Ngồi trên xe điện thường cảm giác rất thoải mái. Động cơ êm ái, không có mùi xăng xe. Tuy nhiên, vẫn có một khía cạnh của xe điện có thể gây say xe.
Khả năng tăng tốc vốn được coi là thế mạnh của xe điện. Nhưng việc thay đổi tốc độ chỉ trong thời gian ngắn có thể khiến một số người cảm thấy khó chịu.
Do đó, các kỹ sư của Honda đang cố gắng thiết kế "đường cong gia tốc" cho xe điện, giảm bớt sự thay đổi quá rõ ràng gây ra cảm giác "say" cho người ngồi trong.
Kotaro Yamamoto, cố vấn kỹ thuật của Honda, nói với tạp chí Car: "Về cơ bản, say xe xuất phát từ việc chiếc xe di chuyển theo cách mà cơ thể không mong đợi. Bất kỳ chuyển động nào cũng có tác động lên não. Do đó, sự kích thích hoàn toàn có thể xảy ra".
Vấn đề trên không chỉ gây nôn nao mà còn có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm hơn. Theo Công ty bảo hiểm AXA của Pháp, khả năng tăng tốc mạnh và đột ngột của xe điện có thể khiến người lái xe mất kiểm soát khi xe tăng tốc bất ngờ.
Nguyên nhân gây tai nạn giao thông do vọt mạnh trên xe điện cao hơn 50% so với ô tô sử dụng động cơ truyền thống.
Một thách thức mà Honda phải đối mặt là đưa công nghệ này lên những chiếc xe bình thường như e:Ny1 không phải vấn đề, mà là làm sao ứng dụng cho xe thể thao. Chẳng hạn chiếc S2000 đang được đồn đoán sẽ là mẫu xe thể thao chạy điện mới nhất của hãng.
Do đó, hãng phải tìm ra "đường cong Goldilocks" cho việc tăng tốc xe điện (Goldilocks chỉ những việc có độ khó phù hợp, không quá khó cũng không quá dễ). Ứng dụng vào gia tốc xe điện thì đó là thứ công nghệ giúp xe bứt phá nhanh như vốn có, nhưng độ tăng phải đủ êm để hạn chế sự khó chịu ở mức cao nhất.
Để làm được điều đó, theo Kotaro Yamamoto, xe điện của Honda sẽ theo dõi góc đạp, độ nhấn ga, tốc độ xe và từ đó đưa ra một "thông số" cuối cùng.
"Cách bố trí các thông số này là một nghệ thuật giảm say xe mà vẫn duy trì sự năng động. Hay nói cách khác, công nghệ chống say xe của Honda sẽ không ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của xe".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận