06/10/2016 11:32 GMT+7

Nuôi dưỡng niềm tin

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Tuổi Trẻ ngày 5-10 đăng bài “Từ cuốn sổ của tổ lao công”, có bạn đọc chia sẻ “cuốn sổ ấy còn giá trị hơn giáo án dạy học được xây dựng công phu”.

Cũng đúng khi hành động giản dị của những cô lao công đã khơi dậy cảm xúc lành mạnh trong xã hội và nuôi dưỡng niềm tin cho con trẻ.

Trong một phóng sự của truyền hình, một học sinh trả lời rằng em muốn đội mũ bảo hiểm nhưng bố em bảo không cần thiết. Xem ra, sự hồn nhiên của trẻ đã nói rất thật ý thức của người lớn.

Trong cửa hàng bán sách, một em bé không dám chen ngang, rụt rè đứng sau nhiều người đang xếp hàng chờ thanh toán. Mẹ em liền đẩy em lên phía trước rồi bảo “đứng tít dưới này thì bao giờ tới lượt?”.

Nhiều người lớn thấy em còn bé nên cũng nhường chỗ. Nhưng điều ái ngại nhất là em bé sẽ được tập dượt một thói xấu là “không biết xếp hàng”, tranh giành những cái không phải của mình, chưa đến lượt mình.

Tại cửa hàng bán xăng, một bạn trẻ dắt xe ngược với dòng người đang xếp hàng mua xăng để đến thẳng chỗ người bơm xăng. Nhân viên bán xăng vẫn bơm xăng cho những người đang xếp hàng, bà mẹ đứng ngoài mắng con không biết mở miệng ra nói với người bán xăng bơm cho mình.

Hành động của người lớn ngấm vào con trẻ mỗi ngày, hình thành thói quen, nếp nghĩ. Có những cái xấu mặc nhiên được thành hình, tồn tại theo cách đó.

Trong khi điều chưa đẹp cứ nhan nhản trong cuộc sống, len lỏi trong nhiều gia đình, tiếc thay những điều tốt đẹp trong các bài giảng ở trường học lại quá giáo điều. Trong thời gian rất dài, học sinh chỉ nghe giảng, ghi chép, học thuộc lòng đối phó với thi cử.

Còn những bài học thực sự đi vào tâm hồn các em, làm trái tim các em rung động, cảm thấy ấn tượng và theo các em đi tiếp đường đời lại quá ít, hiếm hoi, nhất là những bài học về đạo đức.

Rất nhiều học sinh nói rằng: “Con chán phải làm thế này, phải làm thế kia rồi. Tại sao chúng con phải làm nhiều thứ thế trong khi người lớn xung quanh chúng con không làm như vậy?”. Chắc chắn các thầy cô, các bậc cha mẹ phải suy nghĩ trước những phản kháng này của các em.

Và do vậy, cho dù ngành GD-ĐT có đổi mới chương trình đến đâu, đưa công nghệ hiện đại vào việc dạy học thì những bài học làm người cũng sẽ ít hiệu quả nếu con trẻ không có niềm tin vào những điều đẹp đẽ trong đời.

Bởi vậy mà câu chuyện của những cô lao công lương tháng vài triệu bạc trả lại cho học sinh rất nhiều món đồ đắt tiền các em bỏ quên trong phòng học đã gây xúc động cho rất nhiều học sinh. Không có bài giảng đạo đức nào được thực hiện, nhưng bằng những hành động lặng lẽ của những người làm công việc giản đơn ở ngôi trường đã tạo nên hiệu ứng không ngờ.

Thế mới thấy trong tiềm thức mỗi người, kể cả những đứa trẻ luôn ẩn chứa khao khát hướng thiện. Bởi vậy mà cảm nhận về việc làm tử tế, cảm nhận về những tấm lòng chân thật, nhân hậu luôn có sức hút mạnh mẽ. Chìa khóa cho giáo dục ở ngay trước mắt chúng ta đấy thôi nhưng đâu phải nhà trường nào, thầy cô nào, cha mẹ nào cũng thấm.

Những ngôi trường như dường như đang đi lạc dòng chảy “thành tích” so với nhiều trường học khác. Nhưng sự lạc dòng này lại rất cần cho một cuộc đổi mới thật sự, khi giáo dục muốn thay đổi vì học sinh.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp