* Nghệ An: lũ cuốn xe 7 chỗ, 5 người mất tích
Phóng to |
Bà Pằng và con gái út Đào Thị Thủy (18 tháng tuổi) vừa thoát chết sau lũ trở về - Ảnh: Trung Tân |
Hai người được tìm thấy thi thể là ông Đào Văn Lý (thôn 13) và bà Hầu Thị Mỵ (thôn 14, xã Cư K’Bang).
Giây phút sinh tử
Khoảng 11g ngày 19-9, chiếc canô đầu tiên đưa bốn người dân gặp nạn thoát chết lên bờ gồm ba mẹ con bà Lý Thị Pằng (vợ ông Lý), cháu Đào Thị May (13 tuổi), Đào Thị Thủy (18 tháng tuổi) và anh Đào Văn Danh. Bà Pằng cho biết hai con nhỏ của bà là Đào Thị Phương (7 tuổi) và Đào Thị Thúy (4 tuổi) bị nước lũ cuốn trôi, hiện chưa biết sống chết thế nào.
Bà Pằng kể trưa 17-9, nước bắt đầu lên cao nên cả gia đình bà và nhiều người khác cùng lên chòi rẫy của gia đình chờ nước rút mới về nhà. Đến chiều nước lũ về đột ngột cuốn sập chòi rẫy khiến cả gia đình bà và nhiều người khác bị cuốn về suối Ea H’Leo. Vợ chồng bà và hai con là cháu May, Thủy cùng anh Danh may mắn bám được vào một cây gỗ giữa dòng suối.
Khi nước lũ bớt mạnh thì một số người bơi vào một cồn đất ven bờ. Tuy nhiên ông Đào Văn Lý không biết bơi nên bị lũ cuốn trôi, số người khác thì mỗi người trôi một nơi, bà không biết. Suốt hai ngày trên cồn đất, ba mẹ con bà Pằng phải chịu đói chịu rét giữa trời mưa và nước lũ bao quanh. Sáng 19-9, khi đã kiệt sức thì canô của lực lượng cứu hộ tìm thấy ba mẹ con.
Đến 18g ngày 19-9, công tác cứu hộ những người dân đi làm rẫy khu vực giáp ranh giữa xã Ia J’Lơi và Cư K’Bang vẫn tiếp tục thực hiện dọc suối Ea H’Leo đoạn qua hai xã này. Thiếu tướng Đoàn Kiểu, phó tư lệnh Quân khu 5, cho biết suốt từ ngày 17-9 đến nay hơn 200 cán bộ chiến sĩ bộ đội, công an tỉnh Đắk Lắk, huyện Ea Súp liên tục dùng canô cứu hộ hàng trăm người dân bị mắc kẹt tại các chòi rẫy dọc suối Ea H’Leo và các suối nhỏ trong khu vực xã Cư K’Bang và Ia J’Lơi.
Sáu người mất tích đang được tìm kiếm (đến 18g ngày 19-9) gồm hai chị em Đào Thị Thúy và Đào Thị Phương, Đào Văn Dinh (chồng bà Mỵ), Lý Thị Di và hai mẹ con Dương Thị Hoa và Đào Văn Giang.
Phóng to |
Một người dân ở tổ dân phố 6, thị trấn Ea Đrăng, Ea H’Leo, Đắk Lắk đau xót, khóc than khi lũ cuốn trôi tài sản của mình - Ảnh: T.B.D. |
“Không phải do hồ thủy điện xả lũ”
Liên quan đến trận lũ quét xảy ra tại huyện Ea H’Leo gây thiệt hại nặng, ông Lưu Đăng Thuyết - chủ tịch UBND thị trấn Ea Đrăng - cho biết trong ngày 19-9, UBND thị trấn bước đầu tổ chức cứu trợ, giúp đỡ các hộ gia đình bị thiệt hại phía dưới thân đập. Đã có 10 ngôi nhà tại thị trấn Ea Đrăng bị lũ cuốn trôi, trong đó tám ngôi nhà có người ở, hai ngôi nhà bỏ hoang. Bước đầu mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 2 triệu đồng tiền mặt và một số lương thực, nhu yếu phẩm. Ông Thuyết cũng cho biết vì đây là sự cố do thiên tai, ngoài ý muốn của địa phương nên UBND thị trấn không tính đến phương án đền bù thiệt hại.
Về nguyên nhân xảy ra cơn lũ lớn bất ngờ sáng 17-9, ông Thuyết khẳng định không phải do hồ thủy điện phía thượng nguồn xả lũ mà là do lũ cộng dồn từ các ao hồ, sông suối phía trên. Theo ông Thuyết, phía trên hồ trung tâm thị trấn Ea Đrăng (còn gọi là hồ sinh thái) có công trình thủy điện Ea H’Leo nhưng hồ chứa này nhỏ, việc điều tiết nước vẫn diễn ra bình thường.
Trao đổi với phóng viên về việc có hay không việc các hồ thủy điện cho xả lũ đã “góp phần” gây nên lũ lớn ở Đắk Lắk, bà Phan Thu Hiền - cán bộ văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống bão lụt và giảm nhẹ thiên tai - cho biết qua kiểm tra, các công trình thủy điện như Buôn Kuốp, Sêrêpốk 3, Sêrêpốk 3A, Sêrêpốk 4 (thuộc hệ thống sông Sêrêpốk) đều có xả lũ nhưng lượng nước xả không đáng kể, chỉ ở khoảng vài chục đến 100m3/giây, không phải là nguyên nhân dẫn đến lũ lớn ở các địa phương.
Lúc 17g ngày 19-9, một ôtô bảy chỗ từ huyện miền núi Nghĩa Đàn (Nghệ An) đang đi qua đập tràn Nghĩa Hồng trên tuyến đường phụ 551 thuộc xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn thì bị lũ cuốn trôi. Ngay khi gặp nạn, hai người trong xe kịp nhảy thoát ra ngoài, năm người còn lại bị trôi theo xe. Thượng tá Phạm Ngọc Tuyên, phó Công an huyện Nghĩa Đàn, xác nhận thông tin này. Theo tin ban đầu, xe gặp nạn của ông Trương Văn Thái (60 tuổi, cán bộ thanh tra giao thông thuộc Sở Giao thông vận tải Nghệ An). Ông Thái là người điều khiển xe, khi bị lũ cuốn ông đã nhảy thoát ra ngoài cùng ông thông gia. Năm người trôi theo xe là ba mẹ con chị Nga, công nhân cầu đường, xin đi nhờ và hai người chưa rõ danh tính. Lúc 22g cùng ngày, khu vực xảy ra tai nạn mưa rất to, lực lượng cứu hộ gồm công an huyện, huyện đội và dân quân địa phương chưa xác định được vị trí chiếc xe giữa dòng lũ xoáy. |
Siêu bão Usagi tiến vào biển Đông Ngày 19-9, bão Usagi ngoài khơi Philippines đã mạnh lên thành siêu bão, đang tiến về khu vực đông bắc biển Đông với tốc độ 15km/giờ. Nhiều trang dự báo quốc tế như Nhật Bản, Hong Kong, hải quân Mỹ đều có cùng nhận định bão Usagi gây ra gió mạnh cấp 14-15, giật cấp 16-17, di chuyển theo hướng bắc tây bắc và dự kiến vào biển Đông ngày 21-9. Dự báo sau khi vào biển Đông, bão Usagi tiếp tục di chuyển hướng bắc tây bắc và có xu hướng đổ bộ vào khu vực Hong Kong. Hiện bão Usagi là tác nhân làm gió mùa tây nam phát triển tiếp tục, làm các tỉnh Nam bộ có mưa trên diện rộng. Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ nhận định đợt mưa này kéo dài thêm 4-5 ngày tới. Trong khi đó hệ thống sông Sài Gòn, Đồng Nai đang xuất hiện đợt triều cường lớn, đỉnh triều vượt mức báo động 2. Cụ thể đỉnh triều đạt 1,44m lúc 18g30 ngày 21-9 và 1,42m lúc 19g30 ngày 22-9... Mưa xuất hiện cùng thời điểm triều cường nhiều khả năng gây ngập các vùng trũng thấp tại TP.HCM. |
* Tân sinh viên bị lũ cuốn trôi trước ngày nhập học Tại TP Đà Nẵng, mưa lũ không gây thiệt hại về tài sản nhưng khiến một người thiệt mạng. Nạn nhân là Nguyễn Đình Dương (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) bị nước cuốn trôi lúc 14g ngày 19-9 khi đang cùng cha đi chăn trâu dọc sông Tây Tịnh. Dương vừa đậu Đại học Kiến trúc Đà Nẵng và nếu không xảy ra tai nạn thương tâm này thì hôm nay (20-9) sẽ chính thức nhập học. Còn ở tỉnh Quảng Nam, ông Đỗ Tài - chủ tịch UBND huyện Đông Giang - cho biết mưa lũ đã cuốn trôi hai người dân ở xã Mà Coih và Cà Dăng, hiện vẫn chưa tìm thấy. * Đường Hồ Chí Minh qua Quảng Bình bị tắc Đến cuối ngày 19-9, toàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn mưa vừa đến mưa to, mực nước các sông Kiến Giang, Nhật Lệ lên trên mức báo động II. Đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua thôn Phú Nhiêu (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) ngập sâu 1,2-1,4m, gây ách tắc giao thông. Nhiều ôtô phải chạy vòng về quốc lộ 1. * Quảng Trị: nhiều nơi nước ngập tới nóc nhà Đến cuối ngày 19-9, nước sông Sêpôn cũng như các sông lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã bắt đầu rút. Tuy nhiên, vẫn còn hàng trăm hộ dân ở thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa) ngập trong nước lũ. Trước đó, hơn 1.000 hộ dân của vùng thị trấn vùng biên này đã phải di dời khi nước sông Sêpôn bất ngờ dâng lên ngay trong đêm 18-9. Nhiều ngôi nhà ở vùng này đã bị nước lũ ngập lên tới nóc. Ban phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị cho biết toàn tỉnh có hai trường hợp tử vong: một người ở xã A Vao, huyện Đakrông bị lũ cuốn khi đi làm rẫy về, người còn lại là một cán bộ công an xã Thuận (Hướng Hóa) sau khi đi ứng cứu dân vùng lũ về thì ngã bệnh và tử vong ngay trong đêm. * Thừa Thiên - Huế: hồ thủy điện gây ngập lụt Chiều 19-9, ông Nguyễn Quốc Cường, phó chủ tịch UBND huyện A Lưới, cho biết có 47 hộ với khoảng 200 nhân khẩu ở ba xã Hồng Thái, Hồng Thượng và Sơn Thủy, thuộc phạm vi lòng hồ thủy điện A Lưới, đã bị ngập nặng, có nơi ngập đến 1,5m; khoảng 100ha cây hoa màu bị ngập úng, hư hại. Theo ông Cường, Nhà máy thủy điện A Lưới đã thông tin không kịp thời về mức nước dâng trong lòng hồ, gây khó khăn cho công tác di dời, đến khi mức nước hồ bất ngờ dâng cao lúc nửa đêm mới phát lệnh sơ tán. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận