29/09/2014 07:55 GMT+7

​Nước nghèo vẫn đeo đuổi giấc mơ vũ trụ

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Sau khi vệ tinh Mangalyaan bay vào quỹ đạo sao Hỏa, truyền thông Ấn Độ đã mở chiến dịch kêu gọi chính phủ tăng cường đầu tư vào khoa học để tạo đà phát triển kinh tế.

Bức ảnh bề mặt sao Hỏa do vệ tinh Mangalyaan chụp - Ảnh: ISRO
Bức ảnh bề mặt sao Hỏa do vệ tinh Mangalyaan chụp - Ảnh: ISRO

Trước khi Ấn Độ phóng thành công vệ tinh tới sao Hỏa, nhiều người đã đặt câu hỏi tại sao một quốc gia vẫn còn hàng trăm triệu người sống trong cảnh đói nghèo lại theo đuổi giấc mơ chinh phục vũ trụ xa vời và tốn kém.

Mới đây, Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) đã công bố những bức ảnh đầu tiên mà vệ tinh Mangalyaan (Tàu sao Hỏa) chụp bề mặt và bầu khí quyển sao Hỏa.

“Khung cảnh thật tuyệt vời” - một quan chức ISRO gửi tin nhắn lên trang mạng xã hội Twitter. Mangalyaan với một máy quay và các công cụ khoa học cơ bản sẽ nghiên cứu bầu khí quyển và bề mặt sao Hỏa trong vòng 6-10 tháng tới.

Với chiến tích này, ISRO trở thành tổ chức thứ tư phóng thành công vệ tinh tới sao Hỏa, sau Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), Liên Xô và Cơ quan Không gian châu Âu (ESA).

Tuy nhiên, điều gây ấn tượng là Ấn Độ là quốc gia thứ nhất vươn tới sao Hỏa trong lần phóng vệ tinh đầu tiên, điều mà các cường quốc không gian như Mỹ, Nga và Trung Quốc đầy tham vọng đều không làm được. Chỉ có ESA đa quốc gia đạt thành công tương tự.

Nghèo mà sang chảnh?

ISRO chế tạo quả tên lửa nặng 1.300kg để phóng vệ tinh Mangalyaan trong vòng 15 tháng. Quả tên lửa bay lên bầu trời từ Sriharikota tại vịnh Bengal ngày 5-11-2013. Nhưng trước khi ISRO phóng Mangalyaan vào không gian, dư luận trong nước và quốc tế đã bày tỏ rất nhiều lo ngại.

Báo Anh Financial Times giật tít: “Ảo vọng sao Hỏa của Ấn Độ che lấp những khó khăn trên mặt đất”. Báo này dẫn lời nhà kinh tế Jean Dreze mô tả dự án Mangalyaan là “mục tiêu ảo tưởng của chính quyền Ấn Độ để đạt vị thế siêu cường”.

Cựu chủ tịch ISRO Madhavan Nair cho rằng kế hoạch sao Hỏa của Ấn Độ là “sự lãng phí tiền bạc” và chắc chắn sẽ thất bại. Nhiều người khác cũng chỉ ra rằng ở Ấn Độ vẫn còn 300 triệu người sống với mức thu nhập nghèo khổ 1,25 USD/ngày, 30% dân số chưa có điện, tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn còn rất cao.

Người ta đặt câu hỏi việc đưa một vệ tinh lên dò tỉ lệ khí methane trên bầu khí quyền sao Hỏa có tác dụng gì đối với một quốc gia đang phát triển và phải vật lộn với vô số khó khăn như Ấn Độ.

Kêu gọi đầu tư thêm vào khoa học

Sau khi vệ tinh Mangalyaan bay vào quỹ đạo sao Hỏa, truyền thông Ấn Độ đã mở chiến dịch kêu gọi chính phủ tăng cường đầu tư vào khoa học để tạo đà phát triển kinh tế.

“Nếu Ấn Độ muốn phát triển thì cần phải đầu tư vào khoa học” - trang First Post khẳng định. Báo Hindustan Times cho rằng New Delhi cần khuyến khích giáo dục khoa học bằng việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển tại các trường học và đại học.

Báo Times of India kêu gọi Ấn Độ dùng thành công việc chinh phục sao Hỏa để cải cách và phát triển kinh tế. Báo The Pioneer cho rằng đầu tư vào khoa học và công nghệ là cách tốt nhất để xóa đói nghèo.

Những cuộc khẩu chiến và bút chiến bùng nổ trên truyền thông và mạng xã hội Ấn Độ. Nhưng Chính phủ Ấn Độ và ISRO không sờn lòng.

Và dự án Mangalyaan đã thành công vang dội với chi phí chỉ 74 triệu USD. Tính ra ISRO chỉ chi 0,11 USD cho mỗi kilômet Mangalyaan bay qua để tới sao Hỏa, rẻ hơn một nửa so với giá một tách trà ở Mumbai.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chỉ ra rằng chi phí cho dự án Mangalyaan còn thấp hơn mức 100 triệu USD mà Hollywood đầu tư để sản xuất bộ phim khoa học viễn tưởng Gravity (Cuộc chiến không trọng lực).

Để so sánh, NASA chi khoảng 671 triệu USD để phóng vệ tinh Maven tới nghiên cứu khí quyển sao Hỏa. Cũng như Mangalyaan, Maven mới chụp các bức ảnh khí quyển sao Hỏa để gửi về Trái đất.

Sứ mệnh đưa robot tự hành Curiosity của NASA tới sao Hỏa phức tạp hơn và có tổng đầu tư lên đến 2,5 tỉ USD.

Ở Ấn Độ, các kỹ sư hàng đầu chỉ hưởng lương 20.000 USD/năm, thua xa mức 105.000 USD/năm của các kỹ sư NASA.

Lợi ích kinh tế to lớn

Dẫu rẻ, nhưng 74 triệu USD vẫn là con số lớn đối với một quốc gia đang phát triển như Ấn Độ. Tuy nhiên, giới chuyên gia phương Tây đánh giá đây là khoản đầu tư hoàn toàn xứng đáng và sẽ sinh lãi lớn cho Ấn Độ. Bởi các nước trên thế giới đã 51 lần phóng vệ tinh tới sao Hỏa, nhưng Mỹ, Nga và châu Âu chỉ thành công 21 lần và không lần nào có chi phí tiết kiệm và hiệu quả như Ấn Độ.

“Các công ty châu Âu và Mỹ sẽ gõ cửa Ấn Độ bởi ISRO đã chứng minh rằng họ có thể phóng vệ tinh một cách hiệu quả và tiết kiệm” - Fox News dẫn lời chuyên gia Chris Carberry, giám đốc Tổ chức Nghiên cứu sao Hỏa, nhận định.

Chỉ qua một đêm, Ấn Độ trở thành ứng cử viên hàng đầu thắng thầu các dự án công nghệ không gian trị giá trên 200 tỉ USD của Mỹ. Trên thực tế, thời gian qua một số hãng phương Tây đã mua thiết bị không gian từ Ấn Độ. ISRO hiện đang là đối tác của NASA.

Chuyên gia Roger Franzen thuộc ĐH Quốc gia Úc cho biết từ hơn 20 năm qua, Ấn Độ đã đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp không gian và hưởng nhiều lợi ích kinh tế lớn, bởi đây là ngành thúc đẩy sự phát triển công nghệ của các lĩnh vực khác.

Hồi tháng 7, Ấn Độ đã đưa thành công năm vệ tinh lên quỹ đạo cho các khách hàng quốc tế ở Canada, Đức và Singapore. Thành công của dự án Mangalyaan chắc chắn sẽ giúp Ấn Độ thu hút thêm nhiều khách hàng muốn phóng vệ tinh hay thực hiện các dự án không gian khác.

ISRO cũng đã ký thỏa thuận công nghệ không gian với 36 quốc gia trên thế giới. Các nhà phân tích cho rằng thành công của dự án Mangalyaan còn có ý nghĩa thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trên lĩnh vực không gian, đó là thành tựu không chỉ của riêng Ấn Độ mà là thành công chung của cả thế giới.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp