12/12/2024 12:38 GMT+7

Ở hiền gặp phiền khi đồng nghiệp nhờ 1.001 việc không tên

'Tấm chiếu mới' kể chuyện bị đồng nghiệp nhờ vả 1.001 việc không tên và hỏi cách từ chối khéo hay cứ chịu đựng?

Ở hiền gặp phiền khi đồng nghiệp nhờ 1.001 việc không tên - Ảnh 1.

Lời than thở của một nhân viên văn phòng trên một hội nhóm vì thường xuyên bị "đè đầu cưỡi cổ" - Ảnh: MÂY TRẮNG

Ngó mặt hiền hiền, Minh Phát (29 tuổi, nhân viên văn phòng tại quận 1, TPHCM) hay được đồng nghiệp nhờ 1.001 việc không tên.

Nỗi khổ của "tấm chiếu mới"

Phát kể: "Tôi gặp khá nhiều tình huống đồng nghiệp và đôi lúc cả sếp nhờ giúp giùm những việc ngoài chuyên môn. Ví dụ họ nhờ tôi nhận hàng mà họ đặt mua online, nhận đồ ăn trưa giúp, thay bình nước lọc trong văn phòng".

Tính tình tốt bụng, ít nói, anh chàng quê Tiền Giang thời gian đầu luôn gật đầu khi có người nhờ. "Vì tôi nghĩ đó là sự hỗ trợ nhỏ giữa các đồng nghiệp. Nhưng về lâu dài lại thấy chuyện này cứ đều đều, tạo cảm giác phiền", Phát than.

Mới đây, một đồng nghiệp nhờ anh nhận hàng online. Dĩ nhiên anh đồng ý. Nhưng khi hàng giao trễ hơn dự tính ghi trong đơn hàng, anh lại bị đồng nghiệp nhắn tin thúc giục.

Anh thấy lạ vì bản thân mình chỉ là người nhận giúp.

Một đồng nghiệp khác tuy thường xuyên xin làm từ xa ở nhà nhưng vẫn cứ đặt hàng online địa chỉ giao ở công ty. Anh này thường xuyên nhờ Phát xuống lầu nhận hàng giúp.

"Một lần khác, tôi được nhờ. Nhưng vì đang bận để gửi sản phẩm cho kịp deadline, tôi nhờ người khác giúp. Sau lại có đồng nghiệp quay qua phàn nàn rằng tôi không nhiệt tình", anh kể.

Những lúc như vậy Phát cũng cảm thấy bực.

Ở công ty của Phát, ngoài anh ra các đồng nghiệp khác thi thoảng cũng được nhờ. Nhưng có vẻ chỉ một vài người nhất định. Đó là những nhân viên mới hoặc những người hiền lành như Phát. Những người làm lâu năm ít bị nhờ vả kiểu này hơn.

Xinh xắn, giọng nói nhỏ nhẹ, Kiều Diễm (26 tuổi, nhân viên truyền thông) chiếm cảm tình của đồng nghiệp trong phòng từ những ngày mới chuyển vào chỗ làm mới.

Tuy nhiên, dù quý các anh chị đồng nghiệp nhưng Diễm dần dần thấy mệt mỏi khi cô như chân sai vặt. Đặc biệt mỗi ngày hơn 10h trưa trở đi là thời điểm cô bận rộn nhất bởi những việc không tên.

Nguyên nhân là các anh chị trong phòng bắt đầu nhờ đặt đồ ăn thức uống, chọn ăn món gì, đặt chỗ nào...

Cô kể: "Tiện thì tôi đặt luôn chứ cũng không suy nghĩ gì nhiều. Nhưng có chị nhờ đặt mà không ưng quán tôi đang đặt. Tôi phải rà nhiều quán để chọn món chị ấy thích.

Có những hôm tôi đã đặt rồi lại đặt tiếp vì chị ấy không nhờ cùng lúc. Xuống nhận đồ ăn cho tôi xong rồi một hồi phải ngược xuống lấy đồ ăn của shipper khác đem lên cho chị ấy".

Thậm chí có lần chị này thản nhiên bảo Diễm: "Lần sau em đặt chỗ khác nha", không nghĩ gì đến công sức Diễm lọ mọ đặt hàng.

Đặc biệt, Diễm hay mua nước ép, sữa hạt... để uống buổi sáng hoặc xế chiều. Có chị đồng nghiệp thích uống nhưng không tự mua. Chị này nhờ cô mua hộ trên đường đi làm hoặc đặt online mối quen.

"Chị ấy không nhờ sớm. Có khi sáng tôi gần tới công ty mới thấy tin nhắn. Vài lần không mua kịp hoặc không để ý điện thoại, chị có vẻ giận. Chị nói lẫy khiến tôi cũng thấy buồn", Diễm nói.

Ngoài ra vấn đề tiền bạc khi đặt giùm thức ăn, đồ uống… cũng là điều rất khó nói.

Có người nhanh chóng chuyển khoản hoặc lấy tiền mặt trả lại ngay phần mình. Còn ai lỡ quên, Diễm không muốn nhắc vì thấy kỳ.

Ở hiền gặp phiền khi đồng nghiệp nhờ 1.001 việc không tên - Ảnh 2.

Đồng nghiệp nên hỗ trợ nhau, nếu nhờ vả thì nên tế nhị để duy trì mối quan hệ tốt đẹp - Ảnh: MÂY TRẮNG

Từ chối khéo hay chịu đựng?

Kiều Diễm nói: "Tôi có kể với cô bạn thân về câu chuyện này. Bạn ấy nói nên biết cách từ chối khéo. Lâu lâu nhờ còn được, chứ nhờ hoài sao được.

Nhưng khổ nỗi tôi là nhân viên mới, không biết tìm cách nào để từ chối khéo đồng nghiệp nhờ vả".

Với Minh Phát, anh cho biết sau này anh có vài cách để tránh việc bị nhờ vả không đúng lúc và thiếu tế nhị.

Nếu không tiện, anh sẽ nói thẳng đang bận để họ hiểu rằng mình không thể giúp tất cả mọi việc. "Tôi đang học cách nói lời từ chối", anh chia sẻ.

Phát nhận thấy thực tế những người làm lâu năm dễ từ chối khéo khi được nhờ. Tuy nhiên, bản thân Phát cũng làm ở công ty này hơn sáu năm nhưng nhiều lúc còn thấy ngại khi từ chối, nói gì nhân viên mới.

"Những "tấm chiếu mới" dễ bị "đè đầu" sai vặt bởi các bạn chưa quen biết nhiều, nên khó từ chối nhờ vả, sợ mất lòng, sợ bị đánh giá".

Thế nhưng anh nhắn nhủ: "Dần dần khi hiểu cách ứng xử và vị trí của mình, các bạn sẽ tự biết cách từ chối những lời nhờ vả trời ơi.

Điều quan trọng là các bạn cần phân biệt giữa việc giúp đỡ, hỗ trợ và việc bị lợi dụng cho những thứ không liên quan công việc, chuyên môn".

Trong khi đó chị Hoàng Minh, chuyên viên nhân sự một công ty về công nghệ thông tin, đúc kết: "Nhiều người khi đi làm đều ước muốn môi trường làm việc tốt, với những đồng nghiệp giỏi nghề, hòa đồng, biết chia sẻ...

Nhưng nếu gặp phải đồng nghiệp chưa như ý, không sao cả, những va chạm nho nhỏ trong môi trường công sở sẽ giúp bạn cách trưởng thành".

Ở hiền gặp phiền khi đồng nghiệp nhờ 1.001 việc không tên - Ảnh 5.Đi team building để vui vẻ đoàn kết, sao lại dính vào mấy trò thắng thua?

Vào mùa team building cũng là lúc các nhân viên văn phòng "chia phe" tranh cãi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp