giúp cô hồi phục.

Cô cho biết việc mình bị bệnh là một thử thách và bản thân cô rất căng thẳng khi biết mình nhiễm bệnh.

“Tôi tin vào sức mạnh của sự cầu nguyện vì tôi biết rằng có quá nhiều người đã cầu nguyện cho tôi” - báo New York Times dẫn lời Nina Phạm.

Sự hồi phục nhanh chóng của Nina cũng là một lời động viên vô cùng lớn cho đời sống nước Mỹ đang hoang mang vì các trường hợp bị nhiễm Ebola liên tiếp.

Vì thế trong cuộc họp báo chiều 24-10, thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest cũng khen ngợi việc người dân New York vẫn duy trì các hoạt động thường ngày sau khi bác sĩ Craig Spencer, người vừa trở về New York từ vùng dịch Ebola, đã có biểu hiện dương tính và được đưa vào cách ly.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp