02/04/2009 07:53 GMT+7

Nước uống đóng chai nhiễm vi sinh: Kiểm đến đâu, rầu đến đấy

T.DƯƠNG - V.HƯƠNG - TR.CƯỜNG
T.DƯƠNG - V.HƯƠNG - TR.CƯỜNG

TT - Ngày 1-4, thêm bốn cơ sở sản xuất nước đóng bình nhiễm vi sinh, nâng tổng số cơ sở sản xuất nước nhiễm vi sinh đã bị đình chỉ tại TP.HCM lên 15 cơ sở. Chưa ai có thể khẳng định số cơ sở sản xuất nước uống đóng bình, đóng chai bị nhiễm vi sinh đã dừng lại con số này vì thanh tra Sở Y tế TP.HCM đang tiếp tục thanh tra các cơ sở sản xuất nước uống khác.

Nhiều người sử dụng nước đóng bình, đóng chai đang băn khoăn chưa biết chất lượng nước mà mình đang sử dụng có vấn đề gì không?

mJpVyVFn.jpgPhóng to
Hiện trường cơ sở sản xuất nước uống đóng chai của Công ty CP Nam Thăng Long (Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) bị thanh tra ngày 17-3 (ảnh nhỏ) - Ảnh: G.Hải

Đình chỉ thêm một cơ sở nước đóng bình3 mẫu nước đóng chai nhiễm vi trùngThêm 2 cơ sở nước uống đóng chai bị đình chỉThêm 4 cơ sở nước uống đóng chai bị đình chỉSẽ chuyển hồ sơ một cơ sở nước tinh khiết cho công anHà Nội: tạm đình chỉ 9 cơ sở nước tinh khiết

Bán nước kèm giấy chứng nhận

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ trong ngày 1-4, người sử dụng nước tại nhiều công ty, xí nghiệp trên địa bàn TP.HCM khá lo lắng trước thông tin nước uống đóng bình, đóng chai của một số cơ sở sản xuất bị nhiễm vi sinh.

Anh Minh - cán bộ Công ty may Đ (Q.Tân Bình) - cho biết: “Cơ quan tôi sử dụng nước bình loại 20 lít, giá 12.000 đồng/bình. Nhãn hiệu do một cơ sở nhỏ sản xuất. Mấy ngày qua chúng tôi rất lo lắng. Chúng tôi đã đề xuất lãnh đạo công ty tìm nhãn hiệu có uy tín trên thị trường để thay thế nhưng vẫn chưa được duyệt”. Còn chị H., nhân viên một công ty tại Q.Phú Nhuận, nói từ lâu công ty chị sử dụng nhãn hiệu nước có uy tín giá 15.000 đồng/bình, nhưng với hàng loạt cơ sở sản xuất nước bị nhiễm vi sinh như vừa qua đã khiến nhiều người băn khoăn.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, phụ trách căngtin Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM, cho biết sau thông tin về nhiều loại nước đóng chai bị nhiễm vi sinh, dù những ngày gần đây trời nóng nực nhưng lượng nước đóng chai tiêu thụ tại căngtin bệnh viện giảm hẳn. Trước đây trung bình mỗi ngày căngtin bán khoảng 30 thùng nước, nay chỉ còn 22-23 thùng. Theo ông Hiệp, căngtin Bệnh viện Nhi Đồng 2 hiện đang bán hai nhãn hiệu nước có uy tín trên thị trường, nên ông cho rằng chất lượng hai loại nước này sẽ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Các công ty cho hay lâu nay mua nước đóng bình của các cơ sở nhưng không yêu cầu cơ sở cung cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Gần đây khi có thông tin về nước uống đóng bình, đóng chai nhiễm vi sinh, nhiều đơn vị sản xuất, cung cấp nước uống khi giao hàng đã...kèm theo giấy chứng nhận này để làm bằng chứng. Nhưng thực tế vừa qua cho thấy một số cơ sở có giấy chứng nhận đến khi bị thanh tra vẫn không đạt chất lượng.

Theo ông Vũ Văn Hòa - trưởng Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (Hepza), hiện các doanh nghiệp trong các khu chế xuất - khu công nghiệp có hợp đồng với các đơn vị có chức năng cung cấp nước đóng bình cho cán bộ, công nhân sử dụng. Hepza chưa có cơ chế kiểm soát chất lượng nước đóng bình được đưa vào các khu chế xuất - khu công nghiệp. Tuy nhiên sau khi báo chí thông tin về các mẫu nước đóng bình của một số cơ sở sản xuất bị nhiễm vi sinh, Hepza đã khuyến cáo các doanh nghiệp lưu ý chất lượng nước, kiểm tra giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của đơn vị cung cấp nước để bảo đảm sức khỏe cho người sử dụng.

P4o3afBW.jpgPhóng to
Cơ sở nước uống đóng chai OKIA tại 565/19 Bình Thới, P.10, Q.11, TP.HCM có mẫu nước bị nhiễm vi sinh vừa được Sở Y tế TP công bố chiều 1-4 - Ảnh: N.C.T.

Tự ý tháo gỡ niêm phong

Ngày 1-4, thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết sau khi Tuổi Trẻ đăng bài “Nước uống đóng chai nhiễm vi sinh: Đình chỉ, vẫn bán!” (ngày 29-3), hôm sau thanh tra sở đã đi phúc tra lại những cơ sở này. Tuy nhiên, khi đoàn thanh tra đến thì các cơ sở này đều đã ngưng hoạt động. Riêng đại diện Công ty TNHH sản xuất thương mại Trân Thuận Mỹ (499 Bà Hạt, P.8, Q.10) nói với đoàn thanh tra, sau khi báo đăng một số người dân đã mua loại nước đóng bình có nhiễm vi sinh đến trả lại cho cơ sở.

Riêng Công ty Kê Ba (195/44 Lê Văn Quới, Q.Bình Tân) có nhãn hiệu nước E-Ba đã tự ý tháo bỏ niêm phong trên những bình nước mà đoàn thanh tra sở niêm phong trước đó, dù đã được thông báo một lô nước này nhiễm vi sinh. Thanh tra sở đã tiến hành lập biên bản và sẽ chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra.

Tối cùng ngày, sau khi Sở Y tế đình chỉ năm cơ sở sản xuất nước đóng bình có mẫu nước nhiễm vi sinh trên, chúng tôi đã gọi điện đến ba cơ sở này và được biết hai cơ sở (Công ty TNHH một thành viên SXTM Đại Minh Hoàng, địa chỉ R1A, Ba Vì, P.15, Q.10 và cơ sở OKIA, địa chỉ 565/19 Bình Thới, P.10, Q.11) đã ngừng hoạt động, ngừng bán các loại nước. Riêng một cơ sở khác (Công ty TNHH sản xuất thương mại Suối Xanh, địa chỉ 203 Chấn Hưng, P.6, Q.Tân Bình) không bán loại nước nhiễm vi sinh nhưng vẫn bán những loại nước đóng bình khác không bị nhiễm vi sinh.

iNWbxIV1.jpgPhóng to
Nước uống đóng chai nhãn hiệu Blue của DNTN Vân Tài (P.12, Q.6, TP.HCM) vừa bị đình chỉ hoạt động - Ảnh: N.C.T.

Thêm 5 mẫu nước nhiễm vi sinh

Ngày 1-4, thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết có thêm năm mẫu nước không đạt tiêu chuẩn vi sinh:

* Nhãn hiệu Apur Fresh, loại 21 lít, lô sản xuất ngày 12-3-2009, hạn sử dụng 12-3-2010 của Công ty TNHH Siêu Việt (583 Ba Tháng Hai, P.8, Q.10).

* Nhãn hiệu Absopure, loại 21 lít, lô sản xuất ngày 18-3-2009, hạn sử dụng 1 năm của Công ty TNHH sản xuất thương mại Suối Xanh (203 Chấn Hưng, P.6, Q.Tân Bình).

* Nhãn hiệu Polo, loại 21 lít, lô sản xuất ngày 17-3-2009 của Công ty TNHH một thành viên sản xuất thương mại Đại Minh Hoàng (R1A Ba Vì, P.15, Q.10).

* Nhãn hiệu OKIA, loại 21 lít, ngày sản xuất 16-3-2009 của hộ kinh doanh OKIA (565/19 Bình Thới, P.10, Q.11).

* Riêng Công ty TNHH sản xuất thương mại Đông Xuân (372/31/25 khu phố 3, P. Tân Thới Hiệp, Q.12) với nhãn hiệu Dowaco từng bị đình chỉ vì có mẫu nước nhiễm vi sinh nay tiếp tục bị đình chỉ vì có thêm mẫu nước loại 21 lít, lô sản xuất ngày 7-3-2009 bị nhiễm vi sinh.

Như vậy, tính đến nay đã có 15 cơ sở nhiễm vi sinh bị đình chỉ hoạt động trong tổng số 32 cơ sở bị đình chỉ. Thanh tra Sở cũng cho biết đến nay có ba cơ sở được hoạt động trở lại do chấn chỉnh được các điều kiện vệ sinh và mẫu xét nghiệm kiểm nghiệm đạt là: cơ sở Thuận Huy (đường Trần Khắc Chân, P.Tân Định, Q.1) nhãn hiệu nước Aguavida, cơ sở Sài Gòn Bến Thành nhãn hiệu nước Sài Gòn Tourist (7B/12 Trần Thái Tông, Q.Tân Bình) và cơ sở Hải Cường (107B/4, Lê Văn Thọ, Q.Gò Vấp).

Hà Nội: đình chỉ, vẫn “vô tư” bán

Chiều 1-4, một ngày sau khi Sở Y tế Hà Nội công bố danh sách chín cơ sở sản xuất nước tinh khiết vi phạm quy định chất lượng bị tạm đình chỉ sản xuất, chúng tôi đã quay lại cơ sở sản xuất mang tên 24 Quốc Tế ở Từ Liêm, Hà Nội - một trong những cơ sở bị tạm đình chỉ sản xuất, chờ Sở Y tế kiểm nghiệm lại sản phẩm. Ngay cửa ra vào, hàng chục vỏ bình nước được xếp cạnh máy lọc nước cỡ lớn đang chạy rì rì. Một bình nước nối luôn với vòi chảy từ máy lọc. Một người đàn ông tại đây cho biết giá nước mua tại cơ sở là 8.000 đồng/bình (chảy trực tiếp từ vòi), còn mang đến tận nhà cũng chỉ 12.000 đồng/bình.

Tại một cửa hàng kinh doanh gas và nước tinh khiết trên phố Vũ Hữu, sản phẩm của cơ sở kể trên cũng đang được bày bán khá nhiều. Chủ cửa hàng này cho biết giá nước đưa tới nhà (những địa chỉ gần cửa hàng) là 15.000 đồng/bình. Thấy chúng tôi săm soi xem hạn sử dụng của sản phẩm, chủ hàng nói: “Yên tâm, sản phẩm chất lượng, mỗi ngày chúng tôi bán 50-60 bình”. Tuy nhiên, khi chúng tôi nói cơ sở này có một lô hàng mới sản xuất không đạt tiêu chuẩn chất lượng, đang bị tạm đình chỉ sản xuất chờ kiểm tra lại, chị này lại nói là lô nước này không cùng lô bị đình chỉ!

Cơ sở sản xuất nước tinh khiết nhãn hiệu Aqua Bigsea - thuộc Công ty TNHH Gia Bình, số 24 đường K3, tổ 11, thị trấn Cầu Diễn - chủ yếu đóng chai nước tinh khiết loại 1,5 lít. Đại diện cơ sở nói sản phẩm của mình phục vụ cả trong khu vực bệnh viện. Các vỏ chai đã qua sử dụng mang về được phân loại, súc rửa và tái đóng nước theo đúng quy định về số lần cho phép. Chị này cũng khẳng định vỏ chai nước mang về từ các khu vực bệnh viện sẽ được phân loại để xử lý bằng loại hóa chất riêng trước khi tái sử dụng.

Tình trạng vệ sinh sản phẩm “có vấn đề” còn xuất hiện cả ở các cơ sở có dây chuyền sản xuất được đánh giá là hiện đại. Cơ sở sản xuất của Công ty CP Nam Thăng Long (Cầu Diễn, Từ Liêm) được thanh tra Sở Y tế đánh giá là có thiết bị hiện đại, nhưng khi đoàn vào kiểm tra bất ngờ, chúng tôi ghi nhận các nhân viên mới cuống cuồng quét dọn giấy, rác ngay gần khu vực sản xuất. Các vỏ bình loại 20 lít vứt chỏng chơ ngay bên thùng đựng rác. Và các nhân viên làm việc hoàn toàn không có đồ bảo hộ cần thiết để đảm bảo vệ sinh ngoài chiếc áo trắng!

Quảng Ngãi: tạm đình chỉ 12 cơ sở kinh doanh nước uống đóng chai

Chiều 1- 4, ông Nguyễn Thái Sơn - chánh thanh tra Sở Y tế Quảng Ngãi - cho biết: thanh tra sở vừa ký quyết định tạm đình chỉ 12 cơ sở kinh doanh nước uống đóng chai ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. 12 cơ sở nước đóng chai này bị tạm đình chỉ vì dây chuyền sản xuất không đảm bảo theo hồ sơ công bố; hết hạn công bố tiêu chuẩn chất lượng nước uống không công bố lại; không đảm bảo vệ sinh tại phòng vô khuẩn chiết rót, không thực hiện xét nghiệm mẫu nước theo quy định…

Đoàn thanh tra Sở Y tế Quảng Ngãi đã lấy 28 mẫu nước tại 28 cơ sở nước đóng chai ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Đức Phổ và TP Quảng Ngãi gửi Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Ngãi xét nghiệm. Dự kiến đến ngày 10-4, Sở Y tế Quảng Ngãi sẽ tổ chức công bố mẫu xét nghiệm nước tại các cơ sở nước đóng chai này.

T.DƯƠNG - V.HƯƠNG - TR.CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp