Dụng cụ đặc biệt chỉ ra vi khuẩn trú ẩn bên trong các vết xước trên mặt thớt - Ảnh: SAINSBURY'S HOME
Theo nghiên cứu đầu năm 2017, mặt thớt có thể là môi trường cho vi khuẩn phát triển với số lượng nhiều gấp 200 lần so với giấy vệ sinh.
Nguy cơ từ thớt bẩn
Theo tờ Huffington Post, nghiên cứu được ủy quyền bởi Hội đồng vệ sinh toàn cầu cho biết 40% vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên thế giới do điều kiện vệ sinh tại nhà không sạch sẽ.
Gần một nửa số vật dụng chúng ta thường tiếp xúc trong nhà bếp được bảo quản trong điều kiện vệ sinh kém, gây nguy cơ nhiễm nhiều loại vi khuẩn như salmonela, E.coli và campylobacter - một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ngộ độc thực phẩm.
Đặc biệt, những chiếc thớt dùng trong một thời gian dài không thay là môi trường thích hợp cho vi khuẩn phát triển.
Đường đi của vi khuẩn từ thớt bẩn - Ảnh: THE SUN
Tuy nhiên nhiều người không biết điều này, bằng chứng là họ cứ "vô tư" xài thớt từ năm này qua năm khác.
Tại Anh, tờ The Sun cho biết có đến 1/5 gia đình không thay thớt mới trong 5 năm, và 1/9 gia đình chưa từng thay thớt bao giờ.
Một cuộc khảo sát do công ty Sainsbury’s Home thực hiện cho thấy khoảng 40% trong 2.000 người được hỏi khắp nước Anh đang phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh liên quan an toàn vệ sinh thực phẩm khi dùng chung một tấm thớt để cắt thịt và cắt rau quả.
Thịt sống, nhất là thịt gà sống, có thể để lại vi khuẩn salmonella và campylobacter trên thớt, sau đó có thể làm nhiễm bẩn thực phẩm khác được sơ chế cũng trên tấm thớt đó. Đây là hiện tượng nhiễm chéo.
Làm sao diệt vi khuẩn?
Vi khuẩn E.coli thường có mặt trên bề mặt thớt - Ảnh: GETTY IMAGES
Bác sĩ chuyên khoa vệ sinh an toàn thực phẩm Lisa Ackerley (Anh) cho rằng nhiều người sai lầm khi nghĩ vi khuẩn sẽ chết đi nhanh chóng. Nhưng nhiều vi khuẩn thường "túc trực" trên mặt thớt.
Cụ thể như vi khuẩn E.Coli có thể sống khoảng vài tuần trên thớt. Đặc biệt, vi khuẩn có thể sống trên những mẩu thức ăn li ti vướng trong các khe hở của thớt.
Bác sĩ Ackerley cũng cho rằng nhiều người nghĩ chỉ rửa thớt bằng nước là đã sạch. Nhưng không, rửa thớt bằng nước không giết được vi khuẩn mà chỉ sạch khi nhìn bằng mắt thường.
Ngoài ra, không phải tất cả nước rửa chén đều chứa các thành phần có thể giết chết vi khuẩn mà đa phần chỉ có tác dụng loại bỏ bớt vi khuẩn.
Nước rửa chén thông thường không thể tiêu diệt hiệu quả vi khuẩn trên thớt - Ảnh: GETTY IMAGES
Theo trang Expert Home Tips, cách hiệu quả nhất để tiêu diệt vi khuẩn sau khi sơ chế thịt cá là ngâm thớt, nhất là thớt gỗ, vào thuốc tẩy. Nếu không có thuốc tẩy, trang Food Network gợi ý làm sạch bằng dung dịch oxy già 3%.
Còn theo trang Huffington Post, nếu dùng thớt sơ chế rau củ quả, các bà nội trợ có thể làm sạch bằng cách nhúng thớt vào nước nóng sau đó dùng nước rửa chén chà trên bề mặt trong vài phút.
Nhiều người cho rằng có thể dùng khăn làm sạch thớt bằng cách quét đi vụn thực phẩm, tuy nhiên bác sĩ Lisa Ackerley nói không phải vậy: nghiên cứu chỉ ra rằng khăn lau trong nhà bếp là thứ dơ bẩn nhất trong nhà!
Ngay cả thớt nhựa cũng chứa nhiều vi khuẩn - Ảnh: GETTY IMAGES
Nếu dùng khăn lau thớt sau khi chuẩn bị thịt sống, rau quả, vi khuẩn có thể làm bẩn khăn. Tiếp theo, khăn lại là nguồn phát tán vi khuẩn trong những lần lau chùi tiếp theo trên thớt và những bề mặt khác trong nhà bếp.
Bác sĩ Lisa Ackerley khuyên khi sơ chế thực phẩm, nên dùng những tấm thớt riêng biệt: thớt dùng cho thực phẩm sống, thớt cho thực phẩm ăn ngay, thớt cho rau củ quả... Điều quan trọng là bạn không được nhầm lẫn các loại thớt này với nhau.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất là nên thay thớt mới thường xuyên. Nếu thớt của bạn trông rất cũ kĩ hoặc trầy xước, đừng ngần ngại thay mới, nhất là với thớt gỗ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận