10/07/2021 15:43 GMT+7

Ở nhà mùa dịch: Trồng cây, chăm cún, chơi game

BÌNH MINH
BÌNH MINH

TTO - Đó là một số trong rất nhiều những cách được các bạn trẻ áp dụng để 'tận hưởng' khoảng thời gian ở nhà trong đợt giãn cách theo chỉ thị 16 tại TP.HCM. Niềm vui đến từ những điều rất bình dị, giản đơn.

Ở nhà mùa dịch: Trồng cây, chăm cún, chơi game - Ảnh 1.

"Mẹ và con" cùng làm việc - Ảnh do nhân vật cung cấp

Hoàng Nhật Hạ, cô nhân viên văn phòng giờ đang "work from home" do giãn cách, cho biết việc làm từ xa giúp cô phát hiện ra những điều mới mẻ trong cách thức làm việc. Nhìn nhận mọi việc một cách tích cực, lạc quan, tìm kiếm cơ hội để học hỏi thay vì than trách, những ngày ở nhà của Hạ trở nên ý nghĩa và vui vẻ hơn rất nhiều.

"Mình từng đọc một số báo nước ngoài, nói rằng việc làm ở nhà vẫn có hiệu quả, không nhất thiết phải luôn có mặt tại công ty 40 tiếng/tuần. Thời gian ở nhà do dịch bệnh, bỗng dưng mình thấy điều đó là đúng. Mình vẫn làm việc rất tốt khi ở nhà", Hạ nói.

Ngoài thời gian làm việc, cô chơi với "người bạn" tên Bơ, một chú chó giống Corgi từng xuất hiện trên một số video quảng cáo. Mùa dịch, cũng như Hạ, Bơ không nhận thêm hợp đồng quay quảng cáo. "Hai mẹ con", cách mà Nhật Hạ thường gọi vui về mình và Bơ, dành thời gian bên nhau khi ở nhà. Hạ chăm sóc, chải lông và chơi đùa cùng Bơ. Cô cũng nấu ăn, và tranh thủ "cày" The Sims 4, tựa game quen thuộc với nhiều người trẻ.

Ở nhà mùa dịch: Trồng cây, chăm cún, chơi game - Ảnh 2.

Giữ thăng bằng - một trong những trò chơi của Nhật Hạ cùng Bơ trong mùa dịch - Ảnh: Nhật Hạ

Ở nhà mùa dịch: Trồng cây, chăm cún, chơi game - Ảnh 3.

Hạ sắp xếp góc làm việc ở nhà hệt như tại văn phòng để có "tinh thần" làm việc hết công suất - Ảnh do nhân vật cung cấp

Phút giây vui vẻ khi ở nhà mùa dịch của Nhật Hạ và Bơ

Trong khi đó, với anh Đoàn Thiên Phúc, sở thích trồng cây được anh "nâng cao" khi tự tay viết ra chương trình giúp chăm sóc toàn bộ vườn cây của mình. Thiết bị theo dõi và cảm biến để nhận biết độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ, chất dinh dưỡng được anh tích hợp vào hệ thống Home Assistant. Dữ liệu về cây trồng được anh lấy từ hệ thống dữ liệu quốc tế. Chỉ cần tìm tên khoa học của cây mình trồng, hệ thống sẽ tự tra ra các chỉ số phù hợp để cây phát triển.

Anh Phúc cũng viết phần mềm điều khiển và thiết bị cung cấp nước, ánh sáng. Hệ thống tưới sẽ tưới nhỏ giọt theo lịch được anh tích hợp vào Google Calendar, hoặc khi độ ẩm hạ xuống dưới ngưỡng chịu hạn của cây, hệ thống bơm sẽ được kích hoạt.

"Nhà mình trồng cây ngoài bancông, không đủ sáng nên mình làm luôn hệ thống tính thời lượng ánh sáng để bật thêm đèn LED trồng cây, giúp cây đủ ánh sáng để phát triển, rồi tính toán xem cây nào đặt ở đâu thì hợp lý", anh chia sẻ.

Ở nhà mùa dịch: Trồng cây, chăm cún, chơi game - Ảnh 5.

Vườn cây của anh Đoàn Thiên Phúc được chăm sóc bằng tự động hóa - Ảnh do nhân vật cung cấp

Ở nhà mùa dịch: Trồng cây, chăm cún, chơi game - Ảnh 6.

Cây được chăm sóc tốt, xanh tươi - Ảnh do nhân vật cung cấp

Toàn bộ chương trình được anh Phúc bắt tay thực hiện từ trước Tết năm 2021. Tuy vẫn còn phải trừ sâu bệnh, côn trùng và bón phân bằng phương pháp thủ công nhưng nhìn chung, hệ thống tự động giúp anh Phúc chăm sóc và quản lý vườn cây thuận tiện hơn rất nhiều. Các loại cây được anh Phúc trồng chủ yếu là gia vị, rau thơm và các loại cây để pha trà như đậu biếc, trà xanh hay lá vối.

"Hiện nay mình chỉ mới làm chơi, cho mỗi mình dùng. Dịch mà, có nhiều thời gian ở nhà thì tranh thủ làm. Giờ, tầm nửa tháng mình mới phải chăm bằng tay một lần, còn lại để hệ thống tự xử lý", anh cười.

Trong khi đó, nhiều bạn trẻ và bà nội trợ lại mày mò cách bảo quản rau khi không ra chợ thường xuyên được.

"Vừa rồi, nhà mình ở Tây Ninh vừa chuyển rau lên. Các rau có lá, mình lặt hết lá hư, rồi cuộn trong giấy báo, bỏ vào tủ lạnh. Sau vài ngày, mình lấy ra thay giấy báo và nhặt bỏ bớt lá héo, hư", Đặng Trâm chia sẻ.

Cô cũng tìm tòi trên mạng các phương pháp bảo quản rau, cả nguồn trong nước lẫn quốc tế, rồi "thử nghiệm" nhằm tìm ra cách tốt nhất.

"Rau nên ưu tiên ăn trước, vì dễ hỏng. Củ để lâu hơn, nên cũng đỡ. Khó nhất vẫn là hành, ngò, dư nước thì úng, mà thiếu nước thì khô, ăn không còn ngon nữa. Mùa dịch này, ăn rau cũng phải có chiến lược, sắp xếp thứ tự ăn trước hay sau", cô cười. 

Mời bạn chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online cách nâng chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình, bạn bè khi ở nhà mùa dịch, từ việc học tập, thể thao, giải trí... Bài viết không quá 800 chữ, có thể kèm ảnh và video. Email gửi về [email protected]. Bạn đọc vui lòng cung cấp thông tin tài khoản và mã số thuế để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi bài đăng. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tấm lòng thơm thảo của cô chủ trẻ 25 tuổi Tấm lòng thơm thảo của cô chủ trẻ 25 tuổi

TTO - Hơn một tháng nay, quán cơm Bảo Như tại địa chỉ 197 Bình Phú, phường 11, quận 6 đã trở thành địa chỉ quen thuộc với những người lao động nghèo trong mùa dịch với những phần ăn miễn phí nóng hổi, tươi ngon dành tặng mọi người.

BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp