23/11/2019 18:12 GMT+7

Ở với ai, sống với con gì, chó yêu hết

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Chó là con vật thú vị: nuôi chó với cừu, chó sẽ yêu cừu; nuôi chó với dê, chúng sẽ yêu dê, và cũng tương tự như vậy với con người. Không phải vì chó thông minh mà vì chúng thân thiện, tình cảm.

Ở với ai, sống với con gì, chó yêu hết - Ảnh 1.

Ông Clive Wynne, nhà tâm lý học tại ĐH bang Arizona, chơi cùng con chó Xephos của ông - Ảnh: NYT

Cuốn sách "Dog is Love" mới xuất bản gần đây của tiến sĩ Clive Wynne, nhà tâm lý học chuyên về hành vi của chó tại ĐH bang Arizona (Mỹ), đã mở ra một cuộc tranh luận mở về điều gì khiến chó trở nên đặc biệt.

Theo tiến sĩ Wynne thì đó không phải vì chúng thông minh mà vì chúng thân thiện và tình cảm.

Trên Amazon, có hơn 70.000 đầu sách nói về chó nhưng đa phần đều tập trung vào nghiên cứu khoa học và trí não của chó chứ không bàn về mặt tình cảm của chúng. "Dog is Love" đã cho chúng ta thấy một góc nhìn mới về sự thân thiện và tình cảm của loài vật này.

Không ai tranh cãi về tính thân thiện, dễ gần của loài chó. Tuy nhiên, ông Wynne không đồng ý với quan điểm khoa học là chúng có khả năng độc nhất là hiểu và giao tiếp được với con người. Ông Wynne cho rằng loài chó có năng lực độc nhất là tình yêu dành cho các loài khác.

Theo New York Times, quan điểm trong "Dog is Love" của tiến sĩ Wynne hoàn toàn đối nghịch với quan điểm trong cuốn "The Genius of Dogs", xuất bản năm 2013, của tiến sĩ Brian Hare, nghiên cứu về hành vi loài chó tại ĐH Duke (Mỹ).

"The Genius of Dogs" nói về tầm quan trọng của khả năng tư duy của loài chó, và tiến sĩ Hare coi đó là trọng tâm trong mối quan hệ giữa chúng với con người.

Trong khi đó, tiến sĩ Wynne cho rằng sự gần gũi và tình yêu của loài chó không chỉ gắn kết với con người mà còn với các loài vật khác. Theo Wynne thì nuôi chó với cừu, chúng sẽ yêu cừu. Nuôi chó với dê chúng sẽ yêu dê, và cũng tương tự như vậy với con người.

Ở với ai, sống với con gì, chó yêu hết - Ảnh 2.

Ông Gregory Berns, nhà kinh tế học thần kinh tại ĐH Emory, dùng máy chụp ảnh cộng hưởng từ để nghiên cứu não chó - Ảnh: NYT

Đầu những năm 2000, khi tiến sĩ Wynne bắt đầu nghiên cứu về chó, một trong những thí nghiệm của ông là theo dõi nghiên cứu của tiến sĩ Hare, người đã kết luận rằng chó hiểu những chỉ dẫn của con người tốt hơn chó sói và những động vật khác.

Ông Wynne cho rằng chó sói cũng giỏi trong việc làm theo các chỉ dẫn của con người, tương tự như những con chó được huấn luyện tốt nhất. Phản bác lại, tiến sĩ Hare đặt ra câu hỏi là liệu các thí nghiệm của họ có tương đồng để đem ra so sánh hay không. Cả hai vẫn đang tiếp tục tranh luận về vấn đề này.

Phần tranh luận thứ hai của tiến sĩ Wynne là việc những con chó đã hòa nhập với xã hội loài người như thế nào.

Trong cuốn sách, tác giả Wynne kể lại thí nghiệm tiếp xúc 90 phút mỗi ngày, kéo dài suốt 1 tuần, giữa một người và một con chó nhỏ chưa được 14 tuần tuổi, cho thấy chúng sẽ trở nên hòa đồng và thoải mái với con người hơn khi lớn lên.

Điều thú vị là thí nghiệm này không tìm thấy sự di truyền tuyệt đối nào về mối liên kết giữa chó và con người. Nếu không tiếp xúc với con người khi còn nhỏ, chó có thể trở nên cảnh giác với con người như những loài động vật hoang dã khác.

Chó sói thì không dễ bị xã hội hóa. Chúng đòi hỏi phải có sự tiếp xúc với con người 24h/ngày trong nhiều tuần lễ từ khi còn nhỏ để trở nên thân thiện hơn với con người.

Gregory Berns, nhà kinh tế học thần kinh tại ĐH Emory, đã dùng máy chụp ảnh cộng hưởng từ để xem những gì đang diễn ra trong não của chúng. Một trong số những phát hiện của ông là phần não phát sáng khi nghe giọng chủ nhân của chó nằm cùng một phần với bộ não con người vốn sẽ sáng lên khi chúng ta thích ai hay cái gì đó.

Cuốn sách đầu tay về loài chó của ông Berns là "How Dogs Love Us". Ông cũng phát hiện được rằng chó thích chủ hơn cả thức ăn.

Ông Berns đồng ý rằng sự nhạy cảm và dễ gần của chó là thứ khiến chúng trở nên đặc biệt hơn là khả năng nhận biết đặc biệt của chúng. Tuy nhiên, ông Berns cũng thừa nhận rất khó để nói cái gì là chức năng nhận thức và cái gì là chức năng cảm giác của loài chó.

Tiến sĩ Wynne cũng đánh cược rằng sau khi một số con sói cổ đại gần gũi với con người từ hơn 15.000 năm trước trở thành chó và con người bắt đầu sống trong các khu định cư và làm nông khoảng 8.000 năm trước, thì con người bắt đầu nuôi chó vì sự thân thiện của loài động vật này và tạo ra những khác biệt di truyền giữa loài sói và loài chó. Chính khác biệt này đã khiến chó dễ gần gũi hơn với con người, cũng như các động vật khác.

Tiến sĩ Wynne hi vọng rằng nếu may mắn, các nghiên cứu DNA trong tương lai về chó hiện đại và chó cổ đại sẽ chứng minh luận điểm của ông là đúng.

Dân Campuchia vừa mổ chó vừa van nài: Dân Campuchia vừa mổ chó vừa van nài: 'Xin hãy tha thứ cho tao!'

TTO - Buôn bán thịt chó diễn ra tràn lan ở Campuchia. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho biết buôn bán thịt chó mang nhiều rủi ro ảnh hưởng sức khỏe lẫn tâm lý người dân.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp