16/08/2020 08:59 GMT+7

Ở lại tâm dịch, 'đốt lửa' yêu thương

ĐOÀN CƯỜNG thực hiện
ĐOÀN CƯỜNG thực hiện

TTO - Chuyên gia ẩm thực Nguyễn Trúc Chi (50 tuổi) không trở về TP.HCM theo dòng người đang rời khỏi tâm dịch mà chọn ở lại Đà Nẵng và dùng số tiền học phí đứng lớp dạy online cho những người kinh doanh ẩm thực (F&B) để nhóm lửa bếp thiện nguyện.

Ở lại tâm dịch, đốt lửa yêu thương - Ảnh 1.

Phút nghỉ ngơi của cô Chi (bìa phải) cùng các cộng sự ở Đà Nẵng Kitchen - Ảnh: Đ.C.

Lửa tiếp lửa, gần 100 nhà hàng ở Đà Nẵng, các nhà hảo tâm... đã cùng gom yêu thương, nổi lửa ba bếp, trao đi hàng chục ngàn suất cơm tiếp sức chống dịch.

Gom lửa

* Khi nghe Đà Nẵng xuất hiện COVID-19 trở lại, tâm trạng cô lúc đó thế nào?

- Các học viên trên lớp hoang mang nói: "Cô ra sân bay về luôn nha!". Nhưng mình hiểu về tiến trình của bệnh, động viên mọi người bình tĩnh, thực hiện theo khuyến cáo của ngành y tế. Mình cũng suy nghĩ dữ lắm vì đã tiếp xúc 40 người trong 4 ngày. Bản thân cũng không biết có bị nhiễm bệnh không, lỡ có khi ra sân bay sẽ lây cho người khác. Nếu không, cũng có khả năng mình bị nhiễm ở sân bay khi mọi người ào ào tìm cách rời Đà Nẵng.

* Và cô chọn ở lại?

- Các học viên vẫn nói trong nhóm: "Ước gì giờ vẫn đang ngồi trên lớp nghe cô dạy", nên mình quyết định dùng thời gian cách ly ở Đà Nẵng giá trị hơn bằng khóa dạy online. Đây cũng là lần đầu tiên mình chấp nhận dạy online, bởi mình quen với việc có tương tác trên lớp. Học phí khóa sẽ làm thiện nguyện. Nhưng chọn chương trình nào phù hợp?... Mình thấy việc nấu bữa ăn ý nghĩa hơn với người làm ngành F&B vì việc mua nhu yếu phẩm gửi đến tuyến đầu, các nhà hảo tâm dễ tổ chức hơn. Quan sát nhiều nhóm ở Đà Nẵng đang phục vụ bữa ăn, trong nhóm "Cộng đồng kinh doanh F&B tử tế" cũng vận động anh em làm. Tấm lòng các bạn tuy lớn nhưng cách làm có rủi ro, cần làm chặt chẽ, nghiêm túc hơn, có tổ chức hơn để tạo giá trị nhiều hơn.

* Nghiêm túc như thế nào, thưa cô?

- Phải tổ chức nấu nướng an toàn, bếp phải tiêu chuẩn. Phần ăn đi ra phải được tiệt trùng kỹ, giao nhận không được trực tiếp - đó là suy nghĩ ban đầu của mình. Cứ vậy mà Đà Nẵng Kitchen (Bếp Đà Nẵng) ra đời, bắt đầu bằng việc chọn một bếp tốt nhất - Bếp ẩm thực Xèo 19A Võ Văn Kiệt của Công ty Amomi để xin phép mở bếp thiện nguyện phục vụ trong mùa dịch khi mọi nhà hàng phải đóng cửa. Bạn chủ nghe đề nghị của mình vui vẻ nhận lời ngay. Ngày 31-7 thì được cấp phép.

* Ý tưởng nào khiến cô lấy tên là Đà Nẵng Kitchen?

- Đà Nẵng Kitchen là gom lửa từ bếp của các nhà hàng lại thổi ngọn lửa chung. Do lúc này các nhà hàng đều có thông báo ngừng hoạt động.

* Ngọn lửa chung đó hiện như thế nào, thưa cô?

- Từ khi hoạt động đến nay, ba bếp của Đà Nẵng Kitchen đã nấu hàng chục ngàn suất cơm, trái cây phục vụ miễn phí cho tuyến đầu là các y bác sĩ, người bị cách ly, bệnh nhân tại các bệnh viện, các tình nguyện viên... Không chỉ vậy, sau khi TP.HCM có ca dương tính, tụi mình quyết định đưa hình ảnh trực quan quy trình chuỗi cung ứng tổng quát chia sẻ lên mạng xã hội để mọi người có thể tham khảo, với mong muốn ở bất kỳ địa phương nào có bếp từ thiện có thể áp dụng mô hình này để làm nhanh nhất, an toàn.

* An toàn cho bếp cũng chính là giữ lửa tiếp sức Đà Nẵng nữa chứ ạ?

- Nếu không may có một ca F1 ở bếp, tất cả bị cách ly hết, bếp cũng tắt. Vì thế, sau khi làm Đà Nẵng Kitchen ở 19A, tụi mình tiếp tục đi tìm bếp thứ 2, rồi là bếp thứ 3, thứ 4. Lỡ bếp nào có sự cố, các bếp còn lại vẫn vận hành trơn tru, giữ lửa.

Ở lại tâm dịch, đốt lửa yêu thương - Ảnh 2.

Mỗi ngày Đà Nẵng Kitchen đang tiếp sức tuyến đầu những suất cơm “tử tế” để cùng chung tay đẩy lùi COVID-19 - Ảnh: Đ.C.

Khi yêu thương đủ lớn, mình có thể quên đi bản thân

* Lần dịch trước, cô từ Đà Nẵng về TP.HCM tự cách ly rồi lại quay ra đây, vì sao vậy?

- Đáng lẽ mình bắt đầu công việc tại TP.HCM rồi nhưng các bạn ở Đà Nẵng trao đổi rất nhiều. Những người kinh doanh ẩm thực gặp rất nhiều khó khăn do trước giờ các nhà hàng chủ yếu tập trung vào khách du lịch, nhất là khách quốc tế. Khi dịch xảy ra, mô hình kinh doanh của các bạn bị gãy, không có khách. Các bạn lo lắng: "Giờ tụi em phải làm thế nào?".

* Cô có "lời giải" nào cho thực tế đó?

- Mình nhận ra chỉ cộng đồng cùng làm việc với nhau mới có hi vọng hạ các chi phí xuống. Những người cùng kinh doanh đừng coi nhau là đối thủ. Ví dụ cơ bản như chi phí mua nguyên liệu, mỗi người tự đi mua riêng lẻ, nhà cung cấp phải đi bán với từng đơn vị, thậm chí có chiết khấu cho quản lý. Và họ phải bán giá cao. Nhưng nếu cộng đồng cam kết mua của nhà cung cấp với số lượng lớn, chắc chắn giá rẻ, chi phí nguyên liệu thấp hơn.

Hồi trước mình đi dạy, các học trò cứ nối tiếp nhau, người ra trước giúp người ra sau. Ở TP.HCM cũng có cộng đồng những người kinh doanh ẩm thực thỉnh thoảng gặp nhau để chia sẻ kinh nghiệm. Đà Nẵng chưa làm được điều này, các chủ quán, nhà hàng chưa ngồi lại với nhau để cùng suy nghĩ giải pháp của ngành lúc này.

Mình quay lại Đà Nẵng tổ chức buổi nói chuyện giải pháp cho ngành F&B thời COVID-19. Sau đó, nhiều doanh nghiệp đăng ký thành một nhóm. Nhóm cần phải có một tôn chỉ hoạt động nên tụi mình tạm lấy "Cộng đồng kinh doanh F&B tử tế".

* Cô và cộng sự chọn sự "tử tế"?

- Muốn làm tử tế phải có tiêu chuẩn, nhiều thứ khác. Giả sử như thu nhập của nhân viên thấp quá người làm nghề cảm thấy như bị bóc lột. Khi làm việc bạn ấy không trung thực, thậm chí gian lận với khách, với chủ. Chủ, nhân viên mà nghĩ cách để được cho mình thì tính rút bớt định lượng của khách, hay mua hàng giá rẻ. Tử tế sẽ mất đi dần... Đó là một minh họa và nhóm chọn phương châm là tử tế.

* Trực tiếp thấy Đà Nẵng chống dịch và tham gia tiếp sức, cô thấy sao?

- Mình tham gia thiện nguyện nhiều nhưng đều giấu tên. Mình cũng ngạc nhiên về bản thân khi lần này lại đứng ra tổ chức một chương trình từ thiện và nhờ sự lan tỏa của mọi người mà trở nên lớn dần như vậy. Có lẽ, khi yêu thương đủ lớn, mình có thể quên đi bản thân, quên đi những giới hạn của chính mình để cứ làm mà không cần nghĩ ngợi. Mình đang ở trong cộng đồng F&B đẹp quá, đều là những người có tâm thiện nguyện. Những ngày này ở Đà Nẵng thật ấm áp.

* Đà Nẵng cũng đẹp ngay cả trong dịch nữa chứ, phải không cô?

- Mình thích Đà Nẵng hồi nào tới giờ, đã gắn bó với nhau 3 năm. Nhưng nay càng dễ xúc động. Đi ngang khách sạn đáng lẽ không có khách thì tắt điện cho tiết kiệm. Nhưng không, họ để đèn và biểu tượng tôi yêu Đà Nẵng. Mình dừng lại chụp tấm hình kỷ niệm, thực sự rung động.

Mọi thứ ổn, mình sẽ về

14-8 nguoi phu nu o lai tam dich da nang 1 1(read-only)

Cô Nguyễn Trúc Chi - Ảnh: NVCC

- Những ngày qua, hàng trăm du khách mắc kẹt ở Đà Nẵng đã lên máy bay về TP.HCM, Hà Nội, em gái mình nhắn tin mỗi ngày hỏi sao không về. Thực sự công việc của mình ở Đà Nẵng Kitchen vẫn còn dở dang, khi nào mọi thứ ổn, lúc đó mình sẽ về.

* Còn lý do nào khác không, thưa cô?

- (Cười) Cộng đồng F&B mà tụi mình cùng hợp tác để làm thiện nguyện đang rất đẹp. Mình muốn thông qua câu chuyện làm cùng với nhau để các bạn hiểu được sức mạnh của hợp lực. Để sau này các bạn "bắt tay" kinh doanh. Đây là mong muốn đầu tiên của mình trước khi có câu chuyện thiện nguyện này. Cũng là bài học cần trong cộng đồng này.

Học từ cô

Chị Lê Thị Bích Hương - giám đốc truyền thông của một doanh nghiệp - cũng tìm đến Đà Nẵng Kitchen để làm tình nguyện viên thay vì về quê Tiền Giang. "Mỗi người đều có một cá tính, ngay tôi tính nóng như lửa. Nhưng cô Chi đã hiệu triệu, nhẹ nhàng gắn kết tất cả mọi người lại thành một khối thống nhất để vì cái chung. Tôi học được từ cô rất nhiều" - chị Hương chia sẻ.

Cầu nối cho những tấm lòng hướng về tâm dịch Cầu nối cho những tấm lòng hướng về tâm dịch

TTO - Là người đang ở ngay tâm dịch, cả tuần nay ca sĩ Quang Hào (giám đốc Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng) đã trở thành chiếc cầu nối cho những tấm lòng từ cả nước hướng về.

ĐOÀN CƯỜNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp