07/10/2018 14:35 GMT+7

Nuôi dạy con, nhà giàu cũng khó!

NGUYỄN VĂN CÔNG
NGUYỄN VĂN CÔNG

TTO - Nhiều bậc cha mẹ mong muốn kinh tế của gia đình ổn định để có điều kiện nuôi dạy con tốt hơn. Song, không ít nhà "có điều kiện" lại gặp khó khăn trong việc giáo dục con, nhất là chuyện giúp trẻ hiểu đúng giá trị đồng tiền.

Nuôi dạy con, nhà giàu cũng khó! - Ảnh 1.

Yêu thương con nhưng phải cương quyết trước những nhu cầu của con vì khả năng tiết chế của trẻ còn hạn chế, trẻ thường có tâm lý “được voi, đòi tiên

Trong một buổi thảo luận về kỹ năng làm cha mẹ tại Biên Hòa, Đồng Nai, khi trao đổi về chủ đề "Gia đình khá giả, giàu có hay nghèo khổ khó tuổi vị thành niên hơn?", thật ngạc nhiên khi trên 60% phụ huynh cho rằng điều kiện kinh tế khá giả, giàu có sẽ khó nuôi dạy trẻ hơn.

Thực tế, với những gia đình lao động có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ luôn phải vất vả đối mặt với mối lo cơm áo gạo tiền, dường như việc giáo dục con thái độ cảm thông, chia sẻ thuận lợi hơn vì con cái dễ cảm nhận được nỗi cực khổ của cha mẹ, thậm chí có trẻ còn phụ giúp, san sẻ việc nhà và tự giác trong học tập, cũng như các hoạt động cá nhân khác.

"Nước mắt nhà giàu"

Anh Hòa (giám đốc một công ty ở Khu công nghiệp Biên Hòa) chia sẻ nỗi khó nhọc trong việc nuôi dạy đứa con gái "rượu" ở tuổi 13 mà anh vốn rất hãnh diện vì những tháng ngày học tiểu học bé rất chăm ngoan, học giỏi. Từ khi điều kiện kinh tế gia đình anh khá lên, cũng là lúc con gái anh bước vào cấp II.

Con gái đi học có người đưa rước bằng ôtô; ăn uống có người giúp việc lo từ A - Z; học môn nào có gia sư đến giảng tận nhà.

Anh rất cưng con, nên chỉ cần con nhõng nhẽo một chút là anh cho con một ít tiền để con "giao lưu" với bạn bè. Tuy nhiên, chính anh nhận ra rằng nếu con cứ đòi hỏi mà được đáp ứng một cách vô điều kiện, sẽ khiến con trở nên sa đà.

Và rồi nỗi lo của anh thành sự thật khi con gái anh sa đà vào việc tụ tập nhóm bạn chơi bời, không chịu học hành.

Anh cứ ngỡ gia đình có chút của ăn của để sẽ có điều kiện nuôi dạy con tốt hơn, con cái vì thế cũng sẽ tiến bộ và trưởng thành hơn. Ai ngờ khoảng cách giữa cha mẹ với con cái được hình thành và ngày càng xa hơn.

Con gái anh chẳng buồn nói chuyện, tâm sự chia sẻ với cha mẹ như trước đây. Quan hệ cha - con giờ chỉ còn là mối quan hệ "xin - cho". Anh có trao đổi thì con trả lời cộc lốc: "Ba biết gì chuyện của tụi con, ba thiếu gì tiền mà phải băn khoăn".

Khi anh bị sốt li bì mấy ngày phải nhập viện mà cô con gái không một lời hỏi thăm anh mới thấy ngậm ngùi. Khi thấy con đến viện, anh khấp khởi mừng thầm, nhưng đã bị choáng ngay vì biết con bé đến chỉ với mục đích xin tiền của ba để đi phượt cùng nhóm bạn.

Con bé còn nói một cách dửng dưng: "Nếu ba nằm viện chưa có tiền mặt thì cứ chuyển tiền vào thẻ ATM cho con là được". Anh xót xa không biết mình đã sai ở đâu trong cách nuôi dạy con.

Lỗi không tại hoàn cảnh

Các bậc phụ huynh trong việc giáo dục con trẻ cố gắng đừng bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh. Thực ra nếu gia đình có điều kiện, cuộc sống khá giả sẽ là cơ sở kinh tế tốt nhất để tạo môi trường giáo dục trẻ một cách thuận lợi.

Tuy nhiên, để nuôi dạy con hiệu quả lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là phương pháp tác động từ phía phụ huynh.

Trách nhiệm, tình yêu thương và kỹ năng giáo dục, dạy dỗ con của cha mẹ là những yếu tố quan trọng, quyết định việc hình thành các phẩm chất và năng lực của trẻ.

Những bậc cha mẹ chu cấp tiền hay trang bị một cuộc sống "thừa mứa" về vật chất cho con có khi không nhận thấy rằng con mình rất thiếu thốn về tinh thần đúng nghĩa.

Trẻ thiếu những cử chỉ ân cần từ phía cha mẹ, thiếu những câu hỏi han, chia sẻ chân thành, những bữa cơm gia đình ấm áp, những buổi sinh hoạt thân mật giữa các thành viên trong nhà...

Khi cô đơn ngay trong chính mái ấm của mình, trẻ sẽ "quậy" tơi bời để gây chú ý. Nếu nhận được sự quan tâm của cha mẹ, trẻ sẽ thấy giá trị của mình. Như vậy, dù gia đình có hoàn cảnh ra sao, các bậc cha mẹ cũng cần tìm cách thấu hiểu những khoảng trống trong tâm hồn con và đồng hành với chúng để bù đắp, lấp đầy.

Cha mẹ nên tạo điều kiện cho con được lao động, khi trực tiếp làm những việc vừa sức, trẻ có cơ hội trải nghiệm để biết quý trọng thành quả lao động của người lớn.

Đồng thời, cho con cùng chứng kiến hoặc tham gia hạch toán việc thu chi hằng tháng của gia đình. Khi trẻ hiểu gánh nặng tài chính mà cha mẹ phải lo liệu, trẻ sẽ tự điều chỉnh, kiềm chế những đòi hỏi không phù hợp của bản thân.

Dù hoàn cảnh sống giàu hay nghèo, nếu cha mẹ biết dạy con giàu lòng yêu thương, kỹ năng biết quản lý đồng tiền, thì việc giáo dục các đức tính khác vẫn sẽ hiệu quả hơn. Dạy trẻ biết làm chủ những nhu cầu của bản thân, chỉ đáp ứng những mong ước chính đáng của con...

Dạy con kỹ năng sống, bố mẹ có bận cách mấy xin đừng bỏ qua

TTO - Yêu thương con chính là trang bị cho con những kỹ năng sống cần thiết để trẻ có thể xoay xở và ứng biến thích hợp với từng tình huống. Xin các bậc phụ huynh hãy nhớ rằng đây là việc làm rất quan trọng.

NGUYỄN VĂN CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp