08/04/2014 00:39 GMT+7

Oan sai một phần bởi hội thẩm?

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Ông Trương Hòa Bình, chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đặt vấn đề như vậy về vai trò, trách nhiệm, quyền hạn và lợi ích của hội thẩm nhân dân trong các phiên xét xử ở VN hiện nay trong phiên họp thứ 12 Ủy ban Tư pháp của Quốc hội diễn ra ngày 7-4 tại TP.HCM.

UGDK6oH1.jpgPhóng to
Ông Trương Hòa Bình, chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Ảnh: T.Thắng

Nêu ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi, bà Trịnh Thị Thanh Bình - chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre - đã nêu ra thực trạng về vai trò và nhiệm vụ, quyền lợi của hội thẩm nhân dân trong các phiên xét xử tại các cấp tòa.

QpoLSbDT.jpg
Ông Nguyễn Sơn, phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Ảnh: H.Điệp
Không ai giám sát hội thẩm nhân dân

Theo bà Bình, hiện nay hội thẩm nhân dân tham gia các phiên tòa do HĐND bầu lên nhưng không ai chịu trách nhiệm về việc giám sát hội thẩm và theo bà Bình thì khi bầu hội thẩm không có đề xuất, không có giới thiệu và sau này hội thẩm nhân dân muốn làm thế nào thì làm, HĐND không có trách nhiệm. Và việc đoàn hội thẩm hoạt động thế nào thì không có cơ chế nào quy định.

Trong khi đó, hội thẩm nhân dân làm việc trực tiếp với tòa án, nhưng tòa án thì không thể quản lý các hội thẩm nhân dân và đương nhiên, khi không có gì ràng buộc thì hội thẩm nhân dân hoàn toàn có thể vui thì làm, không vui thì thôi. “Đã có nhiều phiên tòa phải hoãn vì thiếu hội thẩm, trong khi luật không quy định về quyền và trách nhiệm của hội thẩm nhân dân, bởi vậy đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét về vấn đề này trong việc sửa đổi Luật tổ chức tòa án nhân dân” - bà Bình nói.

Cũng chính vấn đề không quy định rõ ràng, không quy định chặt chẽ về quyền và trách nhiệm của hội thẩm nhân dân nên trong những vụ án hành chính rất khó mời hội thẩm nhân dân: “Tại các tòa cấp huyện, đã có giai đoạn không thể mời được hội thẩm nhân dân khi xử án hành chính. Bởi hội thẩm nhân dân là công chức, viên chức đang làm việc tại huyện, việc phải tham gia hội đồng xét xử để xử một quyết định của lãnh đạo huyện họ không dám ngồi. Mà hội thẩm nhân dân không ngồi thì phiên tòa không xử được” - bà Bình nói.

Ông Trương Hòa Bình cho rằng nếu cấp sơ thẩm làm việc chặt chẽ thì sẽ rất khó xảy ra việc oan sai. Đồng thời, theo ông Bình, nguyên tắc xét xử là bỏ phiếu và thiểu số phục tùng đa số, bởi vậy việc kết một bản án dẫn đến oan sai cũng có phần do hội thẩm, bởi hội thẩm có quyền bỏ phiếu liên quan đến bản án, mức án nhưng hội thẩm lại không có trách nhiệm gì khi bản án đó bị oan sai. Ông Bình cũng cho rằng cần phải có cơ chế quản lý hội thẩm cho phù hợp.

Câu hỏi xác đáng

* Ông Nguyễn Sơn (phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao):

Không bằng chứng thì không làm được

Thực tế tôi đã xử nhiều vụ án về bức cung, nhục hình rồi, nhưng đấy là những vụ án có bằng chứng, còn nhiều vụ không có bằng chứng thì không làm được. Và thực tế cũng cho thấy nếu xảy ra việc xâm hại tính mạng thì làm dễ hơn vì có bằng chứng, còn các trường hợp gây thương tích thì không có bằng chứng. Cán bộ điều tra đánh bằng gậy cao su thì dù nghi can, nghi phạm có đau đớn đến bao nhiêu cũng không để lại dấu vết.

Liên quan đến những vụ việc cơ quan điều tra dùng nhục hình dẫn đến chết người hoặc bức cung để oan sai trong tố tụng, ông Nguyễn Công Hồng - phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - cho rằng đối với các vụ án cụ thể thì cần phải có hồ sơ để xem xét. Trong vụ án năm công an dùng nhục hình dẫn đến chết người ở Phú Yên thì Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã nắm lại vụ việc.

Tuy nhiên, vụ án mới xét xử sơ thẩm và còn phúc thẩm nữa nên Ủy ban Tư pháp không được can thiệp trái pháp luật. Bởi Ủy ban Tư pháp không can thiệp trái pháp luật vào công việc nội bộ của những cơ quan khác. Đồng thời, trong vụ án liên quan đến năm công an dùng nhục hình này, Ủy ban Tư pháp cũng chưa nhận được đơn đề nghị nào của đương sự liên quan đến vụ việc.

Việc người dân đặt câu hỏi về việc tòa án có nương nhẹ trong xét xử các cán bộ nguyên là công an hay không là câu hỏi xác đáng, nhưng muốn đưa ra kết luận thì phải xem hồ sơ vụ án để biết có nể nang hay không. Bởi nhìn ngoài hiện tượng xã hội thì nó như vậy nhưng tất cả án phải tại hồ sơ, khi đó mới xem xét được trên cơ sở pháp luật.

Tuy nhiên, Bộ luật tố tụng hình sự tại các chương quy định về hoạt động xâm phạm tư pháp hầu như các mức án này bao giờ cũng thấp hơn các mức án ngoài. Đó là quy định của luật hiện hành như vậy thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng phải làm như thế chứ không thể vượt quá mức luật được.

Chứng minh bức cung, nhục hình:

Nên triệu tập điều tra viên ra tòa

Để chống bức cung nhục hình, thay vì yêu cầu bị cáo phải chứng minh thì cơ quan điều tra cần phải chứng minh mình làm đúng bằng cách điều tra viên sẽ phải ra tòa nếu bị cáo tố cáo bị bức cung... Ông Nguyễn Sơn, phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao, trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề kỳ họp thứ 12 Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

* Dự thảo Luật tổ chức tòa án có quy định quyền điều tra của thẩm phán, theo ông, đây có phải là biện pháp để giám sát và tăng tính độc lập trong xét xử?

- Trong dự thảo Luật tổ chức tòa án sửa đổi có quy định về thẩm quyền của thẩm phán, đây là một việc đang phải bàn và bàn rất kỹ về việc thực hiện quyền tư pháp của tòa án, thực hiện đến đâu, như thế nào, có kiểm soát được hoạt động tư pháp hay không là những vấn đề mà Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội rất quan tâm, giao cho Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tiếp tục nghiên cứu làm rõ.

Ở các nước thì có cảnh sát tư pháp đi điều tra và thu thập chứng cứ, còn ở VN hiện nay thẩm phán chỉ thu thập chứng cứ tại tòa, còn tiếp theo tòa có được thực hiện quyền kiểm sát điều tra hay không thì còn phải xem xét. Bởi trong lĩnh vực tố tụng hành chính thì tòa đang thu thập chứng cứ và xác minh, còn trong tố tụng hình sự thì luật chỉ quy định tòa án chỉ có trách nhiệm chứng minh.

* Về việc chống bức cung, nhục hình, nhiều thẩm phán cho rằng bằng niềm tin nội tâm họ tin rằng có bức cung, nhục hình nhưng họ không có bằng chứng để chứng minh. Nhưng nếu không chứng minh được thì sẽ tiếp tục còn oan sai?

- Đi ngược lại vấn đề thẩm phán phải chứng minh thì cơ quan điều tra phải chứng minh rằng họ không bức cung, nhục hình với rất nhiều biện pháp, nghe nhìn hiện đại cứ ghi âm ghi hình đầy đủ các buổi lấy cung. Còn tòa án, trong thâm tâm thẩm phán thì thấy thế nhưng nhiều vụ nhìn vào hồ sơ cũng không biết được, nghi ngờ thì có nhưng không có chứng cứ. Ví dụ có những vụ án giết người khiến dư luận rất bức xúc và khi tìm được một người đưa ra truy tố thì nhân dân thỏa mãn cả.

Nhưng cay đắng nhất là gia đình bị can bị cáo. Họ đau xót, họ âm thầm chịu đựng đau đớn và đi tìm công lý. Vụ án Nguyễn Thanh Chấn là một ví dụ. Để giải quyết được vấn đề thì việc trao quyền cho tòa án đến đâu trong việc thực hiện quyền tư pháp thì chúng tôi đang nghĩ đến. Nếu thẩm phán xét xử thấy nghi ngờ thì phải trực tiếp điều tra.

* Theo ông, có sự ràng buộc nể nang nào khi tòa án xét xử những bị cáo là cán bộ công an không?

- Thường thì tội xâm phạm tính mạng người khác trong khi thi hành công vụ mà công an vi phạm pháp luật dẫn đến chết người thì tội ấy cũng nhẹ hơn tội giết người. Thực tiễn thì khi xét xử tòa án vận dụng quy định pháp luật nhưng có một số trường hợp đánh giá quá nặng về nhân thân, vì thường nhân thân tốt, quá trình phấn đấu làm việc được tặng nhiều danh hiệu nên mức án được giảm nhẹ. Còn những người xâm phạm khách thể thi hành công vụ, hành chính thì quan điểm đánh giá khác nhau nên tùy từng thời điểm có biện pháp xử lý nghiêm khắc yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.

Bản chất sự việc và đường lối xử lý như thế nào phải trên cơ sở hồ sơ vụ án, xem bản chất mức độ, hồ sơ vụ án thế nào thì mới nói được. Nên đôi khi có nhiều vụ nếu đứng trên quan điểm cá nhân thì sẽ có ý kiến khác nhau vì nó là các quan hệ xã hội rất phức tạp, nhưng bản chất vấn đề như thế nào thì chắc chắn phải có quan điểm rõ ràng.

* Thực tế là nhiều thẩm phán có e ngại trong việc bị cáo nêu tên cán bộ điều tra bức cung, nhục hình, tại sao vậy?

- Luật không quy định triệu tập người bị tố cáo đến tòa để làm rõ, nên tòa ngại.

* Ông có kiến nghị đưa vào Bộ luật tố tụng sửa đổi sắp tới không?

- Chắc chắn sẽ yêu cầu điều tra viên phải ra điều trần trước tòa xem có hay không việc bức cung, nhục hình bị can bị cáo.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp