Cố đô yên bình
Dù cũng là một trong những thành phố cổ nhất Hoa Kỳ, nhưng vẻ đẹp của phố xưa nhà cũ không chỉ được gìn giữ và bảo tồn mà còn kết hợp hài hòa với các tòa nhà cao tầng hiện đại xây bằng kính và kim loại. Những hàng cây xanh ven đường góp vào một không khí trong lành, gợi cảm giác yên bình, nhàn nhã. Chất cố đô thể hiện nhiều nơi, nhưng nổi bật nhất là ở Công viên lịch sử quốc gia Độc Lập, nằm ngay trung tâm thành phố.
Gần trưa, dưới cái nắng chói chang dòng du khách vẫn kiên trì xếp hàng chờ đặt chân vào tòa nhà Độc Lập, nơi mà năm 1776, 13 đại biểu của các tiểu bang thảo luận và cùng ký bản Tuyên ngôn độc lập. Tòa nhà này được xem là một điểm đắt khách của “bảo tàng mở” Lịch sử quốc gia Độc Lập.
Qua 3 tòa nhà, 4 dãy phố, du khách bị cuốn vào dòng chảy quá khứ, chạm mặt những nhân vật lịch sử Hoa Kỳ qua tranh ảnh, tượng; đứng chân ngay trên các “địa chỉ đỏ” như tòa nhà Graff House – nơi tổng thống Jefferson viết bản Tuyên ngôn độc lập hoặc nhẹ nhàng hơn, ngắm nghía… chiếc ghế ngồi của Benjamin Franklin, một trong những người thành lập đất nước, xem có khác gì với chiếc ghế mà Tổng thống Obama hay ngồi tiếp các nguyên thủ quốc gia hôm nay…
Trong những chỗ dừng chân ấy, náo nhiệt nhất là nơi đặt quả chuông Tự do. Theo lời giới thiệu, quả chuông này đã gióng lên những tiếng vang báo hiệu ngày tàn của chế độ nô lệ. Quả chuông được làm cách nay 261 năm, bằng đồng và thiếc, nặng 900 kg. Giờ đây nếu chuông được gióng lên thì tiếng vang của nó chắc bị rè, vì một vết nứt khá dài khoảng gần 2/3 chiều cao. Mặc “dung nhan” chuông xuống cấp, du khách vẫn cứ nhào vào, đứng kề bên chuông chụp ảnh kỷ niệm.
Chuông Tự do là một mẫu vật ít ỏi được săm soi tại cố đô.
Còn ở Washington D.C, thủ đô nước Mỹ, chỉ cách Philadelphia vài giờ chạy xe, thì có hàng trăm triệu mẫu vật được trưng bày làm ngơ ngẩn người xem.
Nơi thiên nhiên tụ hội
Cách nay vài năm tôi có xem phim Đêm ở viện bảo tàng (Night at the museum). Do đó, vào tham quan Viện Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia (National Museum of Natural History) ở Washington D.C, tôi cứ ngờ ngợ khi thấy Tyrannosaurus, con thú to lớn nhất thời tiền sử, rất giống con khủng long đã “diễn” trong phần II của Đêm ở viện bảotàng.
Rảo một chập nữa mới thấy nhiều mẫu tượng và hiện vật trong bảo tàng này cũng “quen quen”. Theo thông tin từ báo chí, thì ngay sau Đêm ở viện bảo tàng I , với cảnh quay tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở New York, được trình chiếu, thì bảo tàng này tăng vọt lượng khách đến tham quan. Không biết phần II, với một số cảnh quay ngay tại “thủ đô bảo tàng" này, chẳng biết đã góp thêm sức hút với du khách cỡ nào, nhưng dẫu trưa nắng gắt người ra vào Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia ở Washington D.C vẫn nườm nượp.
Ngay từ sảnh chính, tôi đã có phần choáng ngợp bởi không gian rộng lớn. Ừ, nếu các bảo tàng lịch sử tự nhiên ở Mỹ không to rộng như thế thì làm sao anh chàng Larry trong phim có thể phóng xe môtô ba bánh chạy vun vút, bẻ cua quẹo trái, quẹo phải một cách thoải mái được. Kiểu thiết kế trang trí ở ngay sảnh vào khá hoành tráng, lộng lẫy, gợi tôi nhớ đến một khách sạn 5 sao rực rỡ ở Macau từng ghé qua năm nào. Nét độc đáo của viện bảo tàng này là ngay cái tiền sảnh trông rất ăn chơi đó, một chú voi hoang dã cao to đứng sừng sững, thu hút nhiều người vừa xem vừa chụp ảnh kỷ niệm.
Theo thông tin từ viện bảo tàng này, hiện đã có hơn 126 triệu mẫu vật được sưu tầm và trưng bày. Một con số đáng nể phục. Tưởng chừng như trong thế giới thiên nhiên có gì là nơi đây có đủ: từ động vật, thực vật, sinh vật biển, côn trùng cho đến xương, gỗ hóa thạch, đá quý, quặng mỏ địa chất… Điều thú vị nữa là bảo tàng còn trưng bày các đồ dùng sinh hoạt, công cụ lao động cổ xưa như túi giữ lạnh, bình tích lạnh, túi giữ nhiệt, các loại thuyền độc mộc... cùng cách thức và mô hình sử dụng… Vô số “hàng” sẵn sàng đáp ứng cho thị hiếu của khách, ai thích gì thì chọn từng khu vực chuyên biệt để nhìn cho đã mắt hoặc tìm hiểu sâu hơn. Rất nhiều khách vì tò mò, len lén chạm tay vào voi, khủng long sờ sờ, nắn nắn. Đúng là bộ da thật, còn bên trong được nhồi bằng chất liệu gì thì chịu thua. Chỉ biết rằng các con thú nhồi này được thực hiện rất tỉ mỉ, chi tiết, nhìn khá sống động. Đứng xa mà ngắm cứ ngỡ hàng chính hiệu…
Lúc xem bảng hướng dẫn ở ngay lối vào, tôi đã chủ quan cho rằng chắc chẳng mấy người ghé thăm khu trưng bày đá. Đá thì có gì mà xem nhỉ? Tôi đã lầm. Những viên đá hoang sơ nằm trong các hốc đá, kết vào nhau thành từng chùm trông cũng rất lạ mắt. Rồi thì quy trình làm biến đổi chúng thành món hàng trang sức ra sao cũng được giới thiệu.
Trong số những viên đá làm đồ trang sức, nổi bật là viên kim cương mang tên Hi Vọng. Ngắm nhìn kỹ, viên đá quý này lấp lánh nhiều sắc màu mà nổi nhất là màu xanh nhạt. Rất nhiều người đã đổ dồn, vây quanh lồng kính đặt viên kim cương. Có lẽ do lời giới thiệu về nó khá hấp dẫn: nặng 45,52 carat, trị giá 250 triệu đôla, có biệt danh “viên đá giết người”. Dò hỏi “giết người” là sao mới biết xuất phát từ lời nguyền là ai mang hoặc làm chủ viên kim cương này thì sẽ chịu sự bất hạnh và dễ… chết bất ngờ. Với giá trị quá lớn, viên đá được trưng bày và bảo vệ kỹ. Khách chỉ nhìn ngắm nó qua lớp kính dày. Khác hẳn với viên đá mang về từ Mặt trăng – lẽ ra cũng phải giá trị lắm chứ, được trưng bày ở Bảo tàng Hàng không và không gian (National Air and Space Museum), tôi cứ tha hồ lấy tay vuốt nó một cách thoải mái như thể đang ở cung trăng.
Hàng độc: 1903
Nhà Bảo tàng Hàng không và không gian quốc gia cũng là loại có “số má” ở Washington D.C. Như đúng tên gọi Hàng không và không gian, nơi đây lưu giữ đủ loại máy bay dân dụng, quân sự từ cổ lỗ sĩ đến hiện đại, các thiết bị về thám hiểm không gian và là một trung tâm nghiên cứu về lịch sử ngành hàng không, phi hành trong vũ trụ. Trong mắt tôi, những chiếc máy bay Boeing, Air Bus thì quá quen thuộc. Nhưng còn chiếc máy bay của anh em nhà họ Wright chế tạo năm 1903 thì đúng là “hàng độc”, không thể lướt qua. 1903 chẳng giống chiếc máy bay hôm nay chút nào. Nó như hai miếng ván dài hình chữ nhật, nằm song song, nối kết với nhau bằng những thanh sắt đứng hoặc đan chéo. Phi công ngồi giữa, trống hoác, chỉ có một “cái bửng” che phía trước… Tuy quá thô sơ nhưng 1903 vẫn là chiếc phi cơ đầu tiên trên thế giới bay thành công, mặc dù nó chỉ bay được chưa tới… 1 phút.
Washington D.C – thành phố được ví như là “thủ đô bảo tàng” của Mỹ, có rất nhiều bảo tàng, lại chất lượng cao mà vào xem miễn phí. Khác với nhiều bảo tàng ở châu Âu, các bảo tàng ở đây mở cửa đến 364 ngày trong một năm. Du lịch ở Washington D.C mà không đi bảo tàng là coi như chưa đến Washington D.C. Nhưng để đi hết các bảo tàng thì bất cứ du khách nào cũng chào thua vì không đủ thời gian. Thế cho nên đành cất lời ca “hẹn lại kiếp sau" với Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia, Bảo tàng Quốc gia thổ dân da đỏ, Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật Phi châu, Phòng triển lãm Arthur M. Sackler và Phòng triển lãm Nghệ thuật Freer (tập trung về văn hóa và nghệ thuật châu Á)...
Phóng to |
Giữa trưa nắng ở Công viên lịch sử quốc gia Độc Lập của cố đô nước Mỹ vẫn có những người biểu diễn thể dục dưỡng sinh |
Phóng to |
Quả chuông Tự do dù chẳng độc đáo lắm nhưng vẫn được nhiều người tìm đến vì ý nghĩa lịch sử của nó |
Phóng to |
Chú voi khổng lồ tạo ấn tượng thu hút hút khách ngay từ khi bước vào Viện Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia |
Phóng to |
Máy bay chen cánh trong Bảo tàng Hàng không và không gian |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận