Bé Lữ Triển Phong đến từ Trường quốc tế Tây Úc đoạt giải nhất bảng A - Ảnh: LINH ĐOAN
“Trong gia đình chỉ cần một bé chịu học đàn tranh thì có khi tác động đến cả gia đình cùng yêu đàn tranh, vì phải chở bé đi học, ở nhà lắng nghe bé tập đàn. Cứ thế, tạo sự lan tỏa.
Nghệ sĩ Hải Phượng (phó chủ nhiệm CLB Tiếng hát quê hương)
Để liên hoan diễn ra định kỳ là nỗ lực rất lớn của những người tâm huyết và muốn nuôi dưỡng lòng đam mê của các bạn nhỏ với tiếng đàn tranh.
1.Ngày tổng dượt trước liên hoan, nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan, chủ nhiệm Câu lạc bộ Tiếng hát quê hương - đơn vị phối hợp cùng Cung văn hóa Lao động tổ chức liên hoan 3 lần qua - đứng suốt trên sân khấu điều hành.
Ở tuổi 79, bà vẫn tất tả ngược xuôi duy trì cho bằng được liên hoan gieo tình yêu đàn tranh vào lòng trẻ.
Được sự hỗ trợ của Cung văn hóa Lao động, liên hoan lần đầu tiên diễn ra năm 2018. Năm nay theo kế hoạch, liên hoan được diễn ra vào năm 2020 nhưng vì COVID-19 phải dời sang 2021.
Người phụ nữ gầy gò tâm sự: "Thật lòng là năm nay lo lắm, không biết có tổ chức được không. Đến chừng tổ chức được lại lo về số lượng thí sinh. Thật bất ngờ đến giờ cuối số lượng các em tham gia đạt đến 88, vượt trội so với lần 1 là 30 em và lần 2 là 72 em.
Nhiều người e ngại tôi tuổi cao mà miệt mài mấy ngày liền với cuộc thi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng không hiểu sao cứ thấy bọn trẻ ngồi nghiêng nghiêng trên sân khấu rải phím đàn tranh là mình cảm thấy hạnh phúc, quên hết tuổi tác!".
Với những chương trình không có bề nổi và khiêm tốn thế này ít được các nhãn hàng lớn quan tâm, và người chung tay hỗ trợ phải là người không có... nhu cầu quảng cáo, họ đóng góp chỉ vì lòng yêu mến văn hóa dân tộc.
Từ những đóng góp trong giới hạn đó nên kinh phí tổ chức phải thật gói ghém. Cả nhà cô Thúy Hoan - từ mẹ, con gái là nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng, cháu ngoại là bé Hải Minh đang học đàn tranh tại Nhạc viện và rất nhiều học trò của cô là giảng viên ở Nhạc viện, những thầy cô ở trung tâm dạy đàn tranh cũng xắn tay vào giúp trên tinh thần hỗ trợ vô điều kiện.
2. Giải nhất bảng A (từ 10 tuổi trở xuống) liên hoan năm nay thuộc về cậu bé Lữ Triển Phong mới 7 tuổi. Triển Phong là gương mặt quen thuộc của một số phim, gameshow như Bảo mẫu siêu quậy, Lôi báo, Giấc mơ Mỹ, Cả nhà thương nhau...
Bà ngoại của Triển Phong kể hồi nhỏ vô tình đi ngang qua tiệm đàn tranh, bé thấy thích cây đàn và nằng nặc đòi mẹ mua về. Chẳng những học đàn tranh mà bé còn đòi học đàn bầu, trống cơm...
"Gia đình rất vui vì đây là nhạc cụ bé tự chọn. Càng vui hơn khi ngồi đàn bé đã điềm đạm hơn, biết sống tình cảm và từ việc kiên nhẫn với cây đàn bé cũng biết cách kiên nhẫn trong việc học tập" - bà ngoại Triển Phong hồ hởi nói.
Mỗi lần tổ chức là mỗi lần vất vả nhưng cô Thúy Hoan vui vì sự nỗ lực đó đã gầy dựng được phong trào.
Nguồn thí sinh đến với liên hoan năm nay từ rất nhiều trường trong thành phố như Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Thanh Tuyền, Nguyễn Thị Nhỏ, Trường Tây Úc...
Và cũng thật vui khi đàn tranh được dạy tại một số trường quốc tế. Những gia đình có con em lên kế hoạch đi du học nước ngoài đã cho con học đàn tranh chuyên sâu thêm bên ngoài.
Họ mong muốn khi các em ra môi trường quốc tế, trong những cuộc giao lưu, tiếng đàn dân tộc rất riêng sẽ giúp các em tự tin, tạo được dấu ấn với bạn bè.
"Bạn thấy đó, trong liên hoan này, các em dự thi rất dễ gặp trục trặc vì dây đàn tranh Việt Nam rất mảnh, cầm đàn từ ngoài nhiệt độ nóng vào khán phòng có máy lạnh là dây đàn có thể bị giãn, đánh không khéo có thể bị tuột hoặc đứt dây.
Trong khi đó dây đàn Trung Quốc rất dày, không gặp sự cố này. Thế nhưng, do dây đàn của chúng ta mảnh nên chúng ta có thể nhấn sâu, diễn tả nội tâm tốt hơn dây dày nhiều.
Trong một liên hoan đàn tranh có sự tham gia của nhiều nước châu Á, một chuyên gia đã nhận xét rằng tiếng đàn tranh của Việt Nam rất tinh tế là vì lẽ đó!" - cô Thúy Hoan tâm sự với tấm lòng muốn thế hệ trẻ biết được sự độc đáo của tiếng đàn Việt Nam để gìn giữ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận