Đôi khi chính những khó khăn đã níu chân tôi ở lại nơi này. Tôi thích đương đầu với thách thức. Hà Nội đã thử thách tôi rất nhiều, cho tôi không gian để phát triển bản thân và nhân cách của mình một cách tự do. Tôi như một tờ giấy trắng, được xé ra từ một quyển sách mang tên văn hóa châu Âu. Bây giờ tôi vẫn là một tờ giấy châu Âu nhưng ngôn ngữ sẽ được viết bằng tiếng Việt.
(Etienne Mahler viết trên blog cá nhân bằng tiếng Đức năm 2015 khi "trở về" Việt Nam)
Năm 2021, Mahler (34 tuổi) từng hai lần gây sốt khi trở thành thủ khoa của ngành Việt Nam học Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), đồng thời là sinh viên nước ngoài đầu tiên của khoa giành được 10 điểm tuyệt đối cho khóa luận viết bằng một trong những thứ tiếng "phong ba bão táp" nhất nhì thế giới.
Với Mahler, Việt Nam là một hành trình, là một chương sách cần được viết tiếp và là một nơi anh cảm nhận được ý nghĩa của hai tiếng gia đình.
Thời sinh viên không máy giặt, không máy sưởi, không tủ quần áo
Năm 2014, Mahler chưa biết nhiều lắm về Việt Nam, anh tham gia chương trình trao đổi sinh viên 6 tháng, chủ yếu học tiếng Việt. Sáu tháng ở Việt Nam cảm thấy chưa đủ, năm sau Mahler trở lại Đức để hoàn tất chương trình nhân học ở Đại học Göttingen.
Anh nhận được một học bổng giá trị để học cao học, nhưng Mahler cồn cào thôi thúc nhớ Việt Nam, anh muốn bắt đầu hành trình tìm hiểu về văn hóa, con người chứ không chỉ dừng lại ở việc hiểu qua loa một vài câu tiếng Việt. Mahler đăng ký chương trình cử nhân Việt Nam học.
* Gió mùa đã về rồi đấy Mahler. Anh có thấy mùa đông ở Việt Nam giống với ở quê nhà Hamburg (Đức) hay không?
- Không khác nhau nhiều lắm. Những năm gần đây, nhiệt độ ở vùng phía bắc nước Đức đã ấm lên, ít thấy tuyết hơn trước kia. Trong khi ở Hà Nội có những năm trời lại chuyển rét xuống dưới 10 độ, lạnh run như đang ở châu Âu. Còn khung cảnh đều đượm buồn và nên thơ.
* Không ít người nước ngoài đến Việt Nam cũng nói rằng muốn tìm hiểu về văn hóa, con người ở đất nước chúng tôi nhưng dường như những gì họ quan sát hay trải nghiệm chỉ là bề nổi của một xã hội sâu sắc và giàu truyền thống. Mahler thì sao?
- Bốn năm đại học tôi thật sự sống như một sinh viên Việt Nam. Tôi dư dả tài chính để có một đời sống tốt hơn, nhưng tôi ép mình trong khuôn khổ giới hạn và tự cam kết sẽ không vượt qua. Tôi không mua máy giặt, không lắp máy sưởi, không mua tủ quần áo. Trước đó tôi chưa bao giờ giặt quần áo bằng tay.
Mùa đông năm 2014 rét đậm, không có máy sưởi, một ngày tôi tắm nước nóng đến ba lần cho ấm. Có lẽ tôi chịu ảnh hưởng sau chương trình nhân học tại Đức. Phương pháp nghiên cứu đòi hỏi người thực hiện sinh sống, ăn ở như nơi họ muốn nghiên cứu để thật sự hiểu từ bên trong.
Tôi làm bạn nhiều hơn với người Việt. Có lần tôi gặp một anh chàng Tây hào hứng sẵn lòng giới thiệu cho tôi tất tần tật về Việt Nam. Tôi hỏi: "Anh đã học tiếng Việt chưa?". "Chưa". "Vậy thì làm sao anh có thể cho tôi biết về Việt Nam đây?".
Cái cây mỗi năm đều lớn lên, vậy tại sao mình đứng yên?
Ở Việt Nam, Mahler có cảm giác đại học là nơi để đến học lấy bằng, có việc làm và sau đó... không học nữa. Với Mahler, học đại học ở Việt Nam rèn cho anh nói tiếng Việt rành rẽ, đồng thời cũng thêm vào tri thức của anh nhiều điều về Việt Nam một cách khoa học, bài bản hơn.
Mahler văn vẻ rằng nếu không học, không phát triển thì cũng giống như đã "chết". Cây cối mỗi năm cũng lớn hơn một chút, vì sao ta lại chịu đứng yên?
* Tiếng Việt của anh tốt hơn nhiều so với tưởng tượng của tôi. Để thành thạo một ngôn ngữ được xếp vào loại thách thức hàng đầu thế giới, Mahler đã khổ luyện thế nào?
- Khi tôi bắt đầu học tiếng Việt, sau 6 tháng, tôi có thể mua bánh mì hay thuốc lá trên đường. Cách đây 3 năm, tôi cảm nhận mình đã có thể sử dụng tiếng Việt cho hầu hết mọi hoạt động, trong đó có việc đi ngân hàng, mua bảo hiểm hay làm hợp đồng.
Về mặt ngữ pháp, tiếng Việt không quá phức tạp, ít nhất là so với tiếng Đức. Tôi chỉ thấy tiếng Việt khó ở đại từ nhân xưng các ngôi "anh, chị, em, cô, chú, bác" và dấu thanh.
Chỉ cần lệch một xíu thôi đã ra một từ khác. Vì vậy khi nói tiếng Việt, tôi không thể... lười. Ý tôi là dù cho có đang mệt mỏi, nếu muốn nói tiếng Việt thì vẫn phải mở miệng tròn vành rõ chữ kẻo người khác không hiểu. Nhưng lợi thế của tiếng Việt là nói và viết đều giống nhau.
* Ở khoa Việt Nam học, sinh viên chủ yếu là người châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc. Mahler là của hiếm khi là chàng Tây "chính gốc" đến học. Ngồi giữa một lớp học đậm chất Á Đông như thế, Mahler cảm thấy thế nào?
- Sinh viên châu Á có cách học rất khác. Ở châu Âu khi không hiểu hay muốn phản biện điều gì, chúng tôi hỏi lại ngay trong lớp là điều rất bình thường. Ở Việt Nam, khi giáo viên hỏi có hiểu bài không, phần đông các bạn sẽ nói "có" dù có lúc biết mình chưa nắm rõ.
Số khác chỉ im lặng. Hỏi nhiều đôi khi cũng gặp rắc rối. Có lần, một thầy giáo viết một câu trích dẫn trên bảng, tôi đã hỏi thầy câu đấy có phải của Karl Max không. Thầy đáp lại: "Tôi có quyền không nói cho em biết". Tôi rất bất ngờ và đến nay vẫn không hiểu mình đã sai ở chỗ nào.
* Đến hai lần Mahler gây sốt trên mạng vì một lần viết luận văn tốt nghiệp 10 điểm và một lần tốt nghiệp thủ khoa. Để làm người khác phát sốt vì mình có khó không?
- Luận văn tốt nghiệp của tôi về đề tài "Giáo dục kỹ thuật số tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội: Hiện trạng, kỳ vọng và định hướng phát triển".
Trong khoảng 2 tháng, tôi hoàn thành khóa luận 4 chương, 127 trang, kèm theo 600 trang phụ lục, bao gồm các bài phỏng vấn tôi thực hiện. Tôi nhờ hai người bạn Việt Nam đọc lại dò lỗi chính tả và nhờ một số thầy cô góp ý.
Trong quá trình hoàn thành luận văn, tôi biết mình đang làm tốt vì đây là đề tài tôi tâm đắc. Nhưng tôi cũng bất ngờ khi được đánh giá cao đến thế.
Hết đợt giãn cách xã hội tại Hà Nội, tôi lên trường nhận bằng mới được biết mình là thủ khoa (cười). Tuy nhiên, thành tích này có thể giúp ít nhiều cho tôi khi đăng ký hai chương trình gồm thạc sĩ Việt Nam học và ngành truyền thông.
* Theo anh, phương pháp giáo dục ở Việt Nam và Đức khác nhau như thế nào?
- Tôi thích sự chủ động, thích được các giảng viên ra đề rồi để mình tự tìm tòi, nghiên cứu hơn là tiếp nhận kiến thức một chiều. Với những đề bài như thế, tôi tự tin hơn, như năm 2018 tôi nghiên cứu so sánh tính tự lập giữa thế hệ trẻ ở Việt Nam và Đức.
Công trình giành giải nhất ở cấp trường đại học và giải nhì ở cấp Đại học Quốc gia Hà Nội. Hơn 400 bạn trẻ đã phản hồi nghiên cứu.
Ở Đức, tôi có làm một luận văn về bức tranh toàn cảnh tôn giáo ở Việt Nam. Chủ đề này rất lôi cuốn. Hầu hết người dân Đức theo Kitô giáo, ở Việt Nam tôn giáo rất phong phú. Nhiều người Việt có thể theo Kitô giáo nhưng vẫn giữ truyền thống thờ cúng tổ tiên.
Dù không ít người trên giấy tờ không ghi mình có tôn giáo cụ thể, nhưng gần như họ đều có một hoặc nhiều tín ngưỡng hay niềm tin riêng tồn tại cùng lúc mà không mâu thuẫn. Ở Việt Nam, bạn cũng sẽ không chịu những phân biệt hay phán xét chỉ dựa trên tôn giáo của mình.
Có lần trong một tiết thảo luận, tôi đã so sánh một bài thơ của người Do Thái viết sau Chiến tranh thế giới thứ nhất với một bài thơ của người Việt Nam sau khi thống nhất đất nước. Hai bài thơ này đều nói lên nỗi niềm và những phận đời đằng sau cuộc chiến.
Dù có cách thể hiện khác nhau, nhưng điểm chung lớn nhất vẫn là đề cao giá trị con người, tính nhân văn. Tôi nhận ra ở hai đất nước xa xôi, cách biệt về văn hóa, tư tưởng như Việt Nam và Đức, vẫn có những tác phẩm luôn hướng về con người.
Việt Nam cho tôi một gia đình
Mahler tâm sự anh không có nhiều thời gian nhàn rỗi vì phải chuẩn bị cho hai lớp thạc sĩ, làm biên tập viên tiếng Anh cho hai tờ báo và một tạp chí khoa học ở Việt Nam, đồng thời làm từ xa cho một số công ty ở Mỹ và Đức.
Mahler còn là thành viên của Blue Dragon (Rồng Xanh) Đức tại Việt Nam, tổ chức phi chính phủ hỗ trợ trẻ em đường phố hay những phụ nữ bị bán ra ngoài biên giới. Mahler nói có lẽ do "quá khứ đường phố" của chính mình nên anh dễ đồng cảm với các em.
* Một "quá khứ đường phố" hẳn là câu chuyện đáng tò mò.
- Bố mẹ tôi ly hôn khi tôi chỉ vài tháng tuổi. Tôi ở với bố nhưng từ lúc 13 tuổi, tôi lang thang lêu lổng với bạn bè, uống rượu, hút thuốc và rồi chuyển ra khỏi nhà từ khi 19 tuổi. Tôi bỏ học kiếm sống từ năm 14 tuổi. Toàn bộ chi tiêu đến những khoản lớn như mua xe, đều do tôi tự làm.
Năm 24 tuổi bố mất. May mắn cho tôi khi gặp được một người bạn tốt. Bố mẹ của bạn ấy đều là giảng viên đại học, họ khuyến khích tôi quay trở lại trường. Tôi đi học cấp 3 dù tuổi đã 24, tiếp tục học Đại học Göttingen năm 27 và sang Việt Nam khi đã ngoài 30.
* Nếu nhìn lại thời niên thiếu không mấy trọn vẹn ở Đức và khoảng thời gian ấm áp hiện tại ở Việt Nam, có phải Việt Nam đã cho anh một gia đình?
- Có thể nói như thế. Một gia đình là cảm xúc đến nay tôi chưa thể hiểu hết. Nhưng hiện tại tôi đã có một nơi an toàn, một điểm tựa cho tôi quay về sau những công việc bên ngoài xã hội. Sau 7 năm ở Việt Nam, tôi hiểu hơn ý nghĩa của từ "nhà".
Ngày còn ở Đức, mỗi khi thấy cảnh gia đình sum họp mùa Giáng sinh, tôi thấy lạ lẫm lắm. Còn giờ đây tôi đang chờ đợi một cái Tết ấm áp cùng gia đình bạn trai.
Cái Tết đầu tiên của tôi ở Việt Nam
"Tết chắc chắn là một sự kiện đặc biệt đối với bất kỳ người Việt Nam nào. Đối với tôi, Tết rất giống với Giáng sinh ở châu Âu. Cả hai đều là thời gian để trở về gia đình của một người, đều kéo dài khoảng ba ngày, có cây, có quà và tất nhiên, có rất nhiều thức ăn và rượu.
Tết đầu tiên của tôi ở Việt Nam có lẽ là đáng nhớ nhất. Khi đấy tôi theo một người bạn về làng ở gần thành phố Thái Nguyên, nơi có khoảng 15 ngôi nhà, một vài cửa hàng gia dụng nhỏ và một đồn cảnh sát địa phương.
Đó là ngày cuối cùng của năm, còn rất nhiều việc phải làm. Tương tự như Giáng sinh, người Việt Nam tận dụng cơ hội để dọn dẹp vì bụi bẩn của năm cũ nên "biến mất" trước khi năm mới bắt đầu. Vì vậy chúng tôi mất đến hàng giờ để dọn dẹp toàn bộ ngôi nhà và chỉ kết thúc vào lúc 23h50.
Trong ngày đầu năm, tôi đã đến thăm nhà họ hàng của bạn. Một bữa tiệc lớn được chuẩn bị và có rất nhiều rượu. Bữa ăn kéo dài khoảng một giờ.
Tôi ngạc nhiên là bạn tôi và mẹ anh ấy không ăn nhiều nhưng lẽ ra tôi nên "noi gương" họ vì hôm đó chúng tôi đã đến 11 nhà. Mọi người đều muốn chúng tôi ăn uống. Và tất nhiên vì tôi là chàng trai "da trắng" lần đầu đến nhà, họ muốn biết tôi có thể uống được bao nhiêu.
Ngày thứ hai đơn giản hơn. Thay vì đến thăm nhiều gia đình khác, chúng tôi ở nhà và chào đón những vị khách đến nhà. Về cơ bản chúng tôi và những họ hàng hôm qua đã chuyển đổi vai trò thăm nhau.
Ngày thứ ba có lẽ là ngày thoải mái nhất, tôi ở nhà với gia đình bạn, ăn uống, hát hò và đi chùa vào buổi chiều. Nhiều năm qua đôi lúc tôi ít tham gia các hoạt động Tết và dành thời gian ở lại Hà Nội. Không khí thật đặc biệt khi gần như tất cả mọi người đã rời thành phố".
* "Chất" triết học Đức trong Mahler
Mahler có lẽ là một trong những sinh viên nước ngoài để lại ấn tượng cho tôi lớn nhất. Mahler vô cùng thông minh và sắc sảo, có thể dễ dàng cảm nhận được ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên. Ở Mahler có một "chất" triết học của Đức, cái "nôi" của rất nhiều triết gia nổi tiếng.
Cậu học trò này thích sự độc lập trong học tập, tự mình suy nghĩ, khảo cứu tài liệu, không muốn ngồi học thụ động, không thích lệ thuộc người khác. Trong môn văn học Việt Nam, tôi cho bạn ấy điểm gần như tuyệt đối vì sự tìm tòi và độ sâu mà Mahler tìm hiểu từ các nguồn tài liệu và đem vào từng bài làm của mình.
TS Lê Thị Thanh Tâm (khoa Việt Nam học,
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội)
* Vì sao người Hàn chiếm đa số trong các lớp Việt Nam học?
Trong số các sinh viên quốc tế ngành Việt Nam học, các bạn từ Hàn Quốc chiếm tới 80%. Khi mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng trở nên tốt đẹp, những vị trí việc làm hay cơ hội đầu tư kinh doanh giữa hai bên rất lớn.
Sinh viên Hàn Quốc tốt nghiệp thường có nhiều vị trí việc làm hấp dẫn, không chỉ ở TP.HCM mà còn ở các tỉnh có nhiều doanh nghiệp Hàn như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Thọ... Số khác có điều kiện sẽ tự mở công ty hoặc tiếp nối sự nghiệp của cha mẹ đã gầy dựng ở Việt Nam.
Về văn hóa, hai nước có nhiều tương đồng nên du học sinh dễ hòa nhập, dù vậy cũng sẽ có những điểm đáng lưu ý. Vì vậy nếu được học, họ sẽ biết cách ứng xử tốt hơn, tránh được những mối bất hòa chỉ vì giữ những thói quen khi ở đất nước họ. Các bạn cũng sẽ có lợi thế hơn nhiều so với những lao động đến làm việc tại Việt Nam mà không học tiếng và văn hóa Việt.
TS Trần Thị Mai Nhân (trưởng khoa Việt Nam học,
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận