12/05/2024 07:07 GMT+7

Ở hồ có sóng thần không?

Ít ai ngờ trong hồ cũng có sóng thần, và sức tàn phá của nó không kém sóng thần ở biển.

Sóng thần có thể xảy ra trên hồ - Ảnh: rgj.com

Sóng thần có thể xảy ra trên hồ - Ảnh: rgj.com

Theo World Atlas, các nhà khoa học dùng khái niệm "sóng thần hồ" (lake tsunami) để chỉ hiện tượng những cơn sóng thần xuất hiện trên mặt hồ thay vì ngoài đại dương. Tuy nhiên cơ chế hình thành sóng thần ở hai nơi giống nhau, đều do sự dịch chuyển đột ngột của một khối lượng nước lớn.

Nguyên nhân phổ biến là do động đất. Khi một trận động đất xảy ra dưới đáy hồ hoặc gần đó, lực rung chuyển có thể làm dịch chuyển đáy hồ. Từ đó một trận sạt lở đất dưới nước được hình thành, di chuyển lượng lớn bùn và đá và cuối cùng dịch chuyển nước tạo ra sóng thần.

Một nguyên nhân khác thường gặp nữa là khi có một lượng đất đá rất lớn từ bên ngoài trượt xuống hồ. Khi đó số đất đá này sẽ nhanh chóng dịch chuyển một lượng lớn nước, tạo ra sóng thần.

Vào ngày 9-10-1963, khoảng 260 triệu m3 đất đá đã sụp đổ từ đỉnh Monte Toc với vận tốc 109km/h lao mạnh xuống hồ chứa nước đập Vajont, Ý. Chấn động này tạo ra một con sóng cao tới 250m và kéo theo đến 50 triệu m3 nước tiến về phía chân đập.

Hiện trường tan hoang sau sóng thần hồ năm 1963 ở hồ chức nước đập Vajont

Hiện trường tan hoang sau sóng thần hồ năm 1963 ở hồ chức nước đập Vajont

Sự kiện thảm khốc này đã hoàn toàn phá hủy các làng mạc tại thung lũng Piave dưới chân đập Vajont. Chỉ trong vòng một giờ, sóng thần khổng lồ đã xóa sổ toàn bộ cảnh quan vùng này, cướp đi sinh mạng của khoảng 2.500 người. Nhiều thị trấn xung quanh bị sập đổ và gần 1/3 dân số thị trấn Longarone không thể sống sót qua thảm họa này.

Một nguyên nhân khác gây sóng thần hồ là do núi lửa phun trào, đặc biệt với các hồ núi lửa hoặc hồ gần khu vực núi lửa. Khí methane và CO2 tích tụ dưới đáy hồ có thể bị đốt nóng và phát nổ, tạo ra một sự dịch chuyển nước khổng lồ.

Điển hình là hồ Kivu, nằm trên biên giới giữa Cộng hòa Dân chủ Congo và Rwanda, trên một thung lũng rạn nứt có núi lửa hoạt động. Trữ lượng khí trong hồ ở mức khổng lồ, với khoảng 250 km³ khí CO2 và 65 km³ khí metan. Trong trường hợp núi lửa phun trào, sóng thần có thể xảy ra do sự giải phóng khí đột ngột.

Sóng thần hồ có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho cộng đồng sống gần hồ, gây thiệt hại nhân mạng và phá hủy cơ sở hạ tầng. Các biện pháp giảm thiểu rủi ro bao gồm chuẩn bị sẵn sàng ứng phó, kế hoạch sơ tán, giáo dục cộng đồng và các hành động phục hồi sau thảm họa.

Ở những hồ có diện tích siêu lớn cũng có thể bị sóng thần khi xảy ra hoạt động địa chất dưới hồ. Ngũ Đại Hồ ở Mỹ từng xảy ra sóng thần vào các năm 1929, 1954, 1998… Trong đó đợt sóng thần năm 1929, các báo cáo ước tính cơn sóng cao đến 6m khiến 10 người chết.

Hồ Kivu được ví như một

Hồ Kivu được ví như một "quả bom nổ chậm" - Ảnh: PACIFIC STANDARD

Làm sao biết sắp có sóng thần hồ?

Hiện các nhà khoa học đang nghiên cứu để hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cơ chế gây sóng thần hồ, cũng như để phát triển các mô hình dự báo và kế hoạch ứng phó.

Trên IFL Science, nhà địa chất học Bretwood Higman thuộc tổ chức Ground Truth Alaska, cảnh báo tần suất sóng thần hồ ở các khu vực dân cư có thể gia tăng, chủ yếu do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Chẳng hạn ở những hồ có chứa các tảng băng hoặc có kết nối với các sông băng tại Alaska hay Canada. Nhiệt độ toàn cầu tăng cao làm thúc đẩy sự tan chảy của các sông băng và lớp đất đóng băng vĩnh cửu, khiến hiện tượng sạt lở đất trở nên phổ biến hơn. Khối lượng khổng lồ băng và đất đá khổng lồ sụp đổ sẽ là nguồn tiềm ẩn gây ra sóng thần trong các hồ tại đây.

Làm sao biết sắp có sóng thần hồ? Theo các chuyên gia, thường trước khi xảy ra sóng thần, có thể nghe thấy âm thanh lớn hoặc nhận thấy sự dịch chuyển đất đá bất thường xung quanh hồ.

Nếu thấy mực nước hồ thay đổi đột ngột không theo mùa, đó có thể là dấu hiệu của một sự kiện đang hoặc sắp diễn ra dưới lòng hồ, tốt nhất nên tránh xa để đảm bảo an toàn.

Ở những vùng băng giá, nếu băng và tuyết tan nhanh do nhiệt độ tăng, cần cảnh giác sạt lở đất xuống hồ có thể gây sóng thần.

Kinh nghiệm từ Nhật: Đi biển gặp cảnh báo sóng thần cần làm gì?Kinh nghiệm từ Nhật: Đi biển gặp cảnh báo sóng thần cần làm gì?

Báo Mainichi (Nhật Bản) nêu một vài kinh nghiệm ứng phó khi có cảnh báo sóng thần cho du khách đi du lịch biển từ đất nước mặt trời mọc - một quốc gia có nhiều điều đáng học hỏi trong ứng phó với thiên tai và đặc biệt là sóng thần.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp