Nhiều nghệ sĩ có mặt trong hình này đã mất sau tai nạn máy bay ngày 25-12 - Ảnh: |
Các nghệ sĩ đang trên đường bay đến Syria, nơi họ dự định sẽ thực hiện chương trình biểu diễn đón năm mới 2017.
Đoàn ca múa Aleksandrov của Quân đội LB Nga không phải là một đoàn ca múa bình thường. Đó là đoàn nghệ thuật hàn lâm với bề dày 89 năm, lưu diễn ở 70 nước, biểu diễn ở những phòng hoà nhạc danh tiếng nhất của thế giới và ở đâu cũng gặt được thành công nhờ mang những giai điệu và vũ điệu đỉnh cao của văn hoá Nga đến với thế giới.
Với 8 ca sĩ, hai vũ công, một nhạc công phong cầm và một người đọc, đoàn đã biểu diễn buổi đầu tiên vào tháng 10-1928 tại Nhà trung tâm Hồng quân. Vài tháng sau, dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của nhạc sĩ Aleksandr Aleksandrov, đoàn được chính thức đặt tên là Đoàn ca nhạc Hồng quân.
Một buổi biểu diễn của đoàn dưới sự chỉ đạo của nhạc sĩ A. Aleksandrov - Ảnh: tư liệu báo Nga |
Aleksandrov (sau này được phong quân hàm Thiếu tướng) đã không chỉ phổ biến rộng rãi các bài hát của Hồng quân, mà còn nâng nghệ thuật hát đồng ca Nga lên tầm thế giới. Ông cũng là tác giả Quốc ca Liên Xô, sau này được Tổng thống Putin phê chuẩn làm Quốc ca Liên bang Nga.
Trong thập niên 1930, quân số của đoàn có lúc đã lên đến 274 người. Trong 10 năm đầu sau khi thành lập, đoàn đã đi lưu diễn ở toàn bộ Liên bang Xô viết, Tiệp Khắc, Mông Cổ, Phần Lan, Ba Lan.
Năm 1937 đoàn gặt hái giải thưởng quốc tế đầu tiên. Đó là giải Grand Priz tại Triển lãm Thế giới ở Paris (Pháp). Mùa hè năm 1941, phát xít Đức tấn công Liên Xô. Một nhóm nghệ sĩ của đoàn đã lên đường ra mặt trận. Họ là những người đầu tiên trình bày bài hát "Cuộc chiến tranh thiêng liêng" (Священная война) - ca khúc được coi là một trong những động lực giúp nhân dân Liên Xô chiến thắng phát xít Đức.
Một trong số những tiết mục mà đoàn thường xuyên biểu diễn - Ảnh: tư liệu |
Trong 4 năm Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, đoàn đã biểu diễn hơn 1500 buổi tại các mặt trận ác liệt. Cuối thập niên 1940, đoàn được mang tên Aleksandrov - người thành lập đoàn (ông qua đời năm 1946 do bị đột quỵ trong chuyến lưu diễn tại Châu Âu).
Thập niên 1960-1970 đánh dấu những thành công lớn của đoàn, khi mà đĩa ghi các tác phẩm đồng ca được phát hành với số lượng kỷ lục. Cuối thập niên 1990, đoàn được nhận danh hiệu "hàn lâm" - chứng chỉ cao nhất về chất lượng nghệ thuật ở Liên Xô và Nga sau này. Hai nơi đặc biệt mà đoàn đã biểu diễn là Toà thánh Vatican với sự hiện diện của Giáo hoàng John Paul II năm 2004 và tổng hành dinh của NATO năm 2007.
Giáo hoàng John Paul chào đón các nghệ sĩ của đoàn tại Vatican năm 2004 - Ảnh: tư liệu |
Tại đây, đoàn đã trình bày ca khúc thương hiệu "Cuộc chiến tranh thiêng liêng".
Đoàn cũng có mặt ở nhiều điểm nóng trên hành tinh. Thông tin từ Đoàn ca múa Aleksandrov cho hay, cuối năm bao giờ cũng là dịp hoạt động mạnh mẽ của đoàn, với những chương trình biểu diễn dành riêng cho binh sĩ quân đội Nga đang đồn trú tại những địa bàn xa xôi, các điểm nóng, các hạm đội và sân bay.
Các nghệ sĩ đi Syria trên hai chuyến bay: Chuyến bay thứ nhất đã hạ cánh xuống căn cứ quân sự ở Khmeimim đúng vào đêm Giáng sinh.
Chuyến bay thứ hai khởi hành từ sân bay Chkalovsky ở ngoại ô Mátxcơva chậm hơn. Sau khi dừng tiếp nhiên liệu ở sân bay Adler (gần Sochi), máy bay tiếp tục hành trình đi Syria thì gặp nạn.
Quân số của đoàn hiện nay là 186 nghệ sĩ. Đi Syria lần này, đoàn không mang theo dàn nhạc. Sân khấu tại căn cứ Khmeimim khá nhỏ, không đủ chỗ cho toàn bộ dàn nhạc, nên các nghệ sĩ sẽ biểu diễn với nhạc thu sẵn.
Toàn bộ dàn đồng ca, các nghệ sĩ lĩnh xướng (soloist), một số nhạc công phong cầm, balalaika cùng nhóm múa và nhân viên phục trang tham gia chuyến đi. Họ dự định biểu diễn chương trình chào năm mới 2017 rồi lên đường quay trở lại Mátxcơva ngay.
Trong số những người thiệt mạng có Trung tướng Valeri Khalilov, vị nhạc trưởng lâu năm của Quân đội Nga. Ông vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc kiêm Chỉ đạo Nghệ thuật của đoàn từ tháng 5/2017.
Có rất nhiều nghệ sĩ của đoàn đã vĩnh viễn không trở về - Ảnh: tư liệu |
Trong số các nghệ sĩ nổi tiếng tử nạn có Evgeni Bulochnikov, ca sĩ giọng nam trầm hiếm có. Mặc dù còn trẻ, nhưng Bulochnikov đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế.
Nghệ sĩ công huân Nga Victor Sanin, các nghệ sĩ soloist như Konstantin Maiorov, Vladislav Golikov, Vladimir Brodsky... được báo chí ca ngợi là "những giọng ca xuất sắc nhất nước Nga".
Ba nghệ sĩ soloist nổi tiếng của đoàn đã may mắn sống sót là Valeri Gavva (mới phẫu thuật cách đây không lâu), Boris Dyakov (có lịch biểu diễn khác vào ngày 26-12) và Vadim Ananhev (vợ mới sinh con trai vài ngày trước).
NSND LB Nga Vadim Ananhev là nghệ sĩ rất trách nhiệm và có tính kỷ luật cao, ông không bao giờ từ chối các chuyến đi xa, nhưng lần này lãnh đạo đoàn thông cảm với hoàn cảnh của ông.
Sau khi đưa tin về vụ tai nạn, Kênh truyền hình RaiNews24 đã phát sóng Quốc ca Nga - tiết mục đặc biệt do Đoàn ca múa Aleksandrov trình bày! Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định nước Nga để quốc tang trong ngày 26-12 để tưởng niệm các nghệ sĩ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận