10/12/2022 14:17 GMT+7

Ở nhà ở xã hội mà đi xe hơi, còn ý kiến sao không làm bãi đỗ xe

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Các vấn đề xây nhà ở xã hội nhưng người thu nhập thấp không mua nổi, nhiều người mua được thì toàn đi xe hơi; chống ngập cho TP Quy Nhơn; chậm mua thiết bị y tế khiến nguy cơ mất vốn… làm nóng kỳ họp HĐND tỉnh Bình Định.

Ở nhà ở xã hội mà đi xe hơi, còn ý kiến sao không làm bãi đỗ xe - Ảnh 1.

Ông Hồ Quốc Dũng - bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định (giữa) - chủ trì phiên chất vấn và trả lời chất vấn - Ảnh: NGỌC NGUYÊN

Sáng 10-12, kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII bước sang phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

‘Giám đốc có hứa năm 2023 Quy Nhơn hết ngập?’

Trả lời câu hỏi của đại biểu về nguyên nhân và giải pháp chống ngập lụt cho đô thị ở TP Quy Nhơn, nhất là phường Ghềnh Ráng và đường Xuân Diệu, ông Trần Viết Bảo - giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định - nói hai khu vực 3, 4 của phường Ghềnh Ráng ngập nặng vừa qua là do hệ thống thoát lũ xây dựng, đấu nối không đồng bộ, một số hệ thống kênh thoát không được TP Quy Nhơn nạo vét thường xuyên và bị người dân lấn chiếm gây cản trở dòng chảy.

Bên cạnh đó, mưa cực đoan lượng lớn trong thời gian ngắn khiến nước không thoát kịp, hệ thống thoát nước và hồ điều hòa trong khu đô thị Hưng Thịnh chưa được xây dựng hoàn chỉnh…

Ông Bảo cũng cho hay đã đề xuất cho UBND tỉnh các giải pháp trước mắt và dài hạn để tiêu thoát lũ cho phường Ghềnh Ráng đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu, mưa rất lớn trong thời gian ngắn.

"Riêng đường Xuân Diệu tuy sát bãi biển Quy Nhơn nhưng vì địa hình thấp nên hệ thống thoát nước không chảy ra biển, mà dẫn qua đường Phan Chu Trinh rồi đổ vào đầm Thị Nại, dẫn đến việc tiêu thoát nước chậm, gây ngập" - ông nói.

Ở nhà ở xã hội mà đi xe hơi, còn ý kiến sao không làm bãi đỗ xe - Ảnh 2.

Phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) ngập nặng sau trận mưa sáng 20-11-2022 - Ảnh: LÂM THIÊN

Ông Hồ Quốc Dũng - bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định - đặt vấn đề: "Cử tri muốn hỏi là giám đốc có hứa sang năm hết ngập hay không? Giải pháp thì Sở Xây dựng và TP Quy Nhơn phối hợp mà xử lý, chứ phường Ghềnh Ráng, đường Xuân Diệu ở ngay biển mà mưa xuống là ngập thì không thể chấp nhận được".

Trả lời, ông Bảo nói nếu tham mưu của Sở Xây dựng được UBND tỉnh Bình Định thống nhất, cho mở rộng mương và cống qua khu vực resort Hoàng Gia thì năm 2023 nếu có những trận mưa lớn như vừa qua sẽ giải quyết được tình trạng ngập ở Ghềnh Ráng. Còn lâu dài cần phải có vốn để đầu tư thêm tuyến thoát nước ra biển, cải tạo hệ thống kênh và cống thoát cũ thì mới đáp ứng được những trận mưa lớn hơn.

Người thu nhập thấp không mua nổi nhà ở xã hội

Về việc nhiều người có thu nhập thấp nhưng không mua được nhà ở xã hội do giá quá cao, bình quân 700-900 triệu đồng/căn hộ, ông Bảo nói đến nay tỉnh này đã và đang triển khai 18 dự án với hơn 10.700 căn nhà ở xã hội, nhưng số người thu nhập thấp mua còn hạn chế. 

Theo ông, lý do là một số chủ đầu tư sử dụng vật liệu xây dựng loại tốt, căn hộ nhà ở xã hội có chất lượng không thua nhà ở thương mại mức trung bình nên đội giá bán.

Ở nhà ở xã hội mà đi xe hơi, còn ý kiến sao không làm bãi đỗ xe - Ảnh 3.

Ông Trần Viết Bảo - giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định - trả lời chất vấn - Ảnh: NGỌC NGUYÊN

Về nội dung này, chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định đề nghị giám đốc Sở Xây dựng xem xét trách nhiệm về quy định giá vật liệu đầu vào thế nào. 

"Chúng ta làm nhà ở xã hội là để người thu nhập thấp, người nghèo có cơ hội mua ở để an cư, nhưng làm nhà ở xã hội bằng vật liệu cao cấp rồi đẩy giá bán lên thì người cần thực sự không mua được. Trong khi không ít người mua nhà ở xã hội mà đi toàn xe hơi, rồi còn gởi ý kiến tới HĐND tỉnh sao không bố trí bãi đỗ xe hơi tại khu nhà ở xã hội" - ông Dũng nói và đề nghị nên bàn giải pháp để người thu nhập thấp được vay ưu đãi mua nhà ở xã hội.

Ông Bảo thừa nhận lâu nay chưa kiểm soát ngay từ đầu giá vật liệu đầu vào nên giá thành cao. Ông nói 8 dự án nhà ở xã hội mà sở đang thẩm định sắp tới sẽ lưu ý đến việc này, để giá căn hộ xã hội ở mức 500-600 triệu đồng thì người thu nhập thấp mới mua được.

Chậm trễ, mất vốn, tiền đâu mua máy xạ trị, CT scanner?

Theo giải trình của ông Lê Quang Hùng - giám đốc Sở Y tế Bình Định, đầu năm 2022, UBND tỉnh Bình Định chuyển nguồn vốn năm 2021 sang và bố trí thêm vốn năm 2022 là 112 tỉ đồng để mua sắm máy xạ trị ung thư và máy CT scanner.

Dự án đầu tư công này được HĐND tỉnh Bình Định thông qua chủ trương vào tháng 7-2022. Sở Y tế giao Bệnh viện Đa khoa Bình Định làm chủ đầu tư, nhưng do thủ tục nhiều và vướng nên qua thẩm định, sở nhận thấy thủ tục không đảm bảo.

"Chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư thực hiện lại nhưng được báo cáo là không thể thực hiện được trong năm 2022" - ông Hùng nói, đồng thời xin nhận kiểm điểm rút kinh nghiệm, nếu được tiếp tục bố trí vốn thì năm 2023 sẽ mua 2 thiết bị trên.

Ông Hồ Quốc Dũng nói 2 thiết bị y tế trên rất cần để điều trị bệnh cho dân, tỉnh đã bố trí vốn để mua mà nhiều tháng ngành y tế không thực hiện được. "Nguồn vốn này chỉ sử dụng trong năm 2022, nếu không sử dụng là mất, giờ nói chuyển sang năm 2023 thì vốn đâu mà mua? Trách nhiệm chúng ta với nhân dân như thế nào?" - ông bức xúc.

Bà con hụt hẫng với miếng Bà con hụt hẫng với miếng 'bánh vẽ' 134.000 căn hộ nhà ở xã hội

Mỗi khi thấy dự án nhà ở xã hội nào khởi công, người lao động lại khấp khởi mừng thầm.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp