Đáng chú ý nhiều khu vực của Hà Nội như quận Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông và huyện Hoài Đức, Quốc Oai... những ngày gần đây có chất lượng không khí xấu, rất kém.
Sáng 11-11, theo Cổng thông tin quan trắc chất lượng không khí của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các điểm quan trắc tại đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) và đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai) lúc 9h sáng chất lượng không khí đều rất kém - ở ngưỡng cảnh báo tím.
Điểm quan trắc tại đường Nguyễn Văn Linh (TP Hưng Yên, Hưng Yên) và đường Trần Thái Tông (TP Thái Bình, Thái Bình) chất lượng không khí cũng ở ngưỡng rất kém.
Một số nơi khác ở Hà Nội, Thanh Hóa, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam, Thái Nguyên cũng có chất lượng không khí xấu (cảnh báo đỏ).
Khu vực quận Nam Từ Liêm và quận Cầu Giấy, Hà Nội
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, GS.TS Đặng Thị Kim Chi - chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam - cho rằng ô nhiễm không khí có nhiều nguyên nhân, trong đó có các xe cộ sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Theo bà Chi, ô tô, xe máy ở nước ta phát triển rất nhanh và đều sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tạo ra khí thải gây ô nhiễm, phát tán bụi mịn.
Đáng chú ý hiện Hà Nội có khoảng 1,1 triệu ô tô; gần 7 triệu mô tô và xe gắn máy đang lưu hành. Trong đó có nhiều xe cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải, niên hạn để lưu thông trong thành phố.
Bên cạnh đó theo bà Chi, chất lượng, hạ tầng nhiều tuyến đường không được cải tạo, sửa chữa làm cho xe cộ đi lại thay đổi tốc độ tạo nên bụi, khí sinh ra nhiều hơn.
Ngoài ra ý thức người tham gia giao thông dẫn đến tình trạng tắc đường, máy vẫn nổ dẫn đến tỉ lệ khí, bụi phát sinh còn nhiều hơn xe chạy với tốc độ cao.
Nhiều tuyến đường, khu dân cư ở quận Hoàng Mai, Hà Nội bầu trời trắng đục
Những nguyên nhân chính gây ô nhiễm
Theo đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, phát thải ô nhiễm không khí ở Hà Nội đến từ hoạt động giao thông vận tải bao gồm cả bụi đường, khí thải từ số lượng lớn các xe cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Bên cạnh đó hoạt động xây dựng nhà ở, công trình giao thông, công ích chưa nghiêm túc thực hiện các giải pháp kỹ thuật, quản lý như che chắn, rửa xe, vệ sinh... làm phát sinh bụi.
Ngoài ra các khu vực quanh Hà Nội người dân vẫn đốt rơm rạ tại cánh đồng khá phổ biến. Và các yếu tố khác như điều kiện khí hậu, thời tiết cũng là nguyên nhân khách quan tác động không nhỏ đến chất lượng không khí, đặc biệt tại các tỉnh thành ở phía Bắc.
Những trang web chính thống, cập nhật chất lượng không khí theo từng giờ
Ngày 8-11, trả lời phóng viên Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Hoàng Ánh - phó trưởng phòng phụ trách Phòng quản lý chất lượng môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường - cho biết hiện nay vấn đề ô nhiễm không khí, đặc biệt tại Hà Nội, được dư luận và báo chí quan tâm, đây là mặt tích cực giúp người dân nhận thức, có biện pháp phòng ngừa, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý môi trường các cấp có biện pháp hiệu quả.
Tuy nhiên việc sử dụng nguồn gốc dữ liệu, thông tin, cách chuyển tải thông điệp đến người dân cần hết sức chuẩn mực, tránh gây hoang mang dư luận.
Vì vậy theo bà Ánh, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo người dân cần theo dõi thông tin diễn biến chất lượng môi trường không khí trên các trang thông tin chính thống của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ở trung ương, địa phương.
Không theo dõi, phát tán thông tin trên những trang thông tin chưa được cơ quan quản lý nhà nước xác nhận.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tuổi Trẻ, trang web https://cem.gov.vn/ của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường và trang web https://moitruongthudo.vn/ của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là những trang chính thống, cập nhật thông tin chất lượng không khí theo từng giờ trong ngày từ nhiều năm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận