Xe cộ ở New Delhi, Ấn Độ - một trong những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới - Ảnh: Manish Swarup
Theo một nghiên cứu mới đây trên tạp chí y khoa The Lancet, ô nhiễm là nguyên nhân gây ra 9 triệu ca tử vong hằng năm - tương ứng 1/6 số người chết toàn cầu cùng năm.
Đồng thời, con số này gấp 3 lần số ca tử vong do HIV/AIDS, bệnh lao và sốt rét cộng lại.
Trầm trọng hơn do ấm lên toàn cầu
Thành phố Zabol, nơi ô nhiễm nhất thế giới năm 2016 theo WHO - Ảnh: AP
Kết quả nghiên cứu được đưa ra theo sau dự án kéo dài 2 năm do các bác sĩ, viện sĩ và những nhà nghiên cứu từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện.
Theo đó, nhóm đã thu thập dữ liệu từ hơn 130 quốc gia về các nguyên nhân gây bệnh cũng như tử vong qua những thập niên gần đây nhằm xem xét mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường toàn cầu.
Kết quả cho thấy ô nhiễm không khí là loại phổ biến và để lại tác động lớn nhất khi con người phải đối diện với nhiều nguy cơ: ngoài đường là ô nhiễm thủy ngân, arsen, khói bụi, trong gia đình là khí độc từ việc đốt củi, đốt than, đốt rác…
Tình trạng này dẫn đến khoảng 6,5 triệu ca tử vong trong năm 2015 vì các loại bệnh như tim mạch, đột quỵ, ung thư phổi và những vấn đề hô hấp khác.
Tại Trung Quốc, ô nhiễm là bài toán nhức nhối nhiều năm qua - Nguồn: BBC News
Kế đến là ô nhiễm môi trường nước, bao gồm thách thức từ nước bẩn và điều kiện vệ sinh không an toàn, dẫn đến 1,8 triệu ca tử vong hằng năm do các bệnh liên quan đến đường ruột hay những bệnh nhiễm trùng khác.
Ô nhiễm môi trường nơi làm việc cũng để lại những ảnh hưởng lớn, nhất là ở những vùng còn nghèo nàn. Điển hình như bệnh ung thư bàng quang ở thợ nhuộm hay các bệnh liên quan đến đường hô hấp ở những thợ mỏ. Loại ô nhiễm này liên quan đến 800.000 ca tử vong hằng năm.
Đặc biệt, theo báo cáo, hiện tượng ấm lên toàn cầu giống như một "chất xúc tác" thúc đẩy ô nhiễm môi trường diễn ra với tốc độ nhanh hơn và với mức độ nghiêm trọng hơn.
92% ở các nước nghèo và đang phát triển
Thành phố công nghiệp thép Hình Đài, Trung Quốc được xem là nơi ô nhiễm hàng đầu ở đất nước đông dân nhất thế giới - Ảnh: AFP
Cũng theo nghiên cứu, trong năm 2015, Ấn Độ và Trung Quốc dẫn đầu về số ca tử vong do ô nhiễm môi trường với lần lượt 2,5 triệu và 1,8 triệu người. Những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng khác bao gồm Pakistan, Bangladesh và Kenya.
Theo trang Popular Science, những nước có thu nhập cao hoặc trung bình ngày nay đã có những chính sách để bảo vệ bầu không khí trong lành và nguồn nước sạch, đồng thời hạn chế tối đa ô nhiễm.
Qua nhiều nỗ lực, bầu không khí và nguồn nước của những quốc gia này hiện tại đã sạch hơn, đồng thời nồng độ chì trong máu của trẻ em đã giảm hơn 90%, những bãi rác khủng khiếp trước đây đã được xử lý và nhiều thành phố đã trở nên đáng sống hơn.
Do đó, những ca tử vong liên quan đến ô nhiễm phần lớn ở những nước nghèo hoặc đang phát triển với tỷ lệ 92%.
Philip Landrigan, chủ nhiệm khoa Sức khỏe toàn cầu tại Trường dược Mount Sinai, Mỹ, nói rằng những quốc gia đang phát triển chắc chắn phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm và bệnh tật nhiều hơn trên đường vươn đến thịnh vượng.
Đồng thời, sự phát triển như vũ bão của công nghiệp toàn cầu là một trong những nguyên nhân chính góp phần vào ô nhiễm.
Trang Popular Science lấy một ví dụ: trong khi chúng ta đã phát triển khoảng 140.000 hóa chất mới kể từ năm 1950, có chưa đến 2.500 hóa chất đang được sử dụng phổ biến nhất được nghiên cứu kỹ lưỡng về các vấn đề an toàn.
Tiêu tốn 4,6 nghìn tỉ đôla mỗi năm
Không giống nhiều thành phố ô nhiễm trên thế giới, nguyên nhân của chất lượng không khí đáng báo động ở Bamenda, Cameroon là do nạn chặt phá rừng và tình hình biến đổi khí hậu khắc nghiệt - Ảnh: Rbairdpccam
Nghiên cứu nhấn mạnh đến thiệt hại về tài chính do những vấn đề sức khỏe liên quan đến ô nhiễm gây ra. Theo đó, chi phí này có thể lên đến 4,6 nghìn tỉ đôla Mỹ mỗi năm, chiếm khoảng 6,2% nền kinh tế toàn cầu.
Theo các nhà khoa học, kiểm soát ô nhiễm có thể thúc đẩy nền kinh tế bởi việc này giúp giảm số ca tử vong và chi phí lớn cho việc khám chữa bệnh.
Cụ thể, theo tờ The Washington Post, những người thực hiện nghiên cứu ước tính ngân sách có thể tăng thêm đến 1,3% GDP ở những nước thu nhập thấp và 0,5% GDP ở những nước phát triển nếu hạn chế được tối đa ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, Landrigan và nhóm nghiên cứu khẳng định các quốc gia phải nỗ lực hơn nữa để giảm thiểu ô nhiễm nhằm nâng cao sức khỏe của người dân. "Các quốc gia chắc chắn sẽ gặt hái được những lợi ích từ những việc làm này", Landrigan nói.
Chất thải công nghiệp nổi đầy mặt hồ Bellundur ở Bangalore, Ấn Độ - Ảnh: AP
Ngoài ra, Landrigan cũng cho rằng những quốc gia phát triển đóng vai trò quan trọng trong việc giúp những quốc gia nghèo hơn đối phó với tình trạng ô nhiễm. Hơn nữa, các tổ chức phi lợi nhuận nên xem đây là ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động của mình.
Nghiên cứu nhấn mạnh bảo vệ môi trường để phát triển ổn định là trách nhiệm của tất cả quốc gia trên thế giới với thế hệ tương lai.
10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2016:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận