ThS Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm khoa y học cổ truyền Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho rằng uống rượu cũng là một thú vui nhưng để lâm vào tình trạng say bí tỉ thì cuộc vui chẳng những sớm tàn mà sức khỏe cũng bị ảnh hưởng, thậm chí có thể dẫn đến ngộ độc rượu rất nguy hiểm.
Bởi vậy, khi có người say, trước hết cần cho người say uống một lượng nước vừa đủ, ít nhất cũng bằng lượng rượu uống vào, nhằm pha loãng nồng độ rượu trong cơ thể và giúp quá trình đào thải rượu được nhanh chóng và thuận lợi.
Sau đó, tùy theo điều kiện cụ thể có thể dùng những thứ mát sẵn có trong nhà để giải rượu như:
Lê: Tính mát, vị ngọt, có tác dụng thanh nhiệt sinh tân, hóa đàm. Người say ăn nhiều lê sẽ đỡ nhanh cảm giác miệng khô họng khát, ngực bụng nóng bức không yên. Sách Bản thảo diễn nghĩa viết: "Duy bệnh tửu phiến khát nhân, thực chi thậm giai" (với người bị phiền khát do rượu, ăn lê rất tốt). Sách Bản thảo kinh sơ cũng viết: người ăn nhiều đồ bổ béo, uống rượu vô độ tất sinh đàm hỏa dễ bị trúng phong, ung nhọt, nếu ăn nhiều lê sẽ chuyển nguy thành an, công hiệu khó nói cho hết.
Táo: Tính mát, vị ngọt, có công dụng sinh tân trừ phiền, chỉ khát giải rượu. Sách Tùy tức cư ẩm thực phổ viết: "Táo nhuận phế duyệt tâm, sinh tân khai vị, tỉnh tửu". Để đạt hiệu quả giải rượu cao nhất, cổ nhân khuyên nên ăn táo tươi hoặc ép lấy nước uống.
Cam: Tính mát, vị chua ngọt, có công dụng sinh tân chỉ khát, giải rượu lợi tiểu. Sách Khai bảo bản thảo viết: "Lợi tràng vị trúng nhiệt độc, chỉ bạo khát, lợi tiểu tiện, tỉnh tửu", ý nói: cam có khả năng trừ nhiệt độc trong đường tiêu hóa, giải khát, lợi tiểu và giải rượu.
Phật thủ: Sách Tùy tức cư ẩm thực phổ viết: "Phật thủ cam tính vị khoát đàm, tịch ác, giải trình, tiêu thực, chỉ thống". Từ "trình" ở đây dùng để chỉ tình trạng say rượu. Cổ nhân cho rằng phật thủ là một vị thuốc phương hương lý khí, có tác dụng kích thích tiêu hóa, trừ đàm, làm hết nôn và giải rượu. Khi say rượu nên dùng 12-15g phật thủ tươi (hoặc 6g khô) hãm với nước sôi, uống thay trà.
Chuối tiêu: Tính lạnh, vị ngọt, có công dụng thanh nhiệt, nhuận tràng, tiêu khát, giải rượu. Sách Nhật dụng bản thảo viết: "Hương tiêu sinh thực giải tửu độc" (ăn chuối tiêu tươi có thể giải rượu, giải độc).
Quất: Có tác dụng lý khí, giải uất, hóa đàm, giải rượu. Sách Bản thảo cương mục viết: "Kim quất hạ khí khoái hung, chỉ khát giải tửu, tịch uế, bì vưu giai", ý nói: quất có công năng hạ khí, làm khoan khoái lồng ngực, giải khát giải rượu, trừ uế, nếu dùng vỏ quất thì càng tốt.
Chanh: Tính mát, vị chua, cũng có công dụng giải rượu. Sách Bản thảo thập di khuyên nên lấy chanh trộn với đường rồi ép thành bánh, khi say rượu cắt vài miếng cho vào cốc nước sôi, hãm uống vì chanh có công năng "tiêu ngoan đàm, giáng khí, hòa trung, khai vị, khoan cách, kiện tỳ, giải tửu".
Nước mía: Tính lạnh, vị ngọt, có công dụng thanh nhiệt sinh tân, nhuận táo giải rượu. Sách Nhật dụng bản thảo viết: "Cam giá (mía) chỉ hư nhiệt phiền khát, giải tửu thanh phế". Tuy nhiên, cổ nhân cũng cho rằng khi say rượu nên dùng nước mía ép tươi chứ không nên dùng đường chế từ mía đã tinh luyện vì đường tính ấm, nếu dùng nhiều có thể tích nhiệt.
Củ cải: Sách Bản thảo cương mục viết: "La bặc chủ thốn toan, hóa tích trệ, giải tửu độc, tán ứ huyết, thậm hiệu" (củ cải chữa nuốt chua, tích trệ, giải rượu, tán ứ huyết rất công hiệu). Khi say rượu nên ăn củ cải tươi hoặc ép lấy nước uống.
Củ đậu: Tính mát, vị ngọt, có công dụng sinh tân chỉ khát, giải rượu. Sách Lục xuyên bản thảo viết: "Địa qua sinh tân chỉ khát, giải rượu, trị nhiệt bệnh khẩu khát". Sách Tứ xuyên trung dược chí cũng viết: "Địa qua chỉ khẩu khát, giải tửu độc" và còn khuyên: nên dùng củ đậu ép lấy nước uống hằng ngày để chữa ngộ độc rượu mạn tính.
Trà: Cổ nhân thường nói "dĩ trà tỉnh tửu" (dùng trà giải rượu). Sách Bản thảo cương mục cho rằng lá trà có công dụng: "Giải tửu thực chi độc, tiện nhân thần tư khải sảng, bất ôn bất thụy, thử trà chi công dã" (trà có thể giải độc rượu và thức ăn, làm sảng khoái tinh thần, đầu óc tỉnh táo). Nghiên cứu hiện đại cho thấy chất theine trong lá trà có công dụng cải thiện chức năng giải độc của tế bào gan, giúp cơ thể bài tiết nhanh chất alcohol qua đường nước tiểu.
Ngoài ra, để giải rượu kinh nghiệm dân gian còn dùng các loại rau quả như dưa hấu, dưa chuột, dưa gang, canh đậu xanh, rau cải, ngó sen tươi, cà phê…
Người say rượu không nên ăn gì?
Người bị say rượu không nên ăn vải, đại táo, nhãn, hạt tiêu, hành, tỏi, quế, ớt, nhân sâm, tây dương sâm và hoàng kỳ.
Trường hợp do uống quá nhiều rượu dẫn đến tình trạng ngộ độc nặng nhất thiết phải đưa tới các cơ sở y tế để khám và cấp cứu kịp thời.
Trường hợp sau khi uống rượu cảm thấy mình mẩy nặng nề, đau đầu chóng mặt, nói năng không được lưu loát thì tiến hành xoa bóp bấm huyệt theo cách:
Trước hết, tiến hành day bấm huyệt yêu nhãn từ 3 - 5 phút. Vị trí huyệt yêu nhãn: giơ cao tay người bị say và nghiêng mình đi một chút, chỗ lõm hai bên thắt lưng (tương ứng với đốt sống thắt lưng 4) hiện rõ, huyệt nằm ở giữa đáy lõm từ mỏm gai đốt sống thắt lưng 4 đo ngang ra 3,8 tấc.
Tiếp theo, tiến hành day bấm huyệt thái xung từ 3 - 5 phút. Vị trí huyệt thái xung: ép ngón chân cái vào ngón 2, huyệt nằm ở mu bàn chân, đo từ đầu kẽ hai ngón chân lên 2 tấc. Cũng có thể xác định bằng cách lấy huyệt ở điểm giữa đường nối đầu ngón chân cái với nếp gấp ngang cổ chân.
Cuối cùng, tiến hành xoa xát toàn bộ mu bàn chân. Nếu người say có thể đứng dậy được thì cho đứng tựa vào tường rồi dùng gót chân này giẫm mạnh và xoa mu bàn chân kia và ngược lại từ 5 - 6 phút.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận