Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nghĩa nói:
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần nguồn vốn ưu đãi để ổn định sản xuất. Trong ảnh: sản xuất bao bì tại Công ty Vĩnh Lộc Phát (TP.HCM) - Ảnh: Đình Dân |
- Thời gian qua dù gặp nhiều khó khăn và lực cản nhưng doanh nghiệp (DN) dân doanh của VN vẫn có sức sống rất mãnh liệt.
Để vực dậy khối này cần những cam kết chính trị rõ ràng của chính quyền.
Mọi sự thành bại của một quốc gia đều cần tới sự tham gia của người dân. Muốn xây dựng một xã hội VN khá giả, cần có sự tham gia làm ăn của DN dân doanh |
PGS.TS PHẠM DUY NGHĨA |
* Năm 2014 khép lại với nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô được cải thiện như lãi suất, lạm phát giảm, tỉ giá ổn định... nhưng cũng chứng kiến sự khó khăn ngày càng lớn của khối DN dân doanh. Ông nghĩ sao về điều này?
- Các chỉ số kinh tế vừa qua cho thấy khu vực FDI tăng trưởng mạnh, chiếm tỉ trọng đáng kể của kim ngạch xuất khẩu. Khu vực nhà nước gặp nhiều trục trặc, dẫu vẫn có những điển hình thành công. Khu vực kinh tế tư nhân phân làm hai nhóm. Nhóm DN tư nhân thân hữu, có thể khai thác lợi thế quan hệ thì vẫn phát triển. Ngược lại, nhóm DN nhỏ và vừa vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Kinh doanh ở đâu cũng đầy rủi ro. Nhà nước cần giảm bớt rủi ro về mặt thể chế thì DN sẽ có niềm tin hơn. Khu vực FDI được ưu đãi, hưởng chính sách trải thảm đỏ, lại né tránh được những trục trặc thuộc về thể chế của VN.
Đó là một nguyên nhân giúp họ phát triển ổn định. Khu vực nhà nước kém vì cơ chế thực thi quyền sở hữu vốn nhà nước phân tán, quản trị DN nhà nước không chặt chẽ, thiếu minh bạch. Khu vực tư nhân đương nhiên không có lợi thế về vốn và thể chế như FDI và DN nhà nước.
Về phía thị trường và cơ hội kinh doanh, Nhà nước không thể làm thay doanh nhân mà chỉ có thể giảm bớt rủi ro về thể chế để doanh nhân yên tâm làm ăn.
* Theo ông, năm 2015 cần những thay đổi gì để vực dậy khối này, điều quan trọng có phải là tạo niềm tin cho DN làm ăn?
- Nhiều DN khẳng định điều họ cần không phải là ưu đãi, mà là sự bảo hộ của Nhà nước. Họ cần một sự đảm bảo, vững tin về chính sách, thể chế kinh doanh.
Năm 2015 phải phát quang những rào cản bó buộc tự do kinh doanh để mầm sống DN dân doanh lớn lên. Nói cụ thể hơn, vừa phải nâng đỡ khu vực tư nhân, vừa phải thu hẹp khu vực DN nhà nước. Nhà nước không nhất thiết phải làm sữa, dệt may, da giày...
Những lĩnh vực này khu vực tư nhân có thể đảm nhận mà không ảnh hưởng tới chủ trương điều tiết của Nhà nước.
Niềm tin vào thể chế là thứ cần thiết đối với DN hiện nay, tuy nhiên niềm tin đó không thể chỉ có một chiều. Niềm tin giữa chính quyền và DN dân doanh cần phải có hai chiều. Nhà nước muốn DN tin vào Nhà nước thì Nhà nước phải tin vào DN trước.
Nhiều cơ quan quản lý nhà nước vẫn coi DN như một đối tượng tiềm ẩn vi phạm. Không phải chính quyền lúc nào cũng đúng, đặc biệt trong chính sách DN, do vậy nếu sai thì phải sửa và phải có người chịu trách nhiệm cá nhân cho những sai lầm đó.
* DN tư nhân còn kêu than nhiều lắm về sự bình đẳng và tự do trong môi trường kinh doanh, thưa ông?
- DN và người dân đóng thuế để nuôi bộ máy nhà nước, do vậy toàn bộ hệ thống công vụ phải có trách nhiệm phục vụ họ. Trong năm 2015, Nhà nước nên tiếp tục lắng nghe tiếng nói của DN để từ đó cởi trói cho họ. Cần tăng các kênh đối thoại, lắng nghe ý kiến.
Chẳng hạn nhiều DN kinh doanh phát triển hạ tầng và bất động sản đang kêu trục trặc về nộp tiền sử dụng đất hằng năm theo luật mới đã hạn chế quyền kinh doanh của họ. Nếu pháp luật gây khó cho DN, lãnh đạo địa phương cần lắng nghe, từ đó mới tìm cách cởi trói cho họ được.
Tài sản của DN phải được bảo đảm thì họ mới dám đầu tư. Toàn bộ hệ thống từ tòa án, các thiết chế hỗ trợ phải đáp ứng được đòi hỏi đó của các DN. Tóm lại, không cần ưu đãi, ngược lại cần bảo đảm các quyền tự do kinh doanh của DN.
Phải có những người chịu trách nhiệm cá nhân trong hệ thống chính quyền cho những vấn đề trục trặc cản trở kinh doanh. Phải đẩy lùi trách nhiệm tập thể mà chuyển sang trách nhiệm cá nhân.
Tất nhiên, chế độ tập thể đang có lợi cho nhiều người trong bộ máy hiện hành, nhiều người được hưởng lợi mà không phải chịu trách nhiệm cá nhân. Do vậy, để thay đổi cần nhìn rõ lực cản ngay trong thể chế hiện hành.
Những quy trình không rõ ràng khiến thủ tục hành chính kéo dài, thời gian với DN là tiền bạc, song càng không rõ ràng thì công chức lại càng có thêm quyền uy và lợi ích.
Vì lẽ đó, năm 2015 cần nhìn rõ ai đang hưởng lợi từ thể chế hiện hành để từ đó phá dần lực cản, cải thiện môi trường kinh doanh cho DN dân doanh. Cần phải có những cam kết chính trị rất rõ:
Thứ nhất, phần lớn công ăn việc làm trong xã hội VN là do khối tư nhân tạo ra. Nếu nước ta có 3 triệu hộ kinh doanh, mỗi hộ tạo ra hai việc làm, nước ta đã tạo ra 6 triệu việc làm. Có thể thấy, hộ kinh doanh nhỏ giải quyết được lượng lớn lao động chưa qua đào tạo. Do vậy, thái độ hỗ trợ của Nhà nước với khu vực này phải tăng lên tương xứng. Phải nuôi dưỡng động lực cho kinh tế dân doanh phát triển.
Thứ hai, về cam kết của Nhà nước, các thể chế phải được xây dựng để hỗ trợ cho kinh tế tư nhân. Ngoài đăng ký thành lập dường như đã được đơn giản hóa theo Luật DN 2014, có vô số luật lệ khác trong cuộc đời DN đang cần phải sửa.
Thứ ba, cần duy trì và nhân rộng sức ép của cạnh tranh. Một nền kinh tế sẽ phát triển nếu các khu vực của nền kinh tế, kể cả kinh tế nhà nước, phải chấp nhận sự cạnh tranh mạnh mẽ. Dịch vụ viễn thông của VN phát triển mạnh, do có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các DN tham gia thị trường, kể cả đó là DN nhà nước. Sự độc quyền của DN nhà nước cũng là một nguyên nhân gây khó khăn cho khu vực tư nhân.
* Nhiều DN dân doanh không dám làm thương hiệu, không dám lớn mạnh vì sợ bị “chèn ép”?
- Nền kinh tế nông nghiệp, với ý tưởng “xấu đều hơn tốt lỏi”, không ưa những gì sáng tạo, phá cách, thậm chí không thiện cảm với người giàu, là một phần trong văn hóa tiểu nông. Văn hóa đó không dễ biến đi chỉ sau mấy mươi năm cải cách.
Thời gian từ năm 1990 tới nay chưa đủ dài để tạo được niềm tin hoàn toàn vào DN tư nhân. Kinh doanh là rủi ro và đôi khi rủi ro ngay từ chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Những vụ án gây quan tâm lớn của toàn xã hội luôn được giới kinh doanh theo dõi rất kỹ bởi họ muốn xem ở VN, luật pháp thực thi ngoài đời là như thế nào, giữa luật ngoài đời và luật trên giấy có gì khác nhau hay không.
Có thể thấy kinh tế dân doanh ở VN thật dẻo dai, dù phải tồn tại trong sự chèn ép, họ vẫn cố gắng sinh tồn. “Chợ đen” một thời bao cấp là minh chứng rõ nét cho thấy mầm sống dân doanh thật dẻo dai, có thể tồn tại trong những hoàn cảnh cực kỳ bất lợi, kể cả trong chiến tranh và trong bối cảnh gần như bị đặt ngoài vòng pháp luật.
* Ông NGUYỄN KIM NGÂN (giám đốc Công ty Việt Hương): Nên có quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa DN bây giờ không dám làm lớn mà chuyển về dạng cơ sở vì nếu có biến động thì còn co cụm kịp. Nếu lên công ty lớn, không xoay xở được thì rất dễ chết. Cái chết của DN có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có những cái chết vì cơ chế, chính sách chưa rõ ràng. Xin lấy trường hợp của tôi, khi vài năm trước tôi quyết định mở rộng sản xuất gom hết vốn liếng, gia tài cộng đi vay mượn để mua một mảnh đất nông nghiệp rộng hơn 5.000m2, sau đó làm thủ tục chuyển lên đất sản xuất để xây dựng nhà xưởng. Tuy nhiên khi làm sổ đỏ mới biết quyền sử dụng đất nông nghiệp thì 50 năm, nhưng thành đất sản xuất thì cơ quan quản lý chỉ cấp 20 năm. Mảnh đất thành vô giá trị, đi thế chấp ngân hàng để nhập máy móc, thiết bị thì ngân hàng không cho. Tôi phải bỏ thêm 800 triệu đồng đóng phí trước bạ, cầm cuốn sổ lên ngân hàng thì họ cho biết chỉ được thế chấp bằng số tiền phí trước bạ. Nghe té ngửa luôn... Làm DN bây giờ động não ghê gớm lắm, nhưng nhiều lúc cũng nản... Hiện tôi phải cơ cấu, cân đối lại DN. Cần lắm chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN hoạt động, nhất là thời gian khởi nghiệp ban đầu. Tại sao DN Thái Lan tham gia thị trường xuất khẩu rất mạnh, nhưng DN vừa và nhỏ VN không làm nổi? Đi xem mấy hội chợ DN Thái Lan ở VN mới thấy chỉ toàn DN nhỏ, bán bánh mì kẹp cá, móc khóa mà cũng có thể từ Thái Lan bay sang tham gia thì chắc chắn họ được hỗ trợ. Vì vậy, theo tôi, nên có một quỹ hỗ trợ xuất khẩu dành cho DN vừa và nhỏ. * Ông LÊ HỒNG THẮNG (tổng giám đốc Công ty chế biến gỗ Đức Thành, TP.HCM): Doanh nghiệp dân doanh luôn trong tình trạng thiếu vốn Các DN vừa và nhỏ như chúng tôi rất ngại tình trạng DN nhà nước mở công ty con, cạnh tranh trực tiếp với DN dân doanh ở những lĩnh vực mà họ đang làm rất tốt. Vì DN nhà nước lâu nay được quá nhiều ưu đãi, những lợi thế mà khu vực DN dân doanh không có. Chúng tôi cần các DN nhà nước biết chia sẻ bớt lợi nhuận của mình để cứu DN nhỏ, biết ý thức về vai trò điều tiết thị trường, nhất là khi thị trường gặp biến động hoặc bị động về nguyên liệu. Tôi lấy ví dụ khi giá mủ cao su lên, các hộ cá thể, tư nhân không muốn khai thác gỗ cao su để bán. Nếu lúc này chỉ cần một số DN nhà nước trong ngành gỗ, vốn đang có rất nhiều thế mạnh về khai thác nguyên liệu, dành một lượng gỗ để cung ứng ra thị trường thay vì chỉ chăm chăm mang đi xuất khẩu, thì chúng tôi đã không bị mua nguyên liệu với giá cao ngất do nguồn cung eo hẹp. Nhà nước cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào ngành công nghiệp chế tạo, đặc biệt là cơ khí. Dù luôn ý thức cần phải đổi mới công nghệ, thiết bị nhưng DN dân doanh luôn trong tình trạng thiếu vốn, quy mô đầu tư nhỏ thì lấy đâu ra nhiều tiền để mua sắm máy móc thiết bị ngoại nhập giá cao? Nếu được Nhà nước quyết liệt thúc đẩy phát triển ngành cơ khí chế tạo, tăng tốc phát triển các nhóm thiết bị, phụ tùng hỗ trợ do trong nước sản xuất, tôi tin rằng DN tư nhân sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí đầu tư. * Ông LÝ THÀNH SINH (chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Minh Long Hưng, TP.HCM): Hãy chấm dứt xin - cho Bao nhiêu năm qua, từ địa phương cho đến trung ương đều đặt ra mục tiêu và nhìn vào chỉ tiêu thu hút DN FDI làm thước đo phát triển của địa phương mình. Tôi đề nghị cần thay đổi quan điểm này. Hãy đặt ra mục tiêu mỗi năm đã có bao nhiêu DN dân doanh được thành lập, có tốc độ tăng trưởng và phát triển ra sao. Đây mới cần được xem là thành tích phát triển của từng địa phương hay ngành hàng cụ thể nào đó. Đã đến lúc Chính phủ cần đưa ra một chính sách mới, mà trong đó mọi thành phần kinh tế đều có thể được hoạt động một cách công bằng và cạnh tranh công khai, bình đẳng. Đặc biệt, với Luật đầu tư sửa đổi đã được thông qua, việc cấp thiết ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn để luật được nhanh chóng đi vào cuộc sống. Thủ tục cấp phép đầu tư cần được cải tổ mạnh mẽ. Và chỉ được phép hiểu theo một nghĩa, chứ không phải mỗi nơi cơ quan chức năng có thể hiểu mỗi kiểu, nhằm chấm dứt thủ tục “xin - cho” vốn đã “trói” DN quá lâu trong đầy rẫy khó khăn. Riêng với hàng loạt cơ hội hội nhập sắp tới, để DN dân doanh có thể phát triển và cạnh tranh được, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ thiết thực hơn nữa về vốn. Vì có vốn DN không chỉ đầu tư máy móc, thiết bị để tạo ra sản phẩm có giá thành phù hợp, mà họ còn đầu tư vào lĩnh vực quản trị DN nhằm hoàn thiện bộ máy sản xuất của mình theo hướng hiệu quả nhất. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận