PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh - Ảnh: NGỌC TÙNG
Học sinh, sinh viên Việt Nam đến Nga với những khó khăn, thiếu thốn, trong đó có thiếu thốn về tình cảm. Các thầy cô giáo Nga đã coi chúng tôi như con, như em, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi. Đó là điều đặc biệt khiến các thế hệ người Việt một thời xem nước Nga là thiêng liêng. Nước Nga luôn ở trong trái tim chúng tôi
PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh
Trước khi sang Nga nhận giải thưởng, bà Tuyết Minh đã có cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ trong căn phòng lưu giữ rất nhiều kỷ vật Nga.
Gắn bó Nga từ tuổi 15
* Cảm giác của bà khi biết tin sẽ được nhận giải thưởng này?
- Tôi có thêm một cơ hội nữa quay lại mảnh đất tôi yêu quý như quê hương thứ hai của tôi. Thực ra khoảng giữa năm nay, tôi cũng đã có dịp sang Nga. Trong thâm tâm, tôi đã xem đó như chuyến đi sau cùng để chia tay, vì tôi đã ở tuổi 80 rồi.
Đợt ấy tôi đã đi thăm các cô giáo cũ, họ cũng đều ngoài 90 tuổi. Chúng tôi từng gắn bó với nhau đã hơn 60 năm, quá nửa cuộc đời. Vậy là cuộc đời lại ưu ái với tôi lần nữa.
* Bà là nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam nhận được giải thưởng, lại do đích thân Tổng thống Putin trao tặng, điều đó có bất ngờ với bà không?
- Trung tâm Văn hóa Nga tại Việt Nam khi làm hồ sơ gửi sang Nga đã giữ bí mật đến phút cuối. Điều này quả là bất ngờ. Những trí thức đã có năm tháng làm việc liên quan và có đóng góp cho nước Nga rất nhiều.
Trong số đó có nhiều nhà nghiên cứu ở các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật. Nhưng có lẽ họ chọn tôi vì các hoạt động của tôi đa dạng.
* Bà có thể nói một chút về những hoạt động đa dạng đó được không?
- Tôi có 26 năm tham gia biên soạn cuốn Đại từ điển Việt Nga - công trình hợp tác giữa Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô (nay là Viện hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) và Ủy ban Khoa học xã hội (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
Các nhà Nga ngữ học đều đánh giá cao công trình này và coi đây là bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của ngành từ điển học Việt - Nga và thế giới.
Tôi gắn bó với tiếng Nga, với nước Nga từ năm 15 tuổi tới khi đầu hai thứ tóc, hoàn thành luận án tiến sĩ, tiến sĩ khoa học ở Nga. Ngoài bộ từ điển, tôi tham gia biên soạn bộ giáo trình tiếng Nga dành cho học sinh chuyên ngữ đầu tiên.
Tôi tham gia giảng dạy tiếng Nga cho nhiều thế hệ, nghiên cứu, viết sách về tiếng Nga, tham gia các hoạt động văn hóa giữa hai nước trong vai trò phiên dịch từ những năm tháng Việt Nam còn chiến tranh... Có thể nói toàn bộ lao động của tôi đều liên quan tới tiếng Nga.
PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh (sinh năm 1938) sinh trưởng trong gia đình cách mạng, cha là tướng Nguyễn Chánh - nguyên chính ủy kiêm tư lệnh liên khu V trong kháng chiến chống Pháp; mẹ là Phạm Thị Trinh - một lão thành cách mạng từng làm hội trưởng phụ nữ khu V.
Bà bảo vệ luận án tiến sĩ tại Nga năm 1970, phong hàm PGS năm 1984 và bảo vệ thành công TSKH năm 2000.
Trước khi về làm cố vấn khoa học tại khoa quốc tế, bà đã có 15 năm giữ cương vị phó chủ nhiệm khoa ngôn ngữ và văn hóa Nga, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội.
Một trong 100 học sinh đầu tiên
* Bà trở về Việt Nam sau thời gian dài làm việc bên Nga vào đầu thập niên 1990, cảm giác của bà như thế nào?
- Đương nhiên tôi có hụt hẫng...
* Nhưng bà và gia đình bà vẫn thủy chung với tiếng Nga?
- Vâng, chồng và con gái tôi đều công tác trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Nga. Tôi vẫn tham gia nhiều hoạt động liên quan tới tiếng Nga và văn hóa Nga. Tiếng Nga với tôi không là quá khứ.
Nhiều bạn bè, đồng nghiệp, nhiều học trò của tôi cũng vậy, hình ảnh nước Nga, tiếng Nga không hề phai mờ dù có nhiều thăng trầm trong quan hệ hợp tác hai nước và vị thế của tiếng Nga ở Việt Nam.
* Những người thầy của bà ở nước Nga thế nào?
- Tôi là một trong 100 học sinh đầu tiên của Việt Nam được gửi sang Liên Xô học tiếng Nga vào năm 1954. Chúng tôi có một năm rưỡi học tiếng Nga. Thời đó chưa có từ điển Nga - Việt. Các cô giáo dắt tay chúng tôi đi ra công viên, hệt như dắt những đứa trẻ.
Chúng tôi học tiếng bắt đầu từ trò chuyện, từ cách các cô giáo chỉ vào các đồ vật, cảnh vật xung quanh, đọc tên để chúng tôi phát âm theo. Bằng cách đó, chỉ sau hơn một năm, tôi đã đọc được những tác phẩm kinh điển của Lep Tônxtôi bằng tiếng Nga.
* Theo bà, nền giáo dục Nga mà bà biết khác với giáo dục của chúng ta ở điểm nào?
- Khác cơ bản là giáo dục Nga cung cấp kiến thức phông nền để hình thành khả năng tự học rất cao. Điều lớn nhất tôi học được ở trường học của Nga cũng là khả năng tự học.
Sau này, trong công việc giảng dạy, nghiên cứu của tôi, dù thường phải tiếp cận những lĩnh vực mới mẻ nhưng nền tảng mà tôi có được luôn giúp tôi hoàn thành tốt công việc.
* Là con gái của một vị tướng, nhiều người nghĩ bà có điều kiện để phát triển sự nghiệp hơn bình thường?
- Ba tôi dành trọn đời cho cách mạng, ông đi biền biệt, có rất ít thời gian ở nhà. Tôi được 17-18 tháng, ba đã bị đi đày ở Buôn Ma Thuột, cho đến khi tôi 7 tuổi, ba mới ra tù. Anh em chúng tôi quen với cuộc sống tự lập từ bé. Năm 1957, ba tôi mất đột ngột.
Mẹ tôi kể khi ba mất, ông để lại một sổ tiết kiệm chỉ có vỏn vẹn 5 đồng - một gia sản quá ít ỏi dành cho sáu đứa con bé dại. Nhưng ông đã để lại cho chúng tôi một kho báu vô giá: đó là tấm gương sáng về cuộc đời trong sạch, về tinh thần hi sinh vì sự nghiệp chung.
Nhà khoa học Việt Nam đầu tiên được trao Huy chương Pushkin
PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh sẽ được trao tặng Huy chương Pushkin năm 2017 tại Điện Kremlin vào ngày 4-1-2018 theo sắc lệnh của tổng thống Liên bang Nga số 475 ký ngày 9-10-2017.
Ứng viên nhận Huy chương Pushkin gồm các công dân Nga và nước ngoài có thành tích nổi bật trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, văn học và giáo dục. Đây là giải thưởng cấp quốc gia, ra đời từ năm 1999.
Từ đó tới nay có 900 công dân và 12 nguyên thủ quốc gia được trao huy chương. Việt Nam có nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và bây giờ là PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh được trao Huy chương Pushkin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận