Các cơ quan, xí nghiệp, trường học đóng cửa. Người dân được khuyến khích đi dã ngoại ra khỏi thủ đô, thoát khỏi thành phố trong thung lũng bị những rặng núi cao vây bọc. Khí thải của các nhà máy, khói xăng của hàng triệu chiếc xe hơi cũng bị quẩn lại trong thung lũng, lại bị sương mù dày đặc nén xuống, không cho thoát lên được. Mới đây nhất là đầu tháng 12-2012 và đầu tháng 1-2013, mỗi đợt dân được nghỉ hai ngày. Đợt đầu tháng 12-2012, thật may, sau hai ngày nghỉ thì trời cho một trận mưa, không khí được rửa sạch cho học sinh trở lại trường, dân chúng trở lại làm việc.
Ở đây có vấn đề của sự phản ứng tức thì. Chính quyền thủ đô tính ra được lượng người nhập viện vì bệnh đường hô hấp tăng 15% và ngay trong ngày quyết định luôn cho dân nghỉ. Lệnh đóng cửa công sở được truyền trên hệ thống phát thanh truyền hình, trên báo chí và các trang mạng. Nếu cứ dềnh dàng chờ xem một vài ngày nữa sương mù có tan bớt, trời có cho mưa để xua bớt khí thải thì sẽ không thể có quyết định nhanh chóng và kịp thời như vậy.
Đó còn là vấn đề của số liệu thống kê. Nếu chậm trễ trong tính toán, tính toán được rồi thì chậm trễ báo cáo cũng sẽ không thể quyết định cho dân nghỉ đúng lúc. Cơ quan Kiểm định chất lượng môi trường Iran đã có được số liệu thống kê đúng, và chính quyền Tehran dám công khai số liệu đó. Nếu có số liệu rồi mà giấu bớt đi, sợ con số thật “gây xao động bất lợi” trong dân chúng thì cũng chẳng có được cái quyết định làm lợi kia cho dân. Thậm chí Tehran còn dám công khai cả thiệt hại. Mỗi ngày nghỉ ở năm thành phố lớn của Iran (Tehran, Mashhad, Isfahan, Arak, Karaj) gây thiệt hại cho nền kinh tế 275 triệu USD. Nhưng vì sức khỏe của dân thì vẫn phải cho nghỉ.
Đó là việc nhìn thẳng vào hiện thực. Tehran dám thừa nhận một thực tế là bầu không khí bị ô nhiễm trong những ngày cao điểm. Ở nhiều nước khác, tình trạng ô nhiễm thường xuyên và nặng nề không kém nhưng chính phủ không có một số liệu thống kê kịp thời và chính xác, không công khai tình trạng ô nhiễm. Do đó dân chúng cũng chẳng được khuyến cáo tránh đi dã ngoại ra xa, tránh ra đường trong những ngày ô nhiễm hoặc có các biện pháp phòng tránh khác.
Chính quyền Tehran còn công khai biện pháp cải thiện tình hình. Chính quyền điều tiết lưu lượng xe hơi ở nội thành, khuyến khích dân sử dụng nhiên liệu sạch và thay thế xe cũ bằng các loại xe mới ít thải khí độc hại, nâng chuẩn chất lượng xăng để giảm bớt chất độc trong xăng... Nhà chức trách cũng thực hiện kế hoạch giãn dân khỏi trung tâm (dân số thủ đô xấp xỉ 15 triệu người, trong đó nội thành khoảng 8 triệu), không xây nhà máy mới bên trong thành phố...
Bài học từ thủ đô Tehran vì thế còn đang nóng hổi và đáng tham khảo cho nhiều nơi khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận