Hai mẹ con chị Nghĩa và Yến đang đan giỏ cọng dừa để bán. Tiền công mỗi chiếc giỏ như thế chỉ được 1.000 đồng - Ảnh: Mậu Trường
"Cứ mỗi lần mưa gió, căn nhà lá của anh chị lại run lên bần bật. Mới đây, nó đã sập trong một trận mưa giông, cả gia đình họ chính thức sống cảnh màn trời chiều đất. Tội nghiệp hai đứa nhỏ, không biết cha mẹ nó còn lo nổi cho tụi nó đến trường hay khống!...".
Đọc được những dòng tâm sự này của một bạn đọc gửi đến báo Tuổi Trẻ, chúng tôi đã lên đường tìm đến nhà hai em Nguyễn Thị Xuân Yến (lớp 8) và em trai là Nguyễn Trần Hải Âu (lớp 6) đang theo học tại Trường THCS Phước Long, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
Khó khăn chồng chất
Sau khoảng 10 phút dẫn chúng tôi men theo những vườn dừa, cầu hẹp - em Xuân Yến chỉ tay về một bãi đất trống nói: "Nhà con ở kia".
Mọi sinh hoạt cả gia đình chỉ vỏn vẹn trong căn lều lợp tạm nhỏ xíu - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Nói là nhà nhưng thực ra chỉ là là một túp lều được lợp tạm bằng những tấm bạt cũ kỹ và những mái lá tận dụng từ ngôi nhà cũ bị sập cách đây nửa năm.
"Nhà cũ bị sập nên vợ chồng tôi gác tạm cây kèo từ cây mít qua cây dừa để che nắng che mưa. Mấy đứa nhỏ thì gửi qua nhà bà con ở tạm", chị Trần Thị Nghĩa, 42 tuổi - mẹ hai em Yến, Âu nói.
Tiền công mỗi chiếc giỏ như thế chỉ được 1.000 đồng - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Cưới nhau hơn 15 năm, đó cũng là chuỗi ngày cơ cực của hai vợ chồng. Hồi mới cưới, còn ở bên nhà nội, hai vợ chị Nghĩa và anh Nguyễn Văn Thời, 44 tuổi suốt ngày sống trên sông để làm nghề đặt lợp bắt cá đổi gạo và các nhu yếu phẩm sống qua ngày.
"Nhưng rồi khi 2 đứa con lớn, đến tuổi đi học rồi mà đò giang cách trở, không tiện đưa con đến trường nên vợ chồng tôi khăn gói chuyển qua quê ngoại ở cho đến bây giờ. Mình nghèo tiền nghèo bạc chứ nhất quyết không để cho con nghèo chữ được", chị Nghĩa nói
Tiền công mỗi chiếc giỏ như thế chỉ được 1.000 đồng - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Được ngoại chia cho 2 bờ dừa, hai vợ chồng ki cóp cất được mái nhà lá sống tạm rồi hàng ngày chồng đi vác gạch mướn, vợ nhận giỏ cọng đừa về gia công để kiếm tiền nuôi 2 con ăn học.
Số tiền công khoảng 150.000 đồng một ngày từ cộng việc vác gạch và vài chục ngàn từ những đêm thức trắng đon giỏ cọng dừa chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Những lúc anh ốm đau không đi làm được, cả nhà lại lo ngay ngáy vì không biết phải vay mượn đâu để trang trải cuộc sống.
Có lần anh Thời bị tai nạn lao động, mình mẩy trầy xước do bị té trong lúc vác gạch nhưng khi vết thương vừa khô lại lao vào công việc.
Khó khăn là thế nhưng khi nghe hai đứa con nhắc đến chuyện nghỉ học để phụ giúp gia đình, hai vợ chồng chị lại la toáng lên rồi cả nhà ứa nước mắt nhìn nhau. "Vì mình có cố gắng cũng không biết trụ được bao lâu", chị Nghĩa thở dài nói.
Dù bươn chải đủ thứ nghề nhưng cái nghèo vẫn đeo bám vợ chồng anh chị. Cách đây nửa năm, trong một lần mưa gió, căn nhà duy nhất của hai vợ chồng anh gầy dựng bao nhiêu năm đổ sập. Cả nhà, bốn con người đành cất tạm căn lều kế bên nền nhà đổ nát để ở. Hai đứa con ngày ở với ba mẹ, đêm về nhà ngoại ngủ vì sợ nhà sập.
"Thấy hoàn cảnh vợ chồng nó quá bi đát, hàng xóm mỗi người một tay phụ ít tiền để làm cái móng nhà. Sau này vay mượn thêm đặng cất cái nhà tường tàm tạm để ở mà lo cho con ăn học", ông Hà Văn Út - trưởng ấp Long Điền, xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre nói.
Ông Út cho biết nhà chị Nghĩa, anh Thời là hộ khó khăn trong ấp. Tuy nhiên, điểm sáng là hai vợ chồng chịu khó làm lụng để lo cho tương lai của con nên chính quyền địa phương cũng luôn đồng hành, chung tay.
Thấy cha mẹ cực khổ, hai chị em Nguyễn Thị Xuân Yến (lớp 8) và em trai là Nguyễn Trần Hải Âu (lớp 6) Trường THCS Phước Long, huyện Giồng Trôm, cũng tập kiếm tiền từ rất sớm.
Hàng ngày, Xuân Yến kè kè cuốn tập bên mình. Trong khi cùng mẹ đan giỏ cọng dừa, thi thoảng em lại liếc qua cuốn tập để cạnh bên nhẩm nhẩm đọc rồi lại đan tiếp.
Chị Nghĩa cho biết cả hai chị em Yến, Âu đều rất ham học. Đặc biệt là Yến, đạt học sinh giỏi liên tục 8 năm.
Năm vừa qua, Yến thi văn hay chữ tốt và đạt giải khuyến khích. Chỉ nhiêu đó thôi, căn lều lợp tạm giữa vườn dừa của gia đình nhỏ cũng bừng sáng, rổn rảng tiếng cười đùa, tiếng khích lệ.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Diễm - giáo viên chủ nhiệm lớp 8.1 trường Trường THCS Phước Long, huyện Giồng Trôm, cho biết Nguyễn Thị Xuân Yến là lớp phó học tập và là gương sáng trong các phong trào thi đua của lớp.
"Ở trường, cũng biết gia đình em khó khăn nhưng góc độ nhà trường chỉ thỉnh thoảng giúp em được vài cuốn tập, cây viết thế thôi", cô Diễm nói.
Người ngoài nhìn vào gia cảnh của em Yến, Âu ái ngại cho con đường học tập của các em không phải không có căn cứ. Tuy nhiên, phải tận mắt thấy nỗ lực của vợ chồng chị Nghĩa, anh Thời mới biết được, khi nào họ còn ở bên các con thì chúng tôi tin chắc chăn một điều, họ sẽ không để cho con mình phải nghỉ học.
100 suất học bổng Đèn đom đóm
Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng Đèn đom đóm trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức.
Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.
Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận