Bị cáo Giáp tại tòa - Ảnh: T.Lụa |
Nghe đọc nội dung bài báo - Tuổi Trẻ Media |
Bị cáo 21 tuổi, là sinh viên đại học năm 3, tương lai, sự nghiệp đã đổ vỡ khi Giáp tự mình tước đi mạng sống của một người cùng làng bằng một nhát dao.
Nhưng đâu ai ngờ tội ác ấy có nguyên nhân sâu xa từ một mâu thuẫn cách đây năm năm trước. Khi đó Giáp đang là học sinh phổ thông tại quê nhà.
Vào một đêm chi đoàn địa phương tổ chức vui xuân thì giữa Giáp và anh Trương Văn Trường (người cùng làng) nảy sinh mâu thuẫn.
Anh Trường đánh Giáp chảy máu, bầm giập tay chân phải đi cấp cứu. Gia đình anh Trường đã phải sang nhà Giáp xin lỗi và đền bù một số tiền để Giáp mua thuốc men.
Thuyền xô hai hướng
Năm năm sau, Giáp là sinh viên năm 3 Trường đại học Công nghiệp Hà Nội, vừa kết thúc kỳ thực tập và về quê nghỉ ngơi ít ngày.
Chiều 30-12-2014, Giáp tham gia đá bóng giao lưu cùng một số thanh niên tại sân vận động xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ. Trong lúc đá bóng, Giáp có mâu thuẫn với anh Trịnh Văn Nhã và anh Trương Minh Dân. Hai bên lời qua tiếng lại, anh Nhã và anh Dân dùng tay đấm đá Giáp. Lúc này anh Trương Văn Trường (anh họ của Dân) cũng lao vào chửi nhau với Giáp.
Sau khi được mọi người can ngăn, Giáp bỏ chạy về nhà. Sự việc lẽ ra đã dừng lại ở đó nếu như anh Trường không đi xe máy đuổi theo, dựng xe ngoài cổng nhà Giáp rồi dùng gạch đá ném vào phía trong.
Giáp thấy vậy liền bỏ chạy vào trong nhà lấy một con dao đi ra phía cổng, dùng tay xô anh Trường. Anh Trường dùng viên gạch đập vào đầu Giáp nhưng Giáp tránh được. Lập tức Giáp dùng dao chém một nhát vào vùng cổ bên trái anh Trường.
Nhát dao oan nghiệt ấy làm anh Trường chết trên đường đi cấp cứu. Giáp đến Công an huyện Phúc Thọ đầu thú.
“Bị cáo với anh Trường có mâu thuẫn gì từ trước không?” - câu hỏi ấy được vị chủ tọa nhắc nhiều lần nhưng Giáp đều khai “không có”.
Bị cáo cho rằng chỉ vì chút mâu thuẫn trên sân bóng, không liên quan đến anh Trường nhưng anh vẫn lao vào đánh bị cáo trước, bị cáo đã bỏ về nhà rồi mà anh Trường vẫn đuổi theo, ném gạch vào nhà bị cáo, dùng gạch đập vào đầu bị cáo.
Tòa công bố lá đơn của ông Trương Văn Thiều, bố bị cáo, gửi đến tòa. Mối mâu thuẫn cỏn con từ năm năm trước được nhắc lại trong lá đơn ấy.
Ông Thiều cho rằng những năm tháng qua, gia đình ông và gia đình anh Trường sống cùng thôn, vẫn đi lại với nhau nhưng “bằng mặt chứ không bằng lòng”.
Lá đơn của ông Thiều và những lời khai của bị cáo càng làm gia đình bị hại phản ứng gay gắt. “Con trai tôi bị giết, bị cáo lại còn đổ cho con tôi có hành vi côn đồ để gỡ tội cho mình” - bà Hoa, mẹ bị hại, nói trước tòa.
Khi Giáp quay xuống xin lỗi gia đình bị hại thì chị Nhị, vợ bị hại, khóc to: “Mày xin lỗi thì có trả lại được bố cho con tao không? Con tao hỏi bố đâu, tao biết trả lời thế nào?”. Cả gia đình bị hại ném cho bị cáo những cái nhìn sắc lạnh, đầy oán hận.
Không thể hòa giải
“Mẹ ơi, thằng Giáp là thằng nào? Mẹ chỉ nó để con cào nát mặt nó ra” - con gái 4 tuổi chạy lại ôm ấy chị Nhị khi chị vừa bước ra khỏi phòng xử. Một lúc sau, cô bé lại bảo với mẹ: “Con sợ nó lắm. Nó giết bố con, thôi mẹ đừng chỉ nó cho con”...
Không ai có thể ngờ những lời lẽ đầy hận thù ấy lại được phát ra từ miệng của một đứa trẻ mới chỉ hơn 4 tuổi. Khi anh Trường mới mất, cô bé thường hỏi bố đâu, chị Nhị nói dối con bố đi làm ăn xa, lâu lắm mới về.
Ngày qua ngày, cô bé lại thắc mắc tại sao bố lâu về như vậy. Cho đến khi nghe người lớn nói với nhau về “thằng Giáp”, về cái chết của bố.
Tòa không tuyên bị cáo từ 18 - 20 năm tù như đề nghị của vị đại diện viện kiểm sát mà tuyên bị cáo án tù chung thân.
Ngoài số tiền chi phí mai táng, tổn thất tinh thần, bị cáo còn phải chu cấp cho hai con của bị hại đến năm 18 tuổi, chu cấp cho bà Hoa mỗi tháng 500.000 đồng.
Bản án ấy vô tình lại làm mâu thuẫn của hai gia đình ở thôn Trung, xã Tam Thuấn thêm sâu sắc. “Tôi buồn vì bản án bất công quá! Con tôi giết người thì phải chịu tội, nhưng sao lại tuyên nó mức án nặng như thế? Trong khi bị hại cũng có một phần lỗi. Mẹ Trường không ở chung với Trường, bà ấy mới 49 tuổi, ít hơn tôi một tuổi, vậy mà tòa lại tuyên mỗi tháng Giáp phải phụ cấp cho bà 500.000 đồng...” - ông Thiều than thở.
Những ngày tan phiên tòa, dù uất ức nhưng vì quá thương con, ông Thiều đã nhiều lần đến nhà bà Hoa thương lượng, mong bà Hoa nhận số tiền bồi thường không quá cao rồi làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Thế nhưng những lần họ gặp nhau đều không thống nhất được. Chị Nhị vẫn nhắc lại chuyện mâu thuẫn từ năm năm trước: “Lúc đó gia đình họ còn bắt gia đình tôi phải sang quỳ xuống dưới chân mới bỏ qua mọi chuyện”. Ông Thiều phân trần: “Làm gì có chuyện đó, lúc đó Giáp đi khám nhiều lần, gia đình anh Trường bảo đền tiền thuốc, tôi chỉ lấy có 1 triệu đồng tiền xăng xe”...
Cứ như vậy, nhà đầu làng, nhà giữa làng hằng ngày đi ra đi vô chạm mặt nhau mà mâu thuẫn không thể nào hòa giải.
Ở tòa, khi bà Hoa đề nghị “tòa phải xử thế nào để làm giảm nỗi mất mát của gia đình tôi”, vị chủ tọa đã nói dù mức án đối với bị cáo có cao thế nào đi chăng nữa cũng không thể nào lấy lại được mạng sống cho anh Trường. Người chết đã chết rồi, người ở lại vẫn phải tiếp tục sống. Nhưng sống thế nào để không dằn vặt nhau, không gây đau khổ cho nhau là điều mà vị chủ tọa muốn cả hai bên gia đình cùng suy nghĩ. Tiếc rằng họ đã không lựa chọn cách nghĩ như vậy. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận