Vết nứt ngang tường tại một căn nhà trên đường Nguyễn Văn Trỗi - Ảnh: M.Vinh |
Tối 27-4, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có thông báo ban đầu về nguyên nhân gây nứt đất, nứt 13 nhà ở trung tâm TP Đà Lạt trên đường Nguyễn Văn Trỗi và Trương Công Định.
Nước ngầm, mưa lớn là tác nhân quan trọng
Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia địa chất của Đại học Bách khoa TP.HCM, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam và Công ty Kawasaki (Nhật Bản), nước ngầm và mưa lớn được xác định là tác nhân quan trọng gây ra vụ nứt đất.
Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết khu vực xảy ra nứt đất vốn là một ngọn đồi có độ dốc cao.
Ngọn đồi này trước kia có những khe nhỏ dọc triền. Trong quá trình xây dựng trải qua thời gian, những khe này bị lấp và hình thành nên những dòng chảy ngầm bên trong. Khi gặp mưa lớn, nước bề mặt thấm mạnh vào lòng đất thì dòng chảy ngầm trở nên mạnh. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến kết cấu địa chất ở khu vực này yếu.
Ông Phạm S đưa ra một nguyên nhân khác, cơ quan chức năng tra lại lịch sử Đà Lạt thì ở khu vực này cách đây khoảng 60 năm tồn tại một bãi rác lớn.
Sau năm 1970, bãi rác bị lấp lại và cho xây dựng bên trên. Người dân lâu năm cho rằng bãi rác này nằm sâu khoảng 15m trong lòng đất. Toàn bộ bãi rác này bây giờ đã bị xây nhà đè lên trên.
Các chuyên gia đều cho rằng, bãi rác tạo nên một điểm kết cấu yếu, khiến địa chất khu vực bị mất liên kết. Yếu tố này kết hợp với nước ngầm gây ra vụ sạt lở nghiêm trọng.
Theo Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Lâm Đồng, lượng mưa khoảng 5 ngày trước ở Đà Lạt được xác định cực lớn và kéo dài khoảng 2 giờ vào giữa trưa. Lượng mưa lớn là yếu tố gây gia tăng lượng nước ngầm và dòng chảy ngầm.
Hệ thống cấp thoát nước ngầm vẫn đang được kiểm tra, cơ quan chức năng ghi nhận có dấu hiệu thất thoát nước với lượng lớn - Ảnh: M.Vinh |
45 hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng
Theo UBND TP. Đà Lạt, 13 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng đến thời điểm này xác định vùng liên quan có đến 45 hộ.
Đến chiều 27-4, sau cơn mưa lớn tại Đà Lạt, những căn nhà đã nứt trước đó không có dấu hiệu nứt thêm.
Tuy nhiên, có 2 hộ dân trên tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi thông báo nhà họ có vết nứt nhỏ dọc chân tường. Cơ quan chức năng đang xác minh tác nhân gây vết nứt.
Một số hộ dân có nước bùn màu đỏ trồi lên trong nhà.
Tiến sĩ Bùi Trọng Vinh (Phó khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí, ĐH Bách khoa TP.HCM) tham gia tìm hiểu nguyên nhân, lý giải: “Nước ngầm từ các khe hổng trong lòng đất trồi lên. Chúng tôi có ghi nhận một hộ dân bị thất thoát nước 300 m3/ngày. Hệ thống nước ngầm có thể đã bị hư hỏng trước hoặc trong vụ nứt đất”.
Hiện TP Đà Lạt đã tiến hành cắt nước ở khu vực xảy ra vụ việc. Ông Phạm S cho biết các chuyên gia sẽ quan trắc liên tục và thu thập dữ liệu về trượt, sạt đất trong nhiều ngày tới, nếu đất không nứt, sạt thêm thì tiến hành phương án chống nứt, sạt.
UBND TP Đà Lạt vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm xe trên 4 chỗ và các loại xe tải, bán tải. Mặc khác, các cảnh báo về an toàn vẫn tiếp tục duy trì như yêu cầu người dân sẵn sàng di dời khi có thông báo khẩn cấp, không đón khách lưu trú đối với các khách sạn. Nhiều gia đình đã di dời đồ đạc ra khỏi khu vực.
Ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Lạt, cho biết lực lượng chức năng sẽ giám sát liên tục kể cả dịp lễ.
Một công trình nhà cao tầng đang xây dựng trong khu vực nứt đất bị tạm dừng và kiểm tra lại hồ sơ thiết kế cọc móng - Ảnh: M.Vinh |
Vết nứt ở chân nhà khu vực đường Trương Công Định - Ảnh: M.Vinh |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận