15/12/2020 08:45 GMT+7

Ô nhiễm không khí: Báo động!

LÊ PHAN - KIM ÚT
LÊ PHAN - KIM ÚT

TTO - Tại TP.HCM, những ngày vừa qua trời luôn bị bao phủ bởi một lớp không khí mù đục, nhiều người dân mắc các bệnh hô hấp khi hoạt động ngoài trời. Người dân nghi ngờ không khí bị ô nhiễm.

Ô nhiễm không khí: Báo động! - Ảnh 1.

Những ngày này không khí ở TP.HCM luôn mờ đục từ sáng tới chiều - Ảnh: DUYÊN PHAN

Các ứng dụng trên mạng đưa thông tin về ô nhiễm không khí, cảnh báo người dân thuộc nhóm nhạy cảm cần hạn chế ra ngoài.

Dân mờ mịt về ô nhiễm không khí

Gần như suốt tuần trước và kéo dài đến đầu tuần này, tại TP.HCM thường xuyên có hiện tượng sương mù dày đặc vào sáng sớm, kéo dài cả ngày.

Ông N.X.Vinh (ngụ Q.12) nói thời tiết thay đổi thì TP phải có thông báo cho người dân, nhất là tình trạng mù xuất hiện phải xác nhận là do thời tiết lạnh hay do ô nhiễm không khí để người dân có cách phòng tránh phù hợp.

"Tôi thấy tình hình ô nhiễm kéo dài đã đến mức báo động. Nếu mù do ô nhiễm khói bụi thì TP phải có các biện pháp hạn chế tình trạng này hoặc phải thông báo cho người dân biết để có biện pháp bảo vệ sức khỏe" - ông Vinh nói.

Tương tự, anh T.T.Dương (ngụ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3) chia sẻ thời tiết những năm gần đây liên tục thay đổi. Khi TP chuyển lạnh, xuất hiện sương mù làm anh thấy lo lắng vì phải thường xuyên di chuyển bằng xe máy.

"Tôi thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết trên điện thoại thông minh thông qua các trang báo trực tuyến để kịp nắm bắt và thích nghi. Tôi mong TP có những biện pháp, thông tin cụ thể về tình hình thời tiết, chất lượng không khí để từng người dân nắm rõ tình hình, có hướng xử lý thích hợp" - anh Dương nói thêm.

Trên các tuyến đường lớn tại TP.HCM trước đây đều được cơ quan chức năng trang bị các bảng thông báo điện tử tích hợp nhiều thông tin hạ tầng, tuyên truyền và có cả thông tin về môi trường.

Nhưng thời gian gần đây chúng tôi ghi nhận các thông tin về môi trường hầu như không được hiển thị trên các bảng thông báo. Hiện nay người dân tại TP.HCM vẫn luôn trong tình trạng mù mờ về thông tin môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng.

Ô nhiễm không khí: Báo động! - Ảnh 2.

Hoạt động xây dựng, sửa chữa đường là một trong những nguồn phát sinh bụi vào bầu không khí tại TP.HCM (ảnh chụp trên đường Lương Định Của, Q.2 chiều 14-12) - Ảnh: DUYÊN PHAN

6 tháng không quan trắc chất lượng không khí

Cùng thời điểm này vào năm 2019, TP.HCM đã trải qua một đợt ô nhiễm không khí nặng nề. Thông tin từ cơ quan chức năng cho thấy hàng loạt chất gây ô nhiễm như bụi mịn PM10, PM2.5, CO, SO2... tại TP.HCM gia tăng nhiều lần so với quy chuẩn, đe dọa sức khỏe người dân. Lúc đó Sở Tài nguyên và môi trường

(TN-MT) TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin: Đã có chủ trương xây dựng hệ thống quan trắc môi trường, không khí tự động từ năm 2016 nhưng vì nhiều lý do nên chỉ dừng lại ở khâu xây dựng đề án. Vì vậy, những thông số quan trắc về chất lượng không khí phải thuê các đơn vị làm dịch vụ, thực hiện theo hình thức thủ công.

Thế nhưng, thật đáng ngại, một năm sau, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ mới đây, đại diện Sở TN-MT cho biết các đơn vị được TP thuê để quan trắc môi trường, không khí thủ công giờ cũng đã dừng hoạt động vì hết hợp đồng.

Vì hợp đồng quan trắc hết thời hạn nên 6 tháng nay TP không có quan trắc môi trường, chất lượng không khí.

Sở TN-MT đang đấu thầu, chọn các đơn vị khác để tiếp tục thực hiện quan trắc không khí, môi trường. Chính vì vậy giai đoạn này TP không có thông tin về môi trường không khí để đưa lên các bảng thông báo trên các tuyến đường cũng như báo đài. Từ đó người dân TP cũng mù tịt thông tin về tình trạng không khí, môi trường.

Ô nhiễm không khí: Báo động! - Ảnh 3.

Nguồn: Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM - Đồ họa: T.ĐẠT

Nói thêm về các giải pháp cho tương lai, lãnh đạo Sở TN-MT cho biết TP.HCM đã xây dựng "Đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" với mục tiêu hoàn thiện hệ thống quan trắc tự động môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng.

Theo đó, trong năm 2020, TP.HCM dự kiến triển khai đầu tư 9 trạm quan trắc không khí tự động liên tục, cố định và 1 trạm quan trắc không khí tự động, di động.

Thế nhưng, sau thời gian bị vướng giải tỏa mặt bằng, mới đây những trạm quan trắc này mới được đầu tư xây dựng nên chưa hoàn thành, chưa thể quan trắc môi trường cũng như không khí.

Ô nhiễm không khí: Báo động! - Ảnh 4.

Hoạt động xây dựng, sửa chữa đường là một nguồn phát sinh bụi khổng lồ vào bầu không khí tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

34.000 ca tử vong

Đó là số người chết mỗi năm tại Việt Nam có liên quan đến ô nhiễm không khí mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra mới đây. Riêng trên thế giới mỗi năm có hơn 7 triệu ca tử vong sớm vì không khí bị ô nhiễm.

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), kết quả quan trắc trong tháng 11 và đầu tháng 12-2020 tại trạm quan trắc không khí tự động liên tục ở một số đô thị miền Bắc, Trung, Nam cho thấy thông số bụi mịn PM2.5 trung bình trong 24 giờ tại Hà Nội, TP.HCM hầu hết đều tăng cao hơn các đô thị khác.

Ông Lê Hoài Nam - vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Bộ TN-MT) - cho biết từ cuối năm 2019, khi họp bàn giải pháp cấp bách về kiểm soát chất lượng môi trường không khí ở các đô thị lớn, Bộ TN-MT đã nêu ra các nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài.

Giải pháp trước mắt khi xảy ra những đợt ô nhiễm yếu tố từ tác động bất lợi của khí hậu, thời tiết, cần triển khai các biện pháp mang tính "can thiệp" như phun rửa đường, kiểm soát nguồn gây ô nhiễm từ đường phố.

Còn về lâu dài, Bộ TN-MT đã trình lại Chính phủ xem xét, ban hành dự thảo chỉ thị tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.

X.LONG

Ô nhiễm không khí: Báo động! - Ảnh 7.

Hà Nội đang trong những ngày ô nhiễm không khí ở mức báo động. Trong ảnh: khung cảnh Hà Nội mịt mù từ sáng tới tối - Ảnh: NAM TRẦN

BS Trần Anh Tuấn (trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM):

Bụi mịn là "sát thủ" thầm lặng

Ô nhiễm không khí tác động trực tiếp lên cơ quan hô hấp. Đã có nhiều nghiên cứu kết luận không khí ô nhiễm cũng ảnh hưởng đến các cơ quan khác và gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người mắc bệnh mãn tính. Đáng quan ngại nhất đối với phụ nữ mang thai, nếu tiếp xúc nhiều với các chất ô nhiễm thì có thể ảnh hưởng đến thai nhi.

Một trong những thành phần gây ô nhiễm không khí mà BS Tuấn lo ngại nhất là bụi mịn PM2.5 (kích thước bằng 1/30 sợi tóc). Đây là "sát thủ" thầm lặng, nguy hiểm, chúng len lỏi sâu vào các cơ quan cơ thể, gây nên nhiều căn bệnh chết người về hô hấp, ung thư, tim mạch.

Hiện có gần 200 trẻ mắc bệnh hô hấp đang nằm điều trị tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1. Dự báo trong những ngày sắp tới khi thời tiết chuyển sang lạnh hơn sẽ có nhiều trẻ mắc bệnh hô hấp hơn, thường tăng 10-20% số bệnh nhân nhập viện.

Kiến trúc sư Phan Đăng Sơn (chủ tịch Hội KTS Việt Nam):

Do đô thị hóa nhanh

Số liệu thống kê năm 2019, sự gia tăng không ngừng của lượng chất bụi trong không khí cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam đang ở mức báo động. Quá trình đô thị hóa nhanh là một trong những nguyên nhân chính gây ra những điều này và cũng chính là "sát thủ" gây nên những ca tử vong sớm.

T.DƯƠNG - X.MAI

Ô nhiễm không khí, bầu trời TP.HCM mù mờ cả ngày Ô nhiễm không khí, bầu trời TP.HCM mù mờ cả ngày

TTO - Những ngày gần đây, thời tiết tại TP.HCM có những cơn mưa trái mùa do nhiễu động gió khiến không khí ẩm, các hạt trong không khí có chỗ bám lại ngưng tụ khiến trời mờ mịt, nặng nề.

LÊ PHAN - KIM ÚT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp