Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM có đề xuất với UBND TP.HCM xây dựng quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo. Với quy định này, người dân phải đăng ký và kê khai việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã 2 lần/năm...
Với các cư dân sinh sống theo loại hình nhà chung cư, quy định trên sẽ tăng tính hiệu quả trong việc quản lý chó, mèo vốn được rất nhiều cư dân tâm tư.
Chó vẫn “lượn lờ” khắp các khuôn viên chung cư
Chung cư Mỹ Đức (quận Bình Thạnh) là một trong những nơi không cấm chủ hộ nuôi thú cưng. Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online ngày 23-3 khuôn viên chung cư có nhiều người dân đưa chó, mèo cùng đi bộ, thể dục vào lúc sáng sớm và xế chiều.
Có những chủ nuôi đeo dây, kiểm soát chó, rọ mõm vật nuôi nhưng cũng có những người mặc nhiên thả rông. Trong khi khu vực các vòng đu quay vui chơi trẻ em cũng nằm trong khuôn viên.
Nhiều phụ huynh đưa con xuống phải ngồi quan sát thật kỹ và phải xua đuổi chó đi nơi khác khi chó chạy gần trẻ.
Hay khoảng vỉa hè trước chung cư The Manor (quận Bình Thạnh) sáng 23-3 cũng là nơi người dân dắt chó đi dạo.
Đấy là những chung cư cao tầng, hiện đại. Còn ở các chung cư cũ, việc quản lý chó, mèo là câu chuyện “trần ai”. Dạo vòng quanh chung cư cấp D Vĩnh Hội (phường 6, quận 4) có thể thấy rất nhiều hộ dân tầng trệt nuôi chó, mèo.
Block chung cư phía con hẻm đường Nguyễn Hữu Hào với diện tích mỗi căn hộ nhỏ hẹp, xuống cấp, đường đi chỉ đủ 2 xe máy chạy vào nhưng cách 3-4 căn lại có nhà nuôi chó, có hộ nuôi đến 3-4 con trong diện tích nhà nhỏ bé. Có hộ nuôi nhưng để chó thả rông, thải phân ngay trước khuôn viên vỉa hè.
Có quy định, nâng cao thêm trách nhiệm lẫn ý thức của chủ nuôi
Bà Ngọc Hòa (cư dân chung cư Mỹ Đức, quận Bình Thạnh) cho rằng việc nuôi chó mèo, thú cưng là quyền cá nhân của mỗi người, nhưng ở chung cư nên nâng cao ý thức hơn để không ảnh hưởng đến cư dân xung quanh.
Các căn hộ ở chung cư san sát nhau, ở các khu vực sử dụng chung như hành lang, thang máy, thang bộ thường khép kín và ít thoáng khí trời. Đôi khi chỉ cần một hộ nuôi thú cưng mà không đảm bảo vệ sinh, cả tầng chịu ảnh hưởng.
“Có những hộ nuôi thú cưng rất ý thức nhưng cũng có những người thường dẫn chó, mèo đi dạo dưới khuôn viên chung cư mà không rọ mõm. Mình dẫn con cái xuống chơi cũng sợ mà né xa vì rất sợ bị tấn công bất chợt hoặc nhiều động vật không được tiêm chủng cũng rất dễ lây nhiễm sán”, bà Hòa tâm tình.
Theo bà Hòa, từ việc yêu cầu đảm bảo vệ sinh, an toàn sức khỏe cho cư dân, việc gắn chip cho chó, mèo và đăng ký ở cơ quan chức năng phường, xã là hợp lý và đúng đắn. Việc này sẽ giúp chủ nuôi và cả địa phương quản lý vật nuôi dễ dàng như việc tiêm ngừa, theo dõi lịch sử bệnh lý…
Còn ông Ngô Việt Anh (chung cư Chương Dương Home, TP Thủ Đức) cho biết ở chung cư của ông không quy định khó khăn trong việc nuôi thú cưng và cư dân nơi đây cũng ít người nuôi nên chưa thấy phiền hà trong vấn đề này. Nhưng ở một số chung cư người thân ở, việc nuôi chó, mèo gây nên rất nhiều tranh cãi, chủ yếu do ý thức của chủ nhà trong việc quản lý vật nuôi.
Quy định giúp đội ngũ quản lý giải quyết trăn trở cấm hay không cấm
Bà Ngọc Khánh, đại diện ban quản trị một chung cư trên địa bàn quận 12, cho rằng bà rất thuận lòng với chủ trương quy định quản lý chó, mèo. Như gia đình bà, trước đây từng nuôi chó, nhưng vì căn hộ không quá rộng, nhà cũng không thể mở cửa suốt nên lông chó rụng bay quanh quẩn trong nhà.
Chưa kể, bà càng lo lắng hơn khi có thành viên trong gia đình bị sán chó, gia đình phải quyết định gửi vật nuôi về quê.
Theo bà Khánh, việc nuôi chó, mèo không phải hành vi bị nghiêm cấm nhưng thực tế vẫn có một số chung cư với sự đồng thuận của cộng đồng cư dân vẫn không cho phép nuôi. Việc này gây tranh cãi nhiều năm qua và bản thân ban quản trị cũng khó xử khi “cấm cũng không được mà không cấm cũng không yên”.
“Không phải hiển nhiên mà nhiều chung cư họ cấm luôn cả việc nuôi thú cưng. Bởi ở chung cư, lối sống của một hộ sẽ tác động đến cả tập thể chung. Việc quy định đăng ký khi muốn nuôi chó, mèo là cần thiết, nếu gắn thêm chip theo dõi thì càng tốt vì không phải chủ nuôi nào cũng thường xuyên tiêm ngừa hay nắm rõ dịch tễ của vật nuôi. Đặc biệt khi gần đây các ổ dịch dại xuất hiện ngày một nhiều hơn”, bà Khánh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận