
Ông Lê Quang Đạm (thứ hai từ trái sang) trong buổi tọa đàm cùng các đại học Mỹ, Việt Nam được tổ chức tại TP.HCM gần đây - Ảnh: P.Đ.
TS LÊ QUANG ĐẠM - CEO của Marvell Việt Nam - đã chia sẻ như vậy với phóng viên Tuổi Trẻ quanh chủ đề nguồn nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch.
* Hiện nay có ý kiến lo ngại rằng ngành thiết kế vi mạch đang "phát triển nóng" tại Việt Nam. Nhiều trường đại học mở ngành đào tạo cùng lúc có thể dẫn đến lo lắng dư thừa nhân lực. Ông nghĩ gì về vấn đề này?
- Tôi cho rằng đây là một mối quan ngại hoàn toàn xác đáng. Khi một ngành được quan tâm mạnh mẽ như thiết kế vi mạch và bán dẫn hiện nay, việc nhiều trường đại học đồng loạt mở ngành đào tạo là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên nếu không có sự điều phối và quy hoạch tổng thể, rất dễ dẫn đến tình trạng "phát triển nóng", nghĩa là mở quá nhanh, quá nhiều mà không kịp đánh giá chất lượng đầu vào, đầu ra cũng như khả năng hấp thụ của thị trường lao động.
Tôi cũng từng tham gia hội đồng kiểm định chương trình đào tạo nên thấy rõ sự chênh lệch chất lượng sinh viên giữa các nhóm có những em rất xuất sắc nhưng cũng có nhóm trung bình, yếu và chương trình không đủ linh hoạt để hỗ trợ tất cả.
Nếu mở rộng đào tạo nhưng không kiểm soát tốt chất lượng, sinh viên ra trường không biết mình sẽ làm gì, không biết ngành học có đúng nhu cầu xã hội không thì đó là thất bại.
Tôi nghĩ trong bối cảnh hiện nay chúng ta cần thận trọng. Mở rộng đào tạo là cần thiết nhưng không thể bỏ qua yếu tố chất lượng, gắn kết thực tiễn và có sự đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp. Chỉ có như vậy thì việc đào tạo mới bền vững và không rơi vào tình trạng thừa nhân lực.
* Cũng có ý kiến cho rằng nhiều chương trình đào tạo hiện nay vẫn phát triển từ khung chương trình cũ, chưa thực sự tiệm cận với nhu cầu của doanh nghiệp trong ngành vi mạch…
- Tôi cũng cảm nhận thấy phần nhiều chương trình giảng dạy hiện nay tại các trường đại học vẫn được xây dựng trên nền tảng của các ngành truyền thống như điện tử, viễn thông hoặc khoa học máy tính. Sau đó trường bổ sung một vài học phần chuyên sâu và gọi tên chương trình là "vi mạch" hay "bán dẫn".
Tuy nhiên để thực sự đáp ứng được nhu cầu của ngành thiết kế vi mạch, chương trình cần được thiết kế lại một cách căn cơ hơn, cả về nội dung lẫn phương pháp giảng dạy. Điều này đòi hỏi phải có sự tham gia sâu của doanh nghiệp, bởi chỉ có doanh nghiệp mới biết rõ họ cần gì: vị trí nào, kỹ năng gì và mức độ chuyên môn ra sao.

TS LÊ QUANG ĐẠM - CEO của Marvell Việt Nam
Tôi cho rằng cách làm hiệu quả nhất hiện nay là để doanh nghiệp và nhà trường cùng nhau xây dựng các môn học, những môn học được "đặt hàng" theo nhu cầu thực tế, có sự đồng hành từ đầu đến cuối. Như vậy sinh viên không chỉ học đúng mà còn biết rõ học để làm gì và sẽ làm được gì sau khi tốt nghiệp.
* Hãy nói về đầu ra. Theo ông, sinh viên kỹ thuật sau khi tốt nghiệp từ các trường đại học ở Việt Nam có đáp ứng được yêu cầu thực tế của doanh nghiệp lĩnh vực thiết kế vi mạch hay không?
- Thật ra vẫn có một khoảng cách nhất định giữa kiến thức mà sinh viên được học trong trường và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Vì mỗi vị trí trong doanh nghiệp lại yêu cầu những kỹ năng rất khác nhau.
Tại nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch hiện nay, khi tuyển sinh viên mới ra trường chúng tôi luôn có chương trình huấn luyện riêng. Tùy vị trí mà thời gian đào tạo có thể từ ba đến sáu tháng, thậm chí kéo dài đến chín tháng, một năm hoặc hơn.
Những vị trí chuyên sâu như thiết kế phần cứng, kiến trúc hệ thống... thường yêu cầu thời gian chuẩn bị lâu hơn. Còn với những công việc như kiểm thử (testing), thời gian đào tạo có thể ngắn hơn, chỉ khoảng ba đến sáu tháng là sinh viên đã có thể đảm nhiệm được.
Thực tế cho thấy phần lớn sinh viên mới tốt nghiệp hiện nay chỉ phù hợp với những công việc ở cấp độ đầu vào, như kiểm thử, xác minh (verification) hoặc hỗ trợ thiết kế. Những công việc này đòi hỏi nền tảng kiến thức cơ bản và kỹ năng thực hành vừa phải nên các em có thể bắt nhịp nhanh sau một quá trình huấn luyện ngắn, thường là từ ba đến sáu tháng.
Nhưng để đảm nhiệm vai trò kỹ sư thiết kế vi mạch, đặc biệt là các vị trí thiết kế logic, thiết kế vi kiến trúc hay thiết kế phần cứng yêu cầu cao hơn rất nhiều. Các bạn phải trải qua thời gian huấn luyện lâu hơn, thường kéo dài từ một đến hai năm. Bởi vì đây là những vị trí đòi hỏi tư duy hệ thống, khả năng phân tích sâu và kiến thức kỹ thuật chuyên biệt.
Không thể chỉ dựa vào kiến thức trong trường để "nhảy" ngay vào thiết kế vi mạch được. Hơn nữa mỗi công ty có yêu cầu và quy trình đào tạo khác nhau. Chẳng hạn, công ty Hàn Quốc, Mỹ hay Đài Loan đều có cách tiếp cận riêng. Do vậy kể cả khi chương trình đào tạo trong trường rất tốt, sinh viên vẫn cần một quá trình "chuyển giao thực tế" để đáp ứng đúng yêu cầu của từng doanh nghiệp.

Kỹ sư làm việc tại một công ty công nghệ ở Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Kỹ sư Việt Nam rất thông minh, cần cù
* Vậy thực tế các kỹ sư Việt Nam tại Marvell và các công ty thiết kế vi mạch khác có thể hiện được hết điểm mạnh của mình sau khoảng thời gian "lăn lộn" ban đầu không, thưa ông?
- Đây là điều tôi cảm thấy rất tự hào. Sau nhiều năm làm việc tại Marvell Việt Nam và quan sát trực tiếp các kỹ sư của mình, tôi có thể khẳng định rằng kỹ sư Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực để tham gia vào toàn bộ chuỗi thiết kế vi mạch, từ khâu kiến trúc ban đầu cho đến phần mô phỏng, thiết kế logic, kiểm thử và cả phần mềm điều khiển.
Hiện tại các bạn kỹ sư không chỉ thực hiện những công đoạn đơn giản hay lặp lại, mà thực sự đang đảm nhận những vai trò quan trọng trong toàn bộ quy trình thiết kế. Họ đang làm việc ngang với các đội ngũ kỹ sư từ Mỹ, Ấn Độ, Israel và các trung tâm kỹ thuật khác trên thế giới.
Kỹ sư Việt Nam rất thông minh, cần cù và có tinh thần học hỏi cao. Đặc biệt họ làm việc có trách nhiệm và được đồng nghiệp quốc tế tin tưởng. Qua thời gian họ phát triển được sự tự tin và khả năng dẫn dắt nhóm, không thua kém bất kỳ kỹ sư nào đến từ các trung tâm công nghệ lớn.
Hơn 20 năm trong ngành thiết kế vi mạch tại Mỹ, Canada
Thành lập năm 1995 tại Mỹ, Marvell Technology là một trong những công ty thiết kế chip hàng đầu thế giới, chuyên cung cấp giải pháp bán dẫn cho các lĩnh vực trung tâm dữ liệu, mạng, lưu trữ và ô tô. Doanh thu năm tài chính 2025 của Marvell đạt hơn 5,7 tỉ USD.
Từng có hơn 20 năm làm việc trong ngành thiết kế vi mạch tại Canada và Mỹ, TS Lê Quang Đạm trở về Việt Nam năm 2013 để thành lập văn phòng Marvell tại TP.HCM. Dưới sự dẫn dắt của ông, Marvell Việt Nam đã phát triển lên gần 500 kỹ sư, trở thành một trong những trung tâm thiết kế lớn nhất của tập đoàn tại châu Á.
Bên cạnh vai trò điều hành doanh nghiệp, ông còn là người tiên phong kết nối giữa doanh nghiệp và đại học trong đào tạo kỹ sư bán dẫn. Ông trực tiếp tham gia phản biện chương trình đào tạo, đưa kỹ sư vào giảng dạy thực tế và thúc đẩy các mô hình hợp tác nghiên cứu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận