Phóng viên Tuổi Trẻ khảo sát tại Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương cho thấy nhiều dòng sông, mương nước đen đặc đang đổ trực tiếp ra công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Ngày 22-3, trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Sâm (73 tuổi, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết hơn 20 năm qua người dân nơi đây không dám dùng nước sông Cầu Bây để tưới cho rau, hoa màu. Đáng chú ý sông Cầu Bây chảy thẳng ra kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải. "Trước đây chúng tôi còn tắm giặt, uống nước sông. Đến nay thì ô nhiễm quá, người dân không dám lội xuống sông. Cửa sổ nhà luôn đóng vì mùi hôi thối đến mức nhức cả mũi", bà Sâm nói.
Ông Phùng Viết Cam, 59 tuổi (xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, Hưng Yên), cho biết người dân ở xã vẫn phải dùng nước màu đen kịt, hôi thối tưới cho đào, cây cảnh. "Nhà tôi trồng hơn 1.000 gốc đào vẫn phải dùng nước đen đặc, hôi thối lắm nhưng cũng phải chịu...", ông Cam nói.
Phải dùng cả nước đen đặc ở kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải tưới cho lúa, rau màu - Clip: QUANG THẾ - DANH KHANG
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lương Xuân Chính - phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết đang họp với các địa phương để có thể tận dụng nước từ sông Hồng, sông Đuống, sông Thái Bình bơm vào hệ thống Bắc Hưng Hải, đảm bảo cho các trạm bơm, giảm thiểu ô nhiễm.
"Từ 1-3 đến nay hầu như không có mưa, thời tiết hanh khô, trong khi mực nước sông Hồng hạ thấp. Do thiếu nước nên chúng tôi vẫn phải vận hành kênh Bắc Hưng Hải để bà con Hưng Yên, Hải Dương tưới. Việc người dân vẫn phải dùng nước ô nhiễm ở kênh Bắc Hưng Hải chúng tôi rất lo ngại và đã báo cáo với nhiều cơ quan, các địa phương có liên quan...", ông Chính cho biết.
Theo báo cáo của Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, hằng ngày hệ thống vẫn phải tiếp nhận nước thải từ các khu dân cư, cơ sở sản xuất. Do thiếu nước nên hệ thống liên tục phải trữ nước không có dòng chảy để có thể pha loãng ô nhiễm.
Ngoài ra hiện nay có nhiều đoạn dài hơn 40km nước có màu đen đặc, hôi thối. Trong khi đó một số khu vực không thể sử dụng nước cho nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Dự kiến đến ngày 21-3, Hưng Yên có 5.709 héc ta và Hải Dương có khoảng 450 héc ta lúa bị thiếu nước.
Hình ảnh phóng viên ghi nhận trong ngày 21 và 22-3:
Đề nghị xem xét xử lý hình sự với hành vi cố tình xả thải gây ô nhiễm tại Bắc Hưng Hải
Tháng 9-2022, tại cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương về kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ Công an xem xét xử lý hình sự với hành vi cố tình xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trong rất nhiều năm gần đây đã ô nhiễm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, dư luận bức xúc. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ngành và địa phương chịu sự ảnh hưởng của hệ thống Bắc Hưng Hải cùng xem xét trách nhiệm và đưa ra những biện pháp cụ thể để giải quyết các tồn tại.
Đề nghị xem xét xử lý hình sự với hành vi cố tình xả thải gây ô nhiễm tại Bắc Hưng Hải
Tháng 9-2022, tại cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương về kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ Công an xem xét xử lý hình sự với hành vi cố tình xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trong rất nhiều năm gần đây đã ô nhiễm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, dư luận bức xúc. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ngành và địa phương chịu sự ảnh hưởng của hệ thống Bắc Hưng Hải cùng xem xét trách nhiệm và đưa ra những biện pháp cụ thể để giải quyết các tồn tại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận