12/06/2015 08:22 GMT+7

Oằn mình chống "giặc hạn" ở Ninh Thuận

DUY THANH - PHAN DUYÊN - THANH TÙNG
DUY THANH - PHAN DUYÊN - THANH TÙNG

TT -  Ở vùng đất nóng bỏng thuộc hàng nhất nước này, nắng hạn khủng khiếp từ năm ngoái vắt sang năm nay càng khiến nơi này sắp biến thành sa mạc.

 Lần đầu tiên, tỉnh Ninh Thuận phải công bố thiên tai hạn hán.

Lực lượng quân đội dùng thiết bị lọc nước sông thành nước tinh khiết cung cấp cho người dân  Ảnh: D.THANH
Lực lượng quân đội dùng thiết bị lọc nước sông thành nước tinh khiết cung cấp cho người dân - Ảnh: D.Thanh

Nhiều nơi dân tìm một giọt nước uống không ra, đất trên ruộng rẫy nứt toác không thể canh tác... Quân đội đã được huy động với tinh thần ra trận chống “giặc hạn”.

Cừu chết, người khát

Mới gần 9g sáng mà ở xã Phước Trung, huyện Bác Ái - một trong những “địa chỉ” nóng nhất tỉnh Ninh Thuận - nắng đã đổ như lúc giữa trưa. Đường vào xã cây cối khô cằn, đồng ruộng bỏ hoang. Những con suối cạn kiệt trơ đáy đầy đá tảng, đá cuội.

Trên cánh đồng khô nứt nẻ ở xã Phước Trung, một phụ nữ trung niên tên Học (người dân tộc Raglai) ngậm ngùi nhìn đàn bò và đàn cừu của mình mệt mỏi vì không có cỏ để ăn, không có nước để uống từ nhiều ngày qua.

Bà Học nói: “Biết rằng ra đồng cũng chẳng còn cọng cỏ nào sống để lũ bò, lũ cừu ăn, nhưng hi vọng vẫn còn chút cỏ khô chết nào đó... Tôi phải lùa chúng ra đồng dù nắng nóng hầm hập thế này, chứ để trong chuồng thì chúng sẽ chết nhanh vì chẳng có gì để ăn cả”.

Bà Học cho biết nhiều bò, cừu của bà đã chết vì nắng hạn, những con còn lại đang gầy trơ xương, kêu bán cũng không có người mua.

Ngoài đồng là vậy, còn trong những ngôi làng ở huyện Bác Ái, người dân phải đổ ra các gốc cây tránh nóng vì không thể chịu nổi không khí oi bức khủng khiếp trong những ngôi nhà hầu hết được xây dựng khá thấp nơi đây.

“Những người đi làm nương cũng tranh thủ về nhà trước 10g sáng vì lúc đó mặt trời lên cao chiếu thẳng xuống lưng, không thể làm gì được” - chị Pi Năng Chi Thoa chia sẻ.

Để có nước sinh hoạt, người dân ở Bác Ái đã đào giếng nhưng đều thất bại, hầu hết mạch nước ngầm đều đã cạn kiệt. Địa phương đã hỗ trợ cho mỗi hộ 60 lít nước một ngày, nhưng số nước đó chỉ đủ để nấu ăn trong ngày, còn nước dành cho việc tắm giặt thì cả làng phải chắt nước còn sót lại ở các ao hồ, kênh rạch.

Tại huyện Ninh Phước, tình hình khô hạn cũng vô cùng khốc liệt. Dùng tay cạy lớp đất khô trên mặt ruộng nứt toác, ông Kiều Văn Thoảng (thôn Thành Tín, xã Phước Hải) than thở: “Một năm rồi không có mưa, không một giọt nước nào vào ruộng, cả mẫu đất này đành bỏ hoang, trong khi gia đình mình hết lương thực”.

Chị Nguyễn Thị Sửu ở xã Hòa Sơn (huyện Ninh Sơn) cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi cả hai mẫu mía, ba mẫu khoai mì của gia đình chị chết đứng vì thiếu nước tưới. Hết lương thực, chị phải nhận gạo cứu trợ sống qua ngày...

Giúp dân chống “giặc hạn”

Xế chiều 11-6, nắng chói chang, gay gắt. Đất dưới những vườn nho dọc hai bên đường thôn Ninh Quý 3 (xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước) khô khốc, nứt nẻ. Ở phía bờ nam đập Lâm Cấm bên bờ sông Dinh tại thôn này, chiếc xe tải màu xanh sẫm của quân đội nổ máy rì rì.

Những đường ống dài thọc sâu xuống sông Dinh đang cạn, lượng nước khá thấp màu nâu đỏ được bơm lên ba bể chứa bằng cao su và vải bố đặt phía sau chiếc xe. Những ống bơm nước khác dẫn nguồn nước này lên thùng xe, nơi đặt một hệ thống lọc nước với nhiều ống, thùng kim loại bóng loáng.

Trên xe, đại úy Trần Văn Chí - phó đội trưởng đội y học dự phòng Cục hậu cần Quân khu 5, phụ trách xe lọc nước - cùng đồng đội gồm thiếu tá Lưu Lăng, thiếu tá Nguyễn May, thượng úy Trương Công Hoàng chăm chú theo dõi vận hành của hệ thống lọc, trong khi thiếu tá Phan Minh Đông đang kiểm tra máy móc, hoạt động của cabin xe.

Thấy em Nguyễn Thành Kiên đạp xe chở can nhựa loại 20 lít vừa đến, thiếu tá Lưu Lăng nhảy xuống xe, đi lần theo ống nước bằng nhựa trắng dẫn dòng nước trong vắt đã lọc xong từ máy lọc đưa về bể chứa cao su có in dòng chữ “Nước tinh khiết” ở phía trước đầu xe, bơm nước vào can cho Kiên.

“Cả năm nay không thấy giọt mưa, khô hạn quá. Giếng nhà em hầu như trơ đáy. Trước đây, em phải ra sông Dinh lấy nước về để sinh hoạt, giặt giũ; lọc nước sông bằng cách thủ công để nấu nướng. Hơn tháng nay, nhờ các chú bộ đội cho nước sạch nên đỡ ngặt nghèo” - Kiên nói.

Cũng đến lấy nước như Kiên, bà Lê Thị Hương Thủy không giấu được vẻ thán phục: “Cái xe của bộ đội hay quá! Nước sông đỏ quạch vậy mà xử lý thành nước trong vắt, uống ngọt hơn cả nước tinh khiết người ta đóng bình. Hơn một tháng nay, không có xe này thì dân làng này chắc đến dặt dẹo với giặc khát!”.

Quơ tay gạt dòng mồ hôi chảy ròng trên gương mặt sạm đen, phẩy chiếc mũ làm quạt để xua cái nóng hừng hực trong căn trại dã chiến, đại úy Trần Văn Chí giở cuốn sổ tay, thông tin với chúng tôi: “Xe lọc nước cơ động của Quân khu 5 chúng tôi được điều vào Ninh Thuận giúp địa phương chống hạn lịch sử từ ngày 23-4 đến nay. Đến chiều 11-6, xe đã lọc được 1.416m3 nước tinh khiết để cung cấp cho người dân vùng hạn nặng của Ninh Thuận”.

Theo đại úy Chí, đây là chiếc xe lọc nước lưu động, hiện đại đầu tiên của quân khu. “Chất lượng nước xe lọc ra đạt và vượt các chỉ tiêu về nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế” - ông Chí cho hay.

Cũng theo ông Chí, mỗi giờ xe lọc được 8.000 lít nước, gồm 5.000 lít nước sinh hoạt và 3.000 lít nước tinh khiết, nhưng hơn một tháng rưỡi qua xe này chỉ tập trung lọc nước tinh khiết giúp dân Ninh Thuận chống lại khô khát. Hằng ngày, nước do xe lọc ra được các xe bồn khác của quân đội đến lấy để vận chuyển về những vùng khát nặng nề của Ninh Thuận, cung cấp tại chỗ cho dân ở xã Phước Sơn.

“Để giúp dân vùng khô hạn nhất nước này đỡ khát, chúng tôi cắm trại tại chỗ, chia nhau làm việc liên tục 24/24 giờ, không nghỉ cuối tuần hay ngày lễ kể từ ngày vào Ninh Thuận đến nay và sẵn sàng cơ động đến nơi nào bà con đang khát nhất” - đại úy Chí khẳng định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 11-6, thiếu tướng Trần Quang Phương - chính ủy Quân khu 5 - cho hay năm nào lực lượng của quân khu cũng giúp dân chống hạn nhưng chưa khi nào huy động nhiều người, xe máy, thiết bị như lần này vì cuộc đại hạn chưa từng thấy ở Ninh Thuận.

Lập 3 tổ chống hạn cấp bách

Chiều 11-6, ông Lê Văn Bình - phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - cho biết biện pháp cấp bách chống hạn của Ninh Thuận hiện nay là tổ chức cung cấp nước sinh hoạt cho dân; phân bổ gạo cứu đói; hỗ trợ dân đào ao, giếng lấy nước; phối hợp di chuyển đàn gia súc về nơi có nước.

Tỉnh đã thành lập ba tổ công tác chống hạn do ba phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các huyện để thực hiện những giải pháp cấp bách.

Về lâu dài, theo ông Bình, tỉnh sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, tăng cường công nghệ tiết kiệm nước, trồng các loại cây trồng chịu hạn.

Ninh Thuận đã kiến nghị Chính phủ cho triển khai nhanh dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, trong đó có hồ chứa nước Sông Cái với dung tích thiết kế 200 triệu m3, hơn tổng dung tích nước 192,2 triệu m3 của 20 hồ chứa nước toàn tỉnh hiện nay cộng lại.

“Nếu Chính phủ quan tâm triển khai dự án này cùng với phân bổ nguồn ngân sách cho tỉnh thực hiện các hồ chứa nước sông Than, đập dâng sông Dinh và tạo liên thông các hồ chứa nước sẽ giải quyết căn cơ thực trạng thiếu nước ở Ninh Thuận” - ông Bình nói.

Tính đến nay, toàn tỉnh Ninh Thuận có 5.497 hộ với 23.130 nhân khẩu cần được cung cấp nước hằng ngày, 19.997 hộ với 89.403 nhân khẩu cần được cấp gạo, đã có 1.300 gia súc bị chết, 501ha diện tích cây trồng vụ đông xuân 2014 - 2015 bị thiệt hại, 1.578ha cây trồng bị giảm năng suất, 6.100ha phải dừng sản xuất. Hiện vụ hè thu 2015 chỉ bố trí sản xuất 16.179ha, số diện tích phải dừng sản xuất do thiếu nước là 10.299ha. (MINH TRÂN)

DUY THANH - PHAN DUYÊN - THANH TÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp