30/10/2013 08:52 GMT+7

Nước Mỹ, lần đầu trong mắt tôi

LƯU ĐÌNH TRIỀU
LƯU ĐÌNH TRIỀU

TTO - Sân bay quốc tế John F. Kennedy hiện ra dưới mắt tôi hơi… bị quen. Có lẽ do cái nét hao hao của những sân bay Mỹ mà tôi đã từng nhìn thấy trên nhiều bộ phim.

Hẳn có nhiều người Việt như tôi, tuy lần đầu đến Mỹ nhưng đã có phần biết và quen thuộc với đất nước, con người Mỹ khá lâu. Biết qua phim ảnh, sách báo, lời kể của bạn bè. Riêng tôi, cái sự biết về con người Mỹ đã bắt đầu ngay độ tuổi thiếu niên. Hồi đấy, sống tại khu vực Ngã ba thành - Biên Hòa, chiều chiều đám trẻ chúng tôi thường chạm mặt nhiều lính Mỹ từ sân bay mò ra đây giải trí, vui chơi… Dù sao những cái biết đó vẫn cứ thiếu thiếu, vẫn chưa sống động bằng những cái nhìn ngay tại “hiện trường”.

Cơn choáng ngợp trước sự tấp nập, nhộn nhịp của sân bay trung tâm quốc tế hàng đầu của New York và cả Hoa Kỳ chưa kịp lắng xuống đã sớm tan biến. Thay vào đó, trong tôi là một cảm giác ngỡ ngàng khi xe rời khu vực sân bay theo đường dẫn về trung tâm.

Đường xưa phố cũ…

Thành phố lớn nhất của Hoa Kỳ, nơi có nhiều tòa nhà cao nhất thế giới mà lại như thế này sao? Những con đường cũ kỹ, không rộng lớn, thỉnh thoảng lại ùn ứ; những khu chung cư có phần cổ lỗ sĩ khoác toàn màu áo nâu buồn tẻ… Một du khách đi cùng rất văn nghệ, ngân nga: Thành phố buồn, lắm tơ vương/ Cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn… Ấy là lúc xe chạy ngang qua một nghĩa trang khổng lồ - những ngôi mộ chi chít, xếp hàng bên nhau, trải dài, trải dài như những ngôi nhà tĩnh lặng trên một con phố dài chừng vài cây số thiếu bóng người.

Như thấu hiểu được sự “vỡ mộng” của khách, hướng dẫn viên Lưu Bá Côn, Công ty du lịch Hoàn Mỹ, giải thích: New York là thành phố được xây dựng chủ yếu từ thế kỷ 18 nên đường phố khá cũ kỹ. Ai từng nghe, nghĩ về một New York hiện đại, hào nhoáng sẽ dễ hụt hẫng. Tôi cảm điều này rõ hơn, khi cuối chiều từ New York qua New Jersey, xe chui qua hầm, ai nấy đều ngỡ ngàng. Hầm chật hẹp, cũ kỹ và… xấu xí. So với hầm Thủ Thiêm nó phải gọi bằng bố. Nhưng làm sao có thể cân đo khi hai cái hầm được xây cách nhau cả gần trăm năm.

Trưa đầu tiên ở New York, cả đoàn đi vào phố Tàu ăn phở Việt với cái giá rất ư là Mỹ: 10 USD/ tô. Thịt bò Mỹ đúng là khó chê, nước lèo thơm ngọt. Nhưng cọng bánh thì nửa phở nửa hủ tiếu nên ăn cứ lơ lửng “nửa ta nửa Mỹ”. Ăn xong, tôi thả bộ ra ngoài xem thử cái phố Tàu rất nổi tiếng này ra sao. Điều lạ là nhiều ngôi nhà hai ba tầng đều có cầu thang thoát hiểm bằng sắt phía trước trông rất kém thẩm mỹ. Hỏi thăm mới biết đó là những dãy phố xây lâu đời, lên xuống chỉ một đường. Cháy một phát là chịu chết, nên phải trổ cầu thang bên ngoài để có gì còn chạy.

Thả dọc con đường mang tên Baxter với cảnh quan rất giống nhiều đường ở thành phố ta. Càng giống hơn là một số sạp lề đường cũng bày bán đủ thứ tá lả. Trên một sạp ở sát ngã tư cũng cắm miếng carton viết bút lông nguệch ngoạc, ghi giá bán hai loại trái cây là nhãn và thanh long. Nhiều người đi đường tạt vào, hăm hở chọn lựa dù giá so với Việt Nam đắt gấp hai, ba lần. Có lẽ đây là đường được phép lấn chiếm vỉa hè. Chứ ngay đường vào bến tàu qua thăm tượng Nữ thần Tự do, tôi tận mắt chứng kiến nhiều người bán buôn lề đường nháo nhào gom đồ chạy vì có cảnh sát tuần tra. Phố Tàu có một chi tiết khiến tôi rất bất ngờ là cũng có… ổ gà (Mỹ làm đường nổi tiếng thế giới mà sao vẫn có ổ gà nhỉ?). Lôi cái máy ảnh ra để chụp cận cảnh mấy “em gà” sát lề thì bất ngờ một chiếc xe tải nhỏ trờ tới, làm bắn tung tóe nước bẩn lên. Tôi nhảy thụt vào… Đã muộn!

Luôn phải ngước nhìn

New York được “phục hồi uy tín” khi tôi bắt đầu đi sâu vào khu Hạ Manhattan. Những con đường khá rộng lớn. Nhiều tòa nhà cao vút, chen nhau tìm chỗ đứng mà cao nhất là tòa tháp Empire State - 381m, 102 tầng. Từ xa, tòa tháp này tựa như một ống kim chích mà mũi kim là chóp nhọn của anten và cột thu lôi trên đỉnh.

Du khách dễ chia sẻ niềm kiêu hãnh của dân Mỹ về tòa nhà này không chỉ về chiều cao - đứng dưới chân tháp ngước nhìn lên muốn chóng mặt và trặc cổ, mà còn vì nó được xây dựng từ năm 1931 và ngự trị trên đỉnh cao nhất của thế giới cho đến 1972.

Ngang qua vị trí khu Trung tâm Thương mại Thế giới bị đánh sập vào năm 2001, tôi nhìn thấy sự bừa bộn sắt thép của những công trình mới đang được thi công. Trong đó nghe nói trung tâm thương mại số 1 thế giới sẽ là tòa nhà cao nhất tại Hoa Kỳ, với độ cao 541,32 m. New York mãi sẽ là một thành phố luôn đòi hỏi du khách phải ngước nhìn!

Đúng là thành phố đông dân nhất Hoa Kỳ. Mặc cho hệ thống xe điện ngầm New York đã tải biết bao nhiêu cư dân đi lại, nhưng trên lối dẫn vào khu Phố Wall người ta như cứ phải chen nhau mà đi. “Phố Wall là một trung tâm tài chính quốc tế bề thế kể từ Đệ nhị Thế chiến và là trung tâm điều tiết thị trường tài chính, tiền tệ, nơi đặt sàn giao dịch chứng khoán New York”. Đó là điều tôi được biết đã lâu. Tôi chỉ hơi bị thiếu biết về chú bò tót (có người gọi là trâu vàng) – biểu tượng của Phố Wall. Không rõ thực tế sàn giao dịch chứng khoán nơi đây ảnh hưởng đến nền kinh tế, tài chính thế giới tới đâu, chứ còn tác động của chú bò tót với tất cả khách quốc tế đều rất rõ. Tướng tá hùng dũng, chú bò nặng hơn 3.000 kg này đứng chễm chệ ở ven lề đường dẫn vào Phố Wall đã 24 năm. Du khách bất kể nước nào, đi ngang thường đều dừng lại chụp hình cùng chú. Chụp xong thì dùng tay chạm vào điểm “vuốt lấy hên”. Chính vì thế mà toàn thân bò được đúc đồng màu vàng chỉ riêng nơi hạ bộ là gỉ xám vì cọ sát quá nhiều bàn tay lạ.

Tại sao nước Mỹ lại chọn con bò tót của nhà điêu khắc người Ý Arturo Di Modica mà không là voi hay sư tử cho hùng dũng hơn nhỉ? Phải chăng với tư thế chồm tới sẵn sàng lao mạnh về phía trước, chú bò thể hiện ước muốn lao vọt, tăng nhanh, phát triển cực lẹ của thị trường chứng khoán? Riêng một bạn đồng nghiệp giải thích: bullish tiếng Anh là làm tăng giá cổ phiếu, nên chọn bò tót (bull) là phù hợp.

Dạo trong Phố Wall rất… mau chán. Những tòa nhà to cao nặng nề lâu đời, kiến trúc cũng đẹp nhưng cứ na ná. Những cao ốc chọc trời đã bóp hẹp không gian lại, các con đường nhỏ như hẻm. Một xe police 4 chỗ chầm chậm lướt qua cũng đã đủ chật đường. Người ta bảo đi trên các con hẻm này chỉ nhìn thấy mặt trời vào giữa ngọ, bởi lúc đó nó không bị che khuất vì treo thẳng đứng trên đầu. Sự sôi động của phố Wall ẩn vào các sàn giao dịch bên trong. Tự an ủi, giá trị của việc tham quan ở đây có lẽ chỉ như được “giấy chứng nhận” do… mình cấp cho mình: “Tôi đã đặt chân đến khu Phố Wall nổi tiếng thế giới”. Thế thôi!

Sức sống mãnh liệt cho một Times Square

Nếu tượng Nữ thần Tự do là một biểu tượng mang chất cổ kính thì quảng trường Thời Đại (Times Square) mới đích thực là hình ảnh New York lộng lẫy mà tôi từng vẽ ra. Cầm ly “cà phê mang đi”, tôi thả dọc đại lộ Broadway, vừa nhâm nhi vừa kiểm nghiệm sức sống của một quảng trường nổi tiếng trên thế giới. Về mặt bằng xem ra Thời Đại chẳng thuộc vào hàng “đỉnh”. Các mặt tiền thì ứ hự những cửa hàng sang trọng, từ đồng hồ, mắt kính tới quần áo, giày dép. Lác đác bên đường vẫn có những người bán dạo vé xem kịch mời chào.

Ấn tượng nhất và khác với nhiều quảng trường mà tôi từng qua chính là khoảng không gian bên trên. Đủ loại màn hình quảng cáo khổng lồ, nhấp nháy. Đang là buổi chiều, nắng vàng dù rực rỡ vẫn không lấn át được sắc màu lộng lẫy, cực nét của những đoạn trailer quảng cáo. Ngày đã thế nói gì đêm, bầu trời nơi đây như có hàng trăm vì “tinh tú” lộng lẫy tụ về góp thêm sức sống mãnh liệt cho New York - thành phố không bao giờ ngủ.

Có lẽ vì vị trí và sự náo nhiệt của mình mà quảng trường Thời Đại được chọn làm ngoại cảnh cho rất nhiều phim nhựa và là nơi tổ chức nhiều sự kiện độc đáo. Chẳng hạn, cựu sáng lập viên nhóm tứ quái Beatles Paul McCartney đã bất ngờ tổ chức một mini-concert tại đây chỉ trong 15 phút. Độc đáo hơn, vào một tối đẹp trời tháng 8 năm nay, nhiều chàng trai, cô gái “dũng cảm” ở nhiều nước đã đổ về đây thi nhau… cởi bỏ quần áo bên ngoài, nhằm lập thêm kỷ lục mới về số người mặc nội y tập trung ở ngoài trời đông nhất thế giới.

Mà có khi ngược lại không nhỉ? Chính những sự kiện độc đáo đã góp phần tôn lên sức sống mãnh liệt cho một Times Square?

tfu3AwYI.jpgPhóng to
Đặt chân lên đảo Tự Do, đa số du du khách chỉ lòng vòng bên dưới vì không đăng ký trước để được đến gần nữ thần
EIvs2VRd.jpgPhóng to
Những ổ gà ở khu phố Tàu - Ảnh: L.Đ.T.
Y5navoHU.jpgPhóng to
Có du khách chỉ thích chụp ảnh phía sau bò tót để có thể ‘ vuốt lấy hên” - Ảnh: L.Đ.T.
svysabh6.jpgPhóng to
Phố Wall người đông đường nhỏ
V6D3kVu2.jpgPhóng to
Cà phê vỉa hè trong khu quảng trường Thời Đại
DD5DbjJg.jpgPhóng to
Một kiểu quán độc đáo dưới mặt đường ở khu trung tâm của New York

Một địa chỉ nổi tiếng khác mà du khách đến New York hiếm ai bỏ qua. Thật ra từ trước đến nay, ở bất cứ nơi đâu ai cũng có thể nhìn rõ dung nhan tượng Nữ thần Tự Do qua ảnh và đặc biệt qua máy tính càng rõ đẹp, đầy đủ góc cạnh. Tuy nhiên đi rồi mới biết thêm đôi điều chi li hơn. Chẳng hạn chuyện lên tàu ra đảo Lliberty (nơi đặt tượng, tên cũ Bedloe), cũng phải qua kiểm tra an ninh khá chặt chẽ, gắt gao. 15 phút tàu chạy thì rất thi vị. Trời mờ xám. Biển vẫn xanh. Gió nhẹ nhàng. Không khí khá mát mẻ tạo cảm giác yên bình, nhàn nhã. Tàu chạy từ từ và sau hơn 10 phút, tượng nữ thần lớn dần, lớn dần trong mắt khách.

Nhìn toàn cảnh, khách phát hiện gần Bedloe có thêm một đảo nhỏ với tòa nhà theo kiến trúc cổ, 3 tầng lầu sơn màu huyết dụ, lại thêm 4 ngọn tháp hình cầu. Hỏi thăm mới biết đó là đảo Ellis - cửa ngõ đón nhận hàng triệu người nhập cư vào Hoa Kỳ từ 1892-1954. Vẫn là Nữ thần Tự do đường bệ, đồ sộ, uy nghi, đứng trên đài cao nhìn ra cửa biển, khách muốn lên gần hơn – ngay dưới chân tượng thì phải đăng ký trước nhiều ngày. Thế cho nên du khách phải đứng dưới thấp, hơi khum người xuống, hất máy ảnh lên mới có thể chụp được người thân và toàn tượng nữ thần…

LƯU ĐÌNH TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp