Dù được tòa án Pháp xử thắng nhưng tại Việt Nam, Huyền bị biến thành kẻ quấy rầy khi tìm đến nhà ông Ste’phane Azais tại Q.2 (TP.HCM) để tìm con - Ảnh: H.Điệp |
Do Huyền cung cấp đầy đủ bằng chứng về việc mình yêu thương con và đầy đủ điều kiện để chăm sóc con, nhưng vẫn bị bạn trai tước đoạt đứa bé khỏi tay, tòa án thẩm quyền rộng Albi tuyên buộc ông Ste’phane Azais, 42 tuổi (bạn trai cũ của Huyền), phải trao trả đứa bé cho mẹ.
Tòa án Pháp đã mang lại công bằng cho tôi trên nước Pháp. Nếu ông Azais còn ở Pháp thì ông phải ngay lập tức trao trả con cho tôi. Còn nếu ông không thi hành bản án, ông sẽ bị khởi tố và đi tù về tội đó của mình |
Nguyễn Thị Thanh Huyền |
Sự công bằng trên đất Pháp
Mặc dù đưa đứa trẻ về Pháp và không tiết lộ bất cứ thông tin nào về nơi sinh sống của nó, “nhưng ông Azais sẽ không bao giờ có thể ngờ rằng có một ngày trên quê hương Pháp của ông, tòa án buộc ông phải giao đứa trẻ cho tôi, mẹ ruột của bé” - Huyền nói.
Trong bản án dân sự, hôn nhân và gia đình do tòa thẩm quyền rộng Albi ban hành đã ghi nhận lại toàn bộ quá trình mâu thuẫn dẫn tới việc phải ra tòa của Huyền và ông Azais.
Theo đó, tòa án xác nhận Nguyễn Thị Thanh Huyền và Ste’phane Azais là cha mẹ của Sharah Thiên Kim (sinh tháng 8-2014), đến ngày 29-11-2014 thì Thiên Kim được cha mang đi khỏi nơi em sinh sống với mẹ.
Cũng kể từ ngày đứa bé bị tước khỏi tay mẹ, Huyền chỉ được gặp con gái rất ít lần trong vài giờ. Sau đó ông Azais mang bé Thiên Kim về Pháp.
Sau khi mang bé Thiên Kim về Pháp, ông Azais đã không thể tự tay chăm sóc và yêu thương con mình mà để em bé sinh sống cùng bà nội (mẹ ruột ông Azais tại thành phố Albi).
Bản án cũng xác định ông Azais thường xuyên để em bé cho mẹ mình, có thời gian lâu nhất là hàng nửa tháng không hề chăm sóc em. Mọi việc nuôi nấng đều do một tay bà nội đã lớn tuổi chăm sóc.
Trong đơn khởi kiện, Huyền yêu cầu tòa tuyên cho Huyền quyền được nuôi con, được giữ hộ chiếu của con. Ông Azais sẽ chịu mọi chi phí về học hành cho bé.
Tại tòa, Huyền đưa ra các bằng chứng khẳng định Huyền đã nuôi dưỡng, chăm sóc con kể từ khi mới sinh ra cho đến khi đứa bé được mang ra khỏi vòng tay của mẹ và bị tước đoạt trái phép. Cô đã dùng nhiều cách để có thể được gặp con. Và mong muốn của Huyền là được trực tiếp chăm sóc đứa bé.
Để chứng minh mình có thể nuôi con, Huyền đưa ra bằng chứng về công việc, chỗ ở và những người họ hàng có thể hỗ trợ Huyền trong việc chăm sóc đứa bé. Trong khi đó, tòa án xem các bằng chứng trong thời gian ông này đưa bé về Pháp nhưng ông lại ở lại Việt Nam quá nửa thời gian và giao bé cho bà nội.
Do đó, bản án của tòa đã quyết định: “Ông Azais phải giao lại con cho bà mẹ này ngay lập tức, và bà Nguyễn (Thị Thanh Huyền) trở về nước cùng với Sharah Thiên Kim. Ông Azais cũng phải giao lại hộ chiếu của con cho Huyền”.
Mang con về Việt Nam
Ngày 23-6-2016 bản án của tòa án Pháp được ban hành thì trước đó vài ngày, ông Azais đã đi trước cô một bước: mang bé về Việt Nam và có thông báo cho Huyền.
“Lúc ấy tôi đã hết hạn visa ở Pháp nên phải về trước khi bản án được tuyên. Trong tháng 7, tôi nhận được thư của cha bé Thiên Kim thông báo cho biết ông đã mang bé về Việt Nam sinh sống. Thông báo kèm theo địa chỉ nơi bé Thiên Kim sẽ ở là địa chỉ công ty của ông trên đường Xuân Thủy, quận 2, TP.HCM”.
Nhận được thư thông báo tôi mừng quá, nghĩ bé về Việt Nam rồi thì mình ở Việt Nam gặp và chăm con. Nhưng, mong muốn của Huyền không đơn giản như cô nghĩ.
Hóa ra bản án của Pháp có hiệu lực ngay lập tức trên đất nước Pháp, nhưng lại không có hiệu lực ngay lập tức trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó, Thiên Kim được đưa về Việt Nam và theo thông báo của cơ quan chức năng thì đến nay, bé vẫn chưa được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Tuy nhiên, chưa kịp mừng vui thì cô tiếp tục không được gặp con.
“Tôi đã liên tục gọi điện thoại, gửi email và trực tiếp đến địa chỉ thông báo nơi bé Thiên Kim sinh sống, nhưng không nhận được hồi đáp. Tới địa chỉ thì cửa luôn khóa, có người trong công ty đi ra nhưng không ai trả lời tôi. Khắp tường nhà lắp camera quan sát nhưng không có bất kể người nào phản hồi.
Thậm chí có lần tôi đi theo để hỏi một người từ trong căn nhà ra ngoài uống cà phê, tôi đã bị cô ấy hắt nguyên ly nước vào mặt” - Huyền kể.
Bản án chưa được công nhận tại Việt Nam
Khi không nhận được sự hợp tác từ cha ruột của con gái, Huyền đưa bản án đến TAND tại Việt Nam để yêu cầu được công nhận. Nhưng những ngày tháng rong ruổi trên đất nước Pháp để kiện đòi quyền được nuôi con gái ruột khiến cho số vốn cô dành dụm được đã vơi đi.
Dù không được gặp bé, nhưng Huyền vẫn nhờ bạn bè, thậm chí cả cộng đồng Facebook tìm kiếm thông tin về em bé. Và dựa vào thư thông báo của ông Azais mà Huyền vẫn đến địa chỉ trên đường Xuân Thủy để mong được gặp bé.
Tuy chưa bao giờ có được một kết quả hay một tín hiệu nào tốt, nhưng Huyền nói rằng mình vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội để được nhìn thấy bé.
Huyền cũng hỏi han một số người dân sống xung quanh, người bán hàng... về thông tin em bé. Nhưng trái với kỳ vọng của cô, không ai nhìn thấy em bé xuất hiện ở khu vực này.
“Bé đến tuổi đi học tập và làm quen với thế giới rồi, nhưng tôi thực sự không biết bé được chăm sóc như thế nào. Có lần đến đây tìm con tôi còn bị lực lượng chức năng đến mời đi bởi có người báo với họ là tôi quấy rầy.
Thực sự đến giờ tôi cũng không biết bé Thiên Kim đang ở đâu. Làm mẹ thì còn điều gì đau khổ hơn?” - Huyền đặt câu hỏi.
Hỏi về hạnh phúc riêng tư, Huyền nói rằng giờ cô phải lo đưa được bé Thiên Kim về với mình đã, rồi mới tính đến những chuyện khác. Chưa đưa được bé về thì chưa đưa ra được các kế hoạch khác vì việc ưu tiên cho bé là hàng đầu.
Huyền cho biết cô đã làm mọi cách để có thể yêu cầu pháp luật can thiệp vào vụ việc, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả gì. Đã nhiều tháng trời, cô chờ bản án được công nhận ở Việt Nam để yêu cầu ông Azais trao trả đứa bé theo phán quyết của tòa án Pháp. “Luật pháp của nước Pháp đã bảo vệ quyền làm mẹ của tôi và quyền được mẹ chăm sóc của Sharah Thiên Kim, nhưng điều này tôi vẫn chưa được bảo vệ ở Việt Nam. Một đứa trẻ 3 tháng tuổi bị tước đi khỏi tay mẹ, không được bú sữa mẹ, không được mẹ chăm sóc, nuôi nấng là tội ác đối với trẻ em chứ không phải là câu chuyện pháp luật quy định thế nào. Đến nay tôi cũng không biết con mình ở đâu, những ai làm mẹ có thể hiểu nỗi thương nhớ con của tôi” - chị Thanh Huyền nói. |
Xem các kỳ trước: >> >> |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận