22/11/2012 08:30 GMT+7

Obama lặng lẽ ở châu Á

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Trái ngược với sự chờ đợi của dư luận và báo chí, sự có mặt lần này của Tổng thống Mỹ Barack Obama ở châu Á xem ra lặng lẽ, im hơi lặng tiếng.

Ngoại trừ khi ở Myanmar, sự hiện diện của ông ở Campuchia và Hội nghị cấp cao Đông Á là mờ nhạt. Đang có những giải thích khác nhau.

7NWrEDWt.jpgPhóng to
Đi nửa vòng Trái đất đến châu Á nhưng các rắc rối vẫn đeo bám Tổng thống Mỹ Barack Obama - Ảnh: T.nghĩa

Reuters cho biết sau bữa ăn tối với các lãnh đạo châu Á ngày 19-11, ông Obama đã làm việc trên điện thoại đến 2g30 hôm sau về tình hình Trung Đông và sau đó đã phái Ngoại trưởng Hillary Clinton tức tốc bay đến Jerusalem. Ông Obama cũng tranh thủ gọi cho các ông chủ trong ngành tài chính như Jamie Dimon của Tập đoàn JPMorgan Chase hay tỉ phú Warren Buffett để vận động sự ủng hộ kế hoạch tài chính của ông cho kinh tế nước nhà.

“Vừa đi vừa nhai kẹo”

Dù phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes khẳng định “Mỹ có thể vừa đi vừa nhai kẹo cao su”, nhưng những vấn đề trên rõ ràng đã ảnh hưởng lớn đến kết quả chuyến công du châu Á của ông Obama.

"Chúng tôi lo ngại về việc mối quan hệ Trung - Mỹ sẽ ngày càng trở nên đối kháng. Mỹ muốn duy trì quyền lực thống trị ở châu Á, Trung Quốc muốn trở thành quyền lực thống trị ở châu Á. Nhưng điều mà tất cả chúng tôi muốn là không nước nào có quyền lực thống trị ở châu Á"

Giáo sư nghiên cứu chiến lược Hugh White (Đại học Quốc gia Úc)

Reuters nhận định chuyến đi của ông Obama đến châu Á dù trên giấy mực có vẻ tốt đẹp như một chuyến công du sau khi tái đắc cử nhằm củng cố chiến lược xoay trục của Washington và trở về trong sự tán dương của các lãnh đạo thế giới. Nhưng nó không diễn ra như mong đợi.

Tại Campuchia, ông Obama lại lâm vào một thực tế nan giải trước những tranh chấp về lãnh thổ tại khu vực. Cùng lúc, ông lại vấp phải một vấn đề đau đầu khác là cuộc chiến mới bùng nổ tại điểm nóng Gaza. Đó là chưa kể đến một rắc rối lớn đang chờ ông ở nhà là “vách đá tài chính” đang ngày một lớn dần mà chưa có cách nào hóa giải.

Kế hoạch củng cố chiến lược châu Á của tổng thống Mỹ, mở đầu bằng việc thăm một quốc gia sân sau của Trung Quốc là Myanmar, đã bị nhận chìm trong những tranh cãi. Tại Phnom Penh, các lãnh đạo châu Á dường như không còn nhìn ông giống cách đây bốn năm khi ông bước vào Nhà Trắng như một ngôi sao.

Theo AFP, ông Obama đã đối đầu với những phản đối của Trung Quốc về tranh chấp tại khu vực, đồng thời lại tỏ ra lo ngại một hội nghị về những tranh cãi lãnh thổ, nhưng lại thiếu sự ủng hộ mạnh mẽ đối với những đồng minh như Nhật Bản, Philippines... Còn lời lẽ của ông đối với Bắc Kinh lại không cứng rắn như trong chuyến công du châu Á của ông năm ngoái. Cuộc họp kín giữa ông với Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng không đưa đến một cam kết cải tổ quan trọng nào từ nước chủ nhà.

Theo đó, chuyến công du ba ngày của ông được đánh giá thiên về hình thức hơn là thực chất, trong khi Trung Quốc lại giống như người sắp lịch cho hội nghị.

Châu Á nhìn Obama

Lý giải điều này, Eric Talmadge trên AP nhận định nhiều thứ đã thay đổi ở châu Á - Thái Bình Dương khi Mỹ mải mê chinh phạt trong các cuộc chiến ở Iraq hay Afghanistan. Và nay, các thành viên của khu vực được coi là trung tâm mới của nền kinh tế thế giới đang có nhiều cái nhìn khác nhau về chiến lược xoay trục mà ông Obama đem đến trong chuyến công du này.

Trung Quốc dĩ nhiên cho rằng chiến lược của Mỹ là một trò cũ rích từ thời chiến tranh lạnh nhằm cô lập Bắc Kinh và củng cố quan hệ với những nước đang có tranh chấp với Trung Quốc. “Bằng cách sử dụng lý thuyết mối đe dọa mang tên Trung Quốc, Mỹ muốn các nước láng giềng của Trung Quốc tin rằng châu Á - Thái Bình Dương cần Mỹ để bảo vệ” - một học giả Trung Quốc mới đây viết trên tờ Nhật Báo Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định sự trỗi dậy của mình là một điều hiển nhiên và Mỹ khó mà lật đổ được vị thế của Trung Quốc, nước mới đây đã nâng cấp quân sự từ trình làng hàng không mẫu hạm, máy bay chiến đấu thế thệ mới đến khả năng tấn công mạng.

Trong khi đó, đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại khu vực lại cảm thấy thất vọng trước thái độ trung lập của Washington trong tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh. Mỹ, về ngoại giao, hối thúc hai nước tự giải quyết tranh chấp với nhau.

“Thật lạ lùng. Tôi tin rằng Mỹ là đồng minh nhưng chúng tôi phải giải quyết vấn đề trong sự trung lập của Washington” - cựu quan chức ngoại giao cao cấp Kazuhiko Togo nhận xét. Mỹ cũng chần chừ trong thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với những nước đồng minh tại Đông Nam Á có tranh chấp với Trung Quốc, đơn cử như việc Philippines đã phải rút lui trong vụ đối đầu căng thẳng gần đây ở bãi Scarborough trong khi tàu Trung Quốc nhất quyết không nhường chỗ. “Mỹ cần phải trấn an đồng minh của mình rằng cuối cùng Mỹ sẽ đến với họ” - chuyên gia Ramon Casiple của Philippines nhấn mạnh và cho rằng điều đó cho thấy Mỹ không muốn liều lĩnh để cuối cùng chỉ được chọn lựa giữa can thiệp hoặc mất ảnh hưởng.

Nặng kinh tế, nhẹ quân sự

Báo Asie-info lại đưa ra một cái nhìn khác khi cho rằng trọng tâm chuyến công du Đông Nam Á của ông Obama là Myanmar và điểm nhấn mà ông ghi được ở đây là đã làm Bắc Kinh suy yếu. Campuchia vẫn là “cậu bé rắc rối trong chiến lược tái cân bằng châu Á của Mỹ” như mô tả của giới chuyên gia. “Campuchia đang hiện đại hóa đất nước và mở cửa với tất cả. Họ đang cố đuổi kịp với suy nghĩ cho rằng những bài học đạo đức của Mỹ chẳng kéo dài được bao lâu, quan trọng nhất là làm sao duy trì được quan hệ với vài người bạn tốt mà túi đầy tiền” - báo này viết.

Ông Obama ngay sau khi tái đắc cử, thậm chí còn chẳng có thời gian để mở sâm banh ăn mừng thắng lợi, đã vội vã bay đến châu Á. Báo này nhận định: ngay trong chuyến công du đầu tiên của nhiệm kỳ hai, ông Obama đã tìm thấy được chút thời gian để kịp thở, bất chấp hoàn cảnh mà ông đang lâm vào. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo sắp chuyển

giao quyền lực, Thủ tướng Nhật Noda thì liệu có còn lại sau cuộc bầu cử sớm vừa được loan báo không, tổng thống Hàn Quốc cũng sắp về hưu... Ngoài ra, năm mới sắp đến dự báo không có những biến động. ASEAN đã không sao đồng thuận được về một giải pháp “quốc tế hóa” vấn đề biển Đông, một sự đồng thuận mà Philippines đã công khai kêu gọi và khiến Tổng thống Aquino bức xúc. Vấn đề biển Đông cũng sẽ chìm xuống ít nhất là trong năm 2013 khi Trung Quốc và Mỹ có những ưu tiên khác: với Bắc Kinh là khoảng cách giàu nghèo và môi trường suy thoái, còn với Washington là nền kinh tế. Chiến lược tái cân bằng châu Á của Mỹ từ nay sẽ nhấn mạnh đến những khía cạnh kinh tế, chứ không phải quân sự. Vào lúc này, chẳng ai lại muốn xổ tung cuộn chỉ rối ra cả.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp