Những bông hoa được chị Xâm làm từ vải thừa, vải vụn vừa "trình làng" đã thu hút nhiều chị em đặt hàng - Ảnh: BÙI XÂM
Dịch COVID-19 bùng phát, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, chị Bùi Thị Xâm (34 tuổi, ở Hà Nội) "lang thang" trên mạng để tìm việc làm, tìm ý tưởng kinh doanh mùa dịch với hàng loạt gợi ý như mở cửa hàng bán hoa, bán đồ thú cưng, đồ lưu niệm, đồ handmade.
"Tôi dừng lại ở gợi ý đồ handmade. Nhớ lại ngày trước nhà khó khăn, đợi đến ngày chợ phiên là mon men cùng bà cùng mẹ ra hàng vải mua vải vụn về khâu khâu vá vá, ngày đó đã nuôi ước mơ sắm một chiếc máy may. Vậy là hôm sau tìm cách mua máy may về cho thỏa đam mê", chị Xâm nhớ lại.
Chiếc túi handmade hợp thời trang - Ảnh: BÙI XÂM
Bắt đầu với chiếc gối bí, chị Xâm lục tìm lại những mảnh vải thừa trong nhà và ghép, chắp vá chúng lại với nhau. Đến những con thú bông bằng vải, chiếc túi tote đơn giản, dây buộc tóc, kẹp tóc và mới đây chị "trình làng" sản phẩm khẩu trang, hoa vải tái chế đẹp mắt.
Vừa dạy học online, vừa chăm 2 con nhỏ, cũng may có mẹ chồng đỡ đần, quán xuyến việc nhà nên chị Xâm có thời gian "xây lại" đam mê handmade từ thuở nhỏ. Từ ngày có máy may, chị mê mẩn với đống vải thừa, vải vụn trước mặt, hôm nào cũng làm đến tận khuya.
"Các mẹ các chị phản hồi rất tốt, mua một lần còn quay lại mua thêm cho bạn bè và người thân. Hôm làm sản phẩm hoa, có chị phụ huynh thích quá đặt hàng 100 bông, thế là "bay" luôn đống vải thừa. Đến miếng vải vụn li ti mình vẫn tận dụng để làm nên những họa tiết cho sản phẩm", chị Xâm bày tỏ.
Mùa dịch, tranh thủ "sống chậm" với học thêu thùa, may vá
Đang là giáo viên ở Hà Nội, chị chia sẻ ở trường có một nhóm chị em đến cuối năm là tổ chức cho các con đi làm từ thiện, đến với các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn hơn. Lần ấy, chị tự tay may những chiếc balô rút để tặng cho các em nhỏ.
Có thói quen tái chế nên những ngày ở trường, chị Xâm thường dạy cho các em học sinh làm đồ tái chế. Các cô giáo, phụ huynh ở trường gọi chị là "đồng nát" bởi thấy ai bỏ gì cũng xin, tủ đồ của chị luôn ngập những thứ chai lọ, ống hút, túi giấy.
Đợt dịch lần này đúng vào đợt nghỉ hè, không đi dạy được nên thu nhập giảm sút. Không dừng lại ở đam mê nữa, chị Xâm quyết tâm biến nó thành các mặt hàng phù hợp với người tiêu dùng để giải quyết bài toán "cơm áo gạo tiền". Chị lựa chọn làm sản phẩm khẩu trang handmade từ sợi tự nhiên thoáng mát, vừa có thể giặt được giúp người tiêu dùng có thể tái sử dụng.
"Mỗi lần hoàn thành một sản phẩm, mình mất cả ngày để đem sản phẩm đi chụp hình, đăng tải trên nhóm. Chẳng cần biết là bán được hay không mà vui quá vì nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Sau một năm thích ứng với công việc online, có những người bạn ở Mỹ, Canada cũng đặt hàng sản phẩm của mình, thấy vui và tự hào lắm", chị bộc bạch.
Dây buộc tóc, kẹp tóc handmade dễ thương thường được chị Xâm làm để tặng cho bạn bè, khách hàng khi mua khẩu trang mùa dịch
Đợt dịch thứ tư bùng phát, chị Xâm cho ra đời sản phẩm khẩu trang thoáng mát, sợi tự nhiên thu hút cả khách Tây đặt hàng
Sản phẩm khẩu trang sáng tạo mùa dịch
Là giáo viên ở Hà Nội phải chuyển đổi hình thức làm việc online, chăm sóc hai con nhỏ, mùa dịch chị Xâm quyết tâm mày mò kinh doanh với sản phẩm handmade
Bức ảnh cô gái với bó hoa vải tạo "bão like" trên mạng xã hội
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận