Tùng Dương - Ảnh: T.N |
Nói là cân bằng bởi trong tất cả các liveshow của mình, Dương chỉ hát những gì mình thích hay những gì mình đang thử nghiệm. Và trong những thử nghiệm của anh, kiểu nào cũng khó nhằn cho chính anh, những người cộng sự của anh và dĩ nhiên là cho cả khán giả.
Nhà báo Ngô Bá Lục chia sẻ anh rất yêu tiếng hát Tùng Dương nhưng có không ít lần khi đến với sô của Tùng Dương cũng chỉ "cố" được ba, bốn bài là đành phải ra về. Với Tùng Dương, gần như không có sự thoả hiệp trong những sô riêng của mình. Vậy nên, hầu hết liveshow của anh đều do chính anh bỏ tiền đầu tư thực hiện bởi không có nhà sản xuất nào dám thấy nhiều khả năng thua lỗ mà vẫn nhảy vào.
Tùng Dương - Ảnh: T.N |
Giao thoa đã mở màn bằng Ôi quê tôi (Lê Minh Sơn), một trong những sáng tác giúp Tùng Dương toả sáng ngay những ngày đầu đi hát. Rồi tiếp nối đó là những bài tình thuộc hàng bất hủ của Việt Nam: Ngậm ngùi (Phạm Duy, thơ: Huy Cận), Đếm lá ngoài sân, Một mình (Thanh Tùng), Im lặng (Dương Thụ)...
Tùng Dương chia sẻ vào thời điểm này năm ngoái, anh có liveshow Thập kỷ hoan ca và vợ anh đã sinh bé Voi. Ngày 9-12 cũng là ngày bé Voi tròn một tuổi, vậy nên Tùng Dương đã hát tặng con trai mình bản Ru con mùa đông.
Nghe Tùng Dương hát Ru con mùa đông:
Ông bố trẻ cười xoà nói từ khi có con, trên sân khấu thì bay bổng cùng âm nhạc còn lúc về nhà thì cũng chỉ là "ba bỉm sữa" suốt ngày loay hoay, lụi hụi pha sữa, thay tả cho con. Nhưng nhờ vậy mà Tùng Dương được cân bằng, biết lắng nghe và quan tâm đến cảm xúc, cảm giác của những người xung quanh nhiều hơn. Âm nhạc của anh dù vẫn không trộn lẫn nhưng chắc chắn sẽ gần gũi hơn.
Vậy nên ngay cả khi anh thể hiện lại những ca khúc mà anh đã hát biết bao lần như: Bài ca trên núi (Nguyễn Văn Thương), Thềnh thềnh oong ơi (Nguyễn Cường), Mưa bay tháp cổ, Quê nhà (Trần Tiến, hát cùng Hà Trần)... vẫn mang đến cho người nghe nhiều tình cảm đặc biệt. Và để làm được điều này, không thể không nhắc đến những bản phối độc đáo của chương trình bên cạnh giọng hát đến hồi chín muồi của Tùng Dương.
Tùng Dương phiêu cùng Hà Trần - Ảnh: T.N |
Trên sân khấu In the spotligh lần đầu tiên có cả dàn kèn 9 người, cộng với dàn dây, dàn nhạc nhẹ, nhóm bè... đã mang đến những tiết mục rực rỡ nhất. Sẽ là rất hoang phí khi với dàn kèn chưa một sô nào có được đó mà không có blue, jazz. Cùng với Hà Trần, Tùng Dương hát Thu cạn, Cỏ và mưa hay solo bản jazz Chạm, Misty, Lullaby of birdland. Đây là phần ban nhạc chơi tuyệt đỉnh, giúp một giọng pop như Tùng Dương tương thích được với blue, jazz nhiều hơn.
Dẫu vậy, đã là sô của Tùng Dương thì không thể thiếu nhưng dấu ấn hay thử nghiệm của anh. Ba tiết mục kết: Mắt đen, Mang thai, Con cò là cái kết đẹp, tròn đầy của chương trình - nơi mà khán giả cùng ca sĩ đã trải qua đủ các miền âm nhạc: pop, bán cổ điển, dân gian đương đại, jazz, blues... Và ở miền âm nhạc nào, Tùng Dương cũng để lại dấu ấn đậm nét.
Ở Hà Nội, và có lẽ ở cả Việt Nam, chắc chỉ có công ty Mỹ Thanh (đơn vị tổ chức thành công chuỗi chương trình dưới thương hiệu In the spotligh) là dám chơi với sự khó nhằn, đầy rủi ro cùng Tùng Dương. Và Tùng Dương, vì sự cảm kích với những người đầy thấu hiểu và chia sẻ của ekip Mỹ Thanh cũng đã chủ động "thoả hiệp" rất nhiều trong In the spotlight Tùng Dương - Giao thoa. Ở đó, khán giả không phải nếm trải quá nhiều thời khắc Tùng Dương "lên đồng" như phần lớn các sô mà Dương đã thực hiện. Ở đó, khán giả rất đơn giản là tham gia vào chuyến hành trình âm nhạc mang tên Giao thoa qua khắp những miền âm nhạc mà Dương đã một lần ghé qua và thăng hoa. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận