Chuyện rắc rối của vợ chồng anh chị Thanh - Yến hàng xóm của tôi khiến việc phân xử cũng khó mà rõ ràng được. Đó là sự khác biệt về cách dạy con của anh và chị.
Anh Thanh thì mỗi lần dạy con là la mắng, đánh đập con khiến thằng bé luôn sợ ba. Còn chị Yến thì ngược lại, thằng bé có bỏ học chơi game online thì chị cũng đều đưa ra lý lẽ để bênh vực.
Chính sự khác biệt này khiến anh chị thường xuyên xảy ra mâu thuẫn và chính thằng bé cũng không biết ai đúng, ai sai.
Đủ phong cách
Phong cách tôn sùng, chiều chuộng và coi con là “báu vật”: các phụ huynh này hiếm khi dùng hình thức phạt con dù là nhẹ nhất vì có những kỳ vọng tương đối thấp về sự trưởng thành và tự chủ của con.
Mục tiêu là “được đến đâu hay đến đó”. Họ “đáp ứng nhiều hơn đòi hỏi, cho phép sự thỏa hiệp và tránh sự đối đầu”.
Phong cách dân chủ, tôn trọng và biết lắng nghe: kiểu nuôi con này xuất phát từ sự tôn trọng gần gũi hơn, đáp ứng các nhu cầu của trẻ và muốn lắng nghe câu hỏi của trẻ.
Khi trẻ không đạt được những mong muốn, phụ huynh coi trọng việc tìm hiểu nguyên nhân để cùng con khắc phục. Nguyên tắc của các bậc phụ huynh này là “dĩ hòa vi quý”. Hướng tới việc quan tâm, chăm sóc tốt hơn và tha thứ cho những thất bại của con hơn là trách phạt.
Các phụ huynh theo dõi và truyền đạt những tiêu chí rõ ràng cho cách ứng xử của trẻ. Họ quyết đoán nhưng phương pháp kỷ luật có tính nâng đỡ, thuyết phục chứ không nặng nề xử phạt.
Họ muốn con vừa quyết đoán vừa có trách nhiệm với xã hội, vừa tự chủ, vừa hợp tác khi sống trong nhóm hoặc cộng đồng.
Phong cách nghiêm ngặt, gia trưởng, chặt chẽ, cấm đoán không cần phải giải thích: trẻ luôn được kỳ vọng phải đạt được mục tiêu này, mục tiêu kia và bị bắt buộc tuân theo các nội quy chặt chẽ do phụ huynh đề ra, nếu không sẽ bị xử phạt ở các mức độ khác nhau.
Phụ huynh giáo dục theo phong cách độc đoán không muốn giải thích bất kỳ lý do nào của các quy định. Các cha mẹ này hướng về sự chỉ huy, mệnh lệnh.
Phong cách thờ ơ, dửng dưng, hời hợt với con: phụ huynh có xu hướng chỉ đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con, họ thường tách rời khỏi cuộc sống trẻ, buông trẻ để chúng tự phát triển hoặc khoán trắng cho quá trình giáo dục của nhà trường.
Phong cách tùy hứng: có không ít bậc cha mẹ trong giáo dục con lúc thì quá nghiêm khắc, lúc thì dân chủ, lúc khác thì quá chiều con, nhưng cũng có lúc lại quá thờ ơ, vô tâm với con.
Không có cách nào là vạn năng
Phong cách nuôi dạy dân chủ, tôn trọng có khuynh hướng làm trẻ hạnh phúc, có khả năng và thành công trong cuộc sống. Nhưng không phải tuổi nào, tình huống nào cũng vận dụng. Trẻ nhỏ nhiều khi chưa cần hiểu nhưng vẫn phải thực hiện các quy định nên đành bắt buộc, áp đặt.
Phong cách nuôi dạy con gia trưởng, độc đoán thường áp đặt, ép buộc, tạo ra những đứa trẻ vâng lời và thành đạt về sau, nhưng do trẻ luôn thấy ấm ức nên bị xếp hạng thấp hơn về năng lực hòa nhập xã hội và tự tin khi trưởng thành.
Phong cách nuôi dạy chiều chuộng, đặt trẻ là trung tâm, là cái rốn của vũ trụ thường tạo ra những đứa trẻ khó cảm nhận về hạnh phúc và tự kiểm soát nhưng không hòa nhập tốt trong nhóm.
Phong cách nuôi dạy trẻ buông thả, thờ ơ khiến trẻ khó đạt được mục tiêu trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Các trẻ này nếu cha mẹ quá dửng dưng, vô tâm thì có khuynh hướng thiếu tự chủ, kém tự tin và ít có kỹ năng sống hơn các bạn cùng tuổi. Nhưng nếu cha mẹ biết “buông” đúng cách trẻ lại tự rèn cho mình khả năng thích ứng.
Phong cách nuôi dạy tùy hứng thường khiến trẻ thiếu nhất quán, khó hòa nhập vào xã hội, tự ti và mặc cảm vì kỹ năng hạn chế của bản thân.
Tùy hoàn cảnh gia đình, tùy vào đặc điểm tâm lý, tính cách nổi bật của trẻ để chọn phong cách giáo dục cho hợp lý. Dĩ nhiên, các phong cách nuôi con của từng phụ huynh cũng nên có sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình. Tránh tình trạng thiếu sự hoạch định, thiếu những quan điểm rõ ràng, làm theo cảm tính, theo kinh nghiệm chủ quan tùy hứng trong việc dạy con. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận