Các mẫu xe điện của Hãng Evergrande tại triển lãm ôtô Thượng Hải ngày 19-4 - Ảnh: BLOOMBERG
Trong báo cáo nghiên cứu công bố ngày 10-5, Tổ chức Bloomberg New Energy Finance (BNEF) và Tổ chức phi chính phủ Transport and Environment dự đoán đến năm 2035 tất cả ô tô bán ra ở châu Âu sẽ là ô tô điện. Với những chính sách hỗ trợ của các chính phủ và sự tiến bộ công nghệ như vũ bão, viễn cảnh trên có thể trở thành hiện thực sớm hơn dự đoán.
Không chỉ là xe gia đình
Trong tương lai, ô tô điện không còn được hiểu theo nghĩa hẹp chỉ bao gồm những chiếc sedan hay SUV chở ít người nữa. Một số nước đã bắt đầu nghiên cứu xe buýt điện, thậm chí xe tải điện cỡ nhỏ và cỡ lớn. Trong vòng 5-10 năm nữa, những chiếc xe tải điện đầu tiên sẽ bắt đầu lăn bánh, chở được nhiều hàng hóa và di chuyển với khoảng cách xa không thua xe sử dụng động cơ xăng hay diesel.
Theo nghiên cứu của BNEF, đến năm 2026 những mẫu sedan và SUV điện sẽ có giá rẻ như xe chạy động cơ đốt trong. Xe tải điện cỡ nhỏ thậm chí còn nhanh hơn, rẻ hơn các xe sử dụng xăng và diesel vào năm 2025. Dự báo của BNEF cho thấy đến năm 2030, tất cả ô tô điện sẽ rẻ hơn ô tô truyền thống mà không cần chính sách trợ giá.
Khảo sát của BNEF tại thị trường châu Âu cho thấy hiện tại giá một chiếc ô tô điện tầm trung khoảng 33.000 euro, đắt gần gấp đôi giá một ô tô cùng cỡ chạy xăng. Đến năm 2026, ô tô điện và xăng sẽ có cùng mức giá khoảng 19.000 euro. Năm 2030, giá trước thuế của ô tô điện sẽ khoảng 16.300 euro, thấp hơn mức 19.900 euro của ô tô chạy xăng.
Một trong những lý do thúc đẩy việc sản xuất ô tô điện là các chính sách bảo vệ môi trường mới. Kỷ nguyên của ô tô điện nhiều khả năng sẽ bắt đầu tại châu Âu, nơi các nhà sản xuất ô tô đang ráo riết chuyển đổi dây chuyền sang các mẫu xe điện và xe "lai" hybrid (tức loại xe chạy được cả bằng xăng và điện) để đáp ứng yêu cầu phát thải 95gr CO2/km nếu không muốn bị phạt nặng.
Ô tô điện sẽ chiếm 50% xe mới được bán tại châu Âu vào năm 2030 và 85% vào năm 2035, nếu các chính sách trên vẫn giữ nguyên. Con số này có thể lên tới 100% vào năm 2035 "nếu các nhà lập pháp siết chặt biện pháp giảm khí thải và tăng cường chính sách kích thích thị trường, như triển khai trên diện rộng các trạm sạc cho ô tô điện", theo nhận định của Transport and Environment.
Công nghệ - chìa khóa đi tắt
Một trong những vấn đề còn khiến người sử dụng đắn đo với ô tô điện là giá thành của viên pin và độ bền của nó. Do hiện tại chi phí sản xuất pin cao (chiếm từ 1/4 đến 2/5 giá thành) nên ô tô điện vẫn bị lép vế so với ô tô truyền thống.
"Nếu mỗi lần sạc chạy được trên 320km và mạng lưới sạc tốt, việc người ta đổ xô đi mua xe điện là điều không cần bàn cãi" - giáo sư David Bailey thuộc Đại học Birmingham (Anh) nói với báo The Guardian.
Theo nghiên cứu của BNEF, giá pin sẽ giảm tới 58% trong giai đoạn 2020 - 2030, rơi vào khoảng 58 USD cho mỗi kWh (đơn vị đo dung lượng pin). Pin ô tô điện hiện nay có dung lượng trung bình từ 35 đến 100kWh với giá 137 USD cho mỗi kWh, theo khảo sát năm 2020 của Bloomberg.
Việc giá pin xuống dưới 100 USD cho mỗi kWh sẽ là bước ngoặt "lịch sử" với ô tô điện, đánh dấu sự kết thúc của xe dùng động cơ đốt trong và xe hybrid.
Nhiều công nghệ đang được nghiên cứu để tăng tuổi thọ của pin và kéo dài thời gian sử dụng sau mỗi lần sạc. Tại Đại học Cornell (Mỹ), một nhóm nghiên cứu đã theo đuổi dự án sạc không dây cho ô tô điện trong suốt 7 năm qua và đang gặt hái được những tín hiệu tích cực.
PGS Khurram Afridi, một trong những người tham gia dự án, đặt mục tiêu tích hợp hệ thống sạc không dây vào đường cao tốc sẽ có một làn đặc biệt có thu phí, giống như làn dành cho những người muốn chạy với tốc độ cao. "Nếu xe bạn đang chạy trên cao tốc và sắp hết pin, bạn có thể rẽ vào làn đặc biệt này và vừa chạy vừa sạc pin. Hệ thống giám sát sẽ ghi nhận phương tiện của bạn và gửi hóa đơn tiền sạc sau đó" - ông Afridi nêu viễn cảnh".
Theo trang Insider, nếu không có gì trở ngại, dự án của ông Afridi sẽ được triển khai trên các tuyến cao tốc lớn của Mỹ trong 5-10 năm tới, từng bước chấm dứt nỗi lo hết pin dọc đường hay không tìm thấy trạm sạc của người dùng ô tô điện.
Thành công của Hãng xe điện Tesla (Mỹ) đang khuyến khích các công ty Trung Quốc lao vào thị trường ô tô điện. Theo Bloomberg, các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc đang đổ hàng chục tỉ USD cho ô tô điện. Evergrande - tập đoàn chuyên phát triển bất động sản của Trung Quốc, cũng nhảy vào mảng ô tô điện và huy động được hơn 87 tỉ USD từ các nhà đầu tư, cho thấy sản xuất ô tô điện đang trở thành ngành "hot" tại Trung Quốc.
Nhiều hãng xe ở Việt Nam tăng tốc đầu tư trạm sạc
Các hãng ô tô thừa nhận việc chuyển sang sử dụng ô tô điện thay cho ô tô chạy xăng/dầu là xu hướng tất yếu và đang ngày càng được định hình rõ hơn tại Việt Nam.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, dù hiện nay số xe điện chưa nhiều nhưng có khả năng bùng nổ trong vài năm tới.
Theo thống kê của cơ quan này, năm 2019 có khoảng 240 xe điện nhập khẩu vào Việt Nam, năm 2020 hơn 400 xe, và năm 2020 gần 600 xe.
Cùng với đó, hiện các hãng xe, nhất là các doanh nghiệp trong nước, cũng đang tăng tốc đầu tư sản xuất xe điện, lắp đặt các trạm sạc... để chuyển mình từ xe động cơ đốt trong sang xe điện.
Chẳng hạn, ngoài việc tung ra các dòng ô tô điện, xe máy điện, Công ty VinFast cũng hợp tác với các công ty bán lẻ xăng dầu và một số thành phố lớn để phát triển hệ thống trạm sạc tại các bãi đỗ xe, cửa hàng tiện ích, hầm chung cư, trường học, ký túc xá, cây xăng... Khách hàng chỉ cần từ 15 đến 30 phút để sạc đầy pin cho xe.
Với hãng xe sang như Porsche (Đức), trước khi nhập ô tô điện Taycan vào Việt Nam, hãng này đã xây dựng 2 trạm sạc nhanh (sạc đầy 80% pin trong 22,5 phút) tại TP.HCM và Hà Nội.
Trước đó, Mitsubishi Việt Nam cũng đầu tư một số trạm sạc tại Đà Nẵng, Hội An, Hà Nội... Mới đây, Trung tâm thương mại Aeon Lê Chân Hải Phòng đã đầu tư trạm sạc cho ô tô điện, có thể đi thêm quãng đường 100km chỉ sau 25 phút sạc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc - Viện cơ khí động học Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng bắt nhịp với xu hướng xe điện đang phát triển trên thế giới.
"Để làm được điều này cần có những chính sách hỗ trợ kích thích "mồi" để doanh nghiệp tham gia sản xuất. Nếu không bắt tay thực hiện ngay bây giờ, không biết khi nào mới có xe điện chạy ở Việt Nam" - ông Phúc nói.
C.TRUNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận