Cả bầy tàu “giã điện” rất dễ nhận diện với các dây dẫn điện đậu ở khu vực bờ biển Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) - Ảnh: VŨ TUẤN
3h sáng, những chiếc tàu "giã điện" đầu tiên cập "bến cảng" là cửa nhận nước của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1. Khu vực này treo biển cấm đánh bắt thủy sản và neo đậu tàu thuyền. Thế nhưng, không biết từ bao giờ nó đã trở thành một cảng cá quen thuộc.
Tàu "giã điện" đậu cả bầy ở nơi cấm
Tiếng động cơ, tiếng í ới trả giá huyên náo cả góc biển. Từ những con cá hố, cá đuối to chừng hơn một bàn tay đến những con cá bống, con tôm, mực... đủ loại. Chợ hải sản cần gì, cảng bán nấy. Mỗi tàu đi về, tôm cá lưng khoang, lưới và dây điện cuộn thành từng đống. Mắt lưới mắc lại nhiều con cá nhỏ, càng cua, chân ghẹ tanh ngòm. Người ta ví von không quá lời những con tàu "giã điện" này là tử thần của biển cả.
Phiên chợ diễn ra nhanh chóng, tàu đánh bắt ít bán được chừng bốn tạ tôm cá, tàu nhiều được bảy tạ. Sau một đêm, mỗi chủ tàu "giã điện" bỏ túi vài triệu đồng. Một chủ tàu cho hay chuyến này tàu của mình bắt được 5 tạ cá các loại, trừ chi phí cũng được dăm triệu đồng.
Chợ vãn lúc trời đã sáng rõ, chủ tàu tranh thủ múc nước rửa lưới, sửa máy. Chúng tôi xách cần câu, đồ nghề câu cá để tiếp cận một chiếc tàu "giã điện" đang sửa máy. Buồng máy con tàu này có hai động cơ, một để chạy tàu, một để chạy máy phát điện. "Củ" phát điện ba pha to gần hết một vòng tay. Chủ tàu tiết lộ "củ" phát này có thể "đóng điện lên tới 1.000 vol". Ngày nào anh ta cũng kiểm tra thật kỹ máy phát và nguồn điện trước khi về nghỉ. Chỉ cần một trong ba dây dẫn bị "thối", điện giật không mạnh, họ sẽ đánh được ít cá.
"Chạy điện ba pha đó, cái củ phát to cơ mà! Hắn phát điện mấy cân cả (mấy KW - PV), đi 1.000 vol. Nói chung là cứ to nhỏ thì giật chết hết! Con nào đi vào khu vực dây điện là nó giật chết. Thường thì mình dập cầu dao phát ra 600 vol, xuống nước hắn còn 300 vol" - một chủ tàu tiết lộ phương pháp đánh bắt tận diệt.
Một chủ tàu chỉnh máy phát điện ba pha trước khi đi tận diệt hải sản - Ảnh: VŨ TUẤN
Chủ tàu bày cách... tận diệt
Ông Khang (đã đổi tên nhân vật) trú tại xã Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh), bỏ hơn trăm triệu đồng đóng tàu "giã điện" gần bốn năm nay. Ông chủ tàu này nói ngày nào cũng nhổ neo ra khơi lúc 16h chiều, đến khoảng 3h sáng thì trở lại khu cửa nhận nước của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1.
Ông chủ tàu này giải thích "quy trình" đánh bắt của tàu giã điện: "Cứ đi ra ngoài nớ rồi về thôi, không xa đâu. Chạy tàu từ bên ni về dưới Cẩm Nhượng rồi quay lại. Đi tàu ra, đặt cào rồi đi một mạch. Lưới này dài vài trăm mét, kéo ở sau tàu, tàu chạy chậm nhưng có điện, con nào bị giật chết thì sẽ mắc vào lưới".
Trong khi tiếp cận chủ tàu "giã điện", chúng tôi đếm được 21 tàu có lưới và dây điện. Loại dây lớn gần bằng ngón tay út, thông số ghi trên vỏ chịu dòng điện lên tới 750 vol. Dòng điện được "thả" trực tiếp xuống biển từ chiếc máy phát lớn trong khoang máy. Những ông chủ chuyên nghề "phóng điện" cho hay chỉ cần một sợi dây dẫn không đảm bảo thì họ sẽ loại để thay thế, đảm bảo cỗ máy hủy diệt tôm cá luôn hoạt động hoàn hảo.
Mùa này, các tàu đánh được nhiều cá đuối và mực. Tuy nhiên, chính những người chuyên nghề "giã điện" cũng thừa nhận rất hiếm cá to còn lại ở vùng biển này. Bởi có con to to nào thì chính họ đã quét sạch rồi. Lượng cá thực tế đã giảm đi rất nhiều, nhưng giá cả lại nhích lên.
"Nếu vào cảng (cảng cá xã Kỳ Hà, Kỳ Anh - PV) thì phức tạp. Rồi lúc nước ròng, tàu mình không vào được. Ở đây thì thoải mái, lúc nào vào bán cá cũng được. Chỗ này họ (Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1) cấm. Trước họ đuổi ghê lắm..." - chủ tàu kể và cho biết giờ thì họ vào được.
Mỗi ngày ông Khang đánh bắt được vài tạ cá, mực các loại. Bình quân mực bán ở "cảng" này có giá từ 100.000 đồng đến 160.000 đồng mỗi ký, thấp hơn thứ mực tươi còn nhảy tanh tách mà ngư dân vùng này câu được.
Ấy thế, những người chuyên nghề "xuyệt điện" trên biển Vũng Áng có thu nhập cao hơn hẳn ngư dân đi biển theo những phương pháp đánh bắt truyền thống. Ông Khang nói trung bình mỗi đêm tàu mình thu được 5 triệu đồng, có hôm lên 7-8 triệu đồng. "Cứ tối đi, sáng về là có tiền triệu, vài triệu là chắc chắn. Giàu thì không giàu nhưng sinh hoạt, nuôi con ăn học thoải mái. Tháng ni cả nghỉ, cả đi (đánh bắt) cũng có được hơn 60 triệu đồng" - ông Khang nói.
Chính người chủ tàu này cho hay hải sản trong vùng ngày càng khó kiếm. Ngay khu neo tàu vài năm trước, hồi ông ta mới làm nghề "giã điện", các loại cá mú, cá bớp nặng cả chục ký, thế nhưng đến giờ này tìm mỏi mắt không nổi một con. "Nhiều nhưng giật điện rồi cào hết, chẳng còn con nào mô" - chính chủ tàu "giã điện" này cũng thừa nhận hậu quả của kiểu đánh bắt tận diệt mà mình đang làm!
Dây truyền điện (màu vàng) phơi bày công khai dưới đống lưới ở đuôi tàu - Ảnh: VŨ TUẤN
Ngư dân kêu cứu
Ông Trần Xuân Phương (ngụ xã Kỳ Hà) mong muốn cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt, nghiêm túc. "Tàu giã điện đánh bắt như là "triệt sản" tôm cá vùng biển này rồi. Nếu tàu giã cào, lưới vây, đánh "te" dùng mắt lưới nhỏ, bắt cả cá nhỏ thì tàu giã điện giết chết cả trứng, cả ấu trùng và cả các loài sinh vật khác. Mỗi ngày có cả chục tàu đánh như vậy, chẳng mấy chốc giết sạch vùng biển này" - ông Phương nói.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Lính (xã Kỳ Hà) cho rằng cơ quan chức năng nên có những cuộc tuần tra đột xuất, tuần tra chéo. "Tình trạng này diễn ra hằng ngày, nhiều năm. Tôi mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc để cứu lấy vùng biển của chúng tôi".
Còn ông Trần Đức Lượng, ngụ xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh), cho hay cứ thấy bóng dáng tàu tuần tra của lực lượng chức năng là các tàu "giã điện" trốn trong âu cảng hoặc theo con lạch neo tàu sâu trong đất liền.
"Người dân chúng tôi sẵn sàng phối hợp, giúp đỡ cơ quan chức năng để bắt quả tang tàu giã điện tận diệt thủy sản. Ngày nào chúng tôi cũng gặp, suốt mấy năm trời. Tôi lo đến vài năm nữa biển không còn con gì để bắt" - ông Lượng ngậm ngùi nói.
Liên tục bắt giữ tàu khai thác trái phép
Ngay thời gian phóng viên báo Tuổi Trẻ thực hiện loạt phóng sự điều tra này, lực lượng chức năng liên tục bắt giữ tàu đánh bắt trái phép. Cụ thể, ngày 7-6 Đồn biên phòng Kỳ Khang (Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh) bắt giữ hai tàu đánh bắt hải sản bằng lưới kéo giã cào sai vùng biển quy định. Ngày 9-7, Đồn biên phòng Thiên Cầm (Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh) cũng bắt 4 thuyền nan dùng kích điện đánh bắt thủy sản ở vùng biển huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).
Mới đây, ngày 28-7 Đồn biên phòng Kỳ Khang tiếp tục bắt giữ 5 tàu cá khai thác sai vùng biển quy định tại khu vực biển Kỳ Ninh (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Riêng lực lượng biên phòng Kỳ Khang năm nào cũng phát hiện, xử lý các trường hợp tàu cá đánh bắt bằng xung điện.
Xung điện là thứ tận diệt dã man nhất
Dòng điện truyền trực tiếp xuống biển để giật chết tôm cá - Ảnh: VŨ TUẤN
Ông Lê Trần Nguyên Hùng - phó vụ trưởng Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - cho biết trong các phương pháp đánh bắt thủy sản bị cấm là xung điện, thuốc nổ, hóa chất, ngư cụ cấm... thì đánh bắt bằng xung điện là một trong những thứ dã man nhất.
Phương pháp này không những giết chết cá, tôm, sinh vật đang bơi mà cả vi sinh vật hay các sự sống khác trong thủy vực bị luồng xung điện đi qua cũng không thể sống sót. Về mặt chế tài, pháp luật đã có mức phạt cao nhất trong Bộ luật hình sự (năm 2015) quy định tại điều 242 với mức phạt từ 3 đến 5 năm tù.
Ông Hùng cho rằng về chế tài, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã đầy đủ, vấn đề nằm ở lực lượng thực thi pháp luật.
"Tôi cho rằng nguyên nhân đầu tiên là tình trạng "lờn" pháp luật. Chúng ta cứ xem đây là việc bình thường, có nghĩa rằng người dân, chính quyền và cả lực lượng thực thi pháp luật xem như đây là chuyện thường. Sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa rốt ráo, chưa quyết liệt để xử lý triệt để. Lâu ngày chúng ta không xử lý, tình trạng này trở nên dần phổ biến và nhức nhối.
Việc thứ hai là lực lượng thực thi pháp luật chưa được kiện toàn, chưa được đồng bộ, thống nhất và chưa đủ thẩm quyền để xử lý vi phạm. Mặt khác, lực lượng này chưa được quan tâm cả về chế độ chính sách lẫn cơ sở vật chất" - ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, để giải quyết tình trạng này phải thống nhất từ hệ thống, cơ sở pháp lý đủ mạnh, chế độ chính sách và có đầu tư cho lực lượng thực thi pháp luật. Thứ hai là phải để người dân và cả hệ thống chính trị địa phương nhận thức được hậu quả, đặc biệt là sinh kế của họ.
"Có thể hôm nay chúng ta đánh được vài con cá, nhưng sau này chúng ta không còn cá để bắt. Người dân mất sinh kế, chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn việc này" - ông Hùng đề nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận