16/09/2021 08:58 GMT+7

Nước mắt mồ côi vì dịch

DIỆU QUÍ
DIỆU QUÍ

TTO - Thắp nén nhang lên bàn thờ mẹ đặt tại phòng trọ chật hẹp, rồi bé Khánh ra trước cửa nhà ngồi nhìn vào khoảng không. Chốc chốc bé lại quay lên, chảy nước mắt nhìn hai tấm ảnh thờ ba và mẹ bé.

Nước mắt mồ côi vì dịch - Ảnh 1.

Bé Châu và anh em bé Khánh - Ảnh: D.QUÝ - T.KIÊN

Cảnh đời hai anh em bé Nguyễn Hữu Khánh (quận Bình Tân, TP.HCM) là một trong nhiều trẻ bị mồ côi cha hoặc mẹ, hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ vì đợt dịch lần thứ tư này.

Bé Châu cũng buồn, cũng khóc nhưng dỗ dành một chút là bé ngoan lắm. Bé hay đứng nhìn bàn thờ mẹ. Tôi dỗ bằng mấy câu như để ba đưa con đi chơi xe điện đụng, mua kẹo cho con nha là bé vui lại.

Thiếu tá NGUYỄN TRUNG KIÊN

Hai đứa trẻ mồ côi ở nhà trọ

Khánh (12 tuổi) và em gái Nguyễn Tường Vy (6 tuổi) sống cùng mẹ tại khu trọ dành cho dân lao động nghèo trên đường Nguyễn Cửu Phú, phường Tân Tạo A. Mẹ hai em là chị Đinh Thị Phương (46 tuổi, công nhân Công ty Pouyuen) đã được tiêm một mũi vắc xin. 

Ngày 15-8, chị Phương phát hiện mắc COVID-19, chị được đưa vào Bệnh viện (BV) dã chiến số 13 điều trị, còn hai đứa con may mắn âm tính nên được ở lại. Trước khi đi BV, chị Phương nhờ em chồng là anh Nguyễn Hữu Linh (31 tuổi) ở trọ đối diện sang trông chừng hai cháu.

Lo lắng cho con, người mẹ ở BV thường gọi video về dặn con ở nhà phải ngoan, nghe lời chú Năm (anh Linh). Sáng 17-8, nghe con trai hỏi "mẹ khỏe chưa, chừng nào mẹ về?", chị Phương vẫn tỉnh táo, bảo còn hơi mệt nên chắc vài bữa mới về được. "Nhưng tới trưa hôm đó thì BV gọi báo tin chị dâu tôi đã mất do suy hô hấp nặng" - anh Linh nhớ lại.

Cố bình tĩnh lại, anh Linh kêu hai đứa nhỏ ngồi xuống và nói sự thật cho chúng biết. Bé Vy còn nhỏ, chưa hiểu chuyện, song anh hai của bé thì không thể chấp nhận một lần nữa thành mồ côi. Nỗi đau mất cha rồi mất mẹ đã ập đến cuộc đời hai đứa trẻ.

Hai năm trước, người cha lâm bệnh nặng, hai bé đã mồ côi cha. Giờ đây khi vừa bước vào năm học mới, hai đứa trẻ lại đón mẹ về trong chiếc hũ. Ngày nhận tro cốt, cậu bé 12 tuổi vừa ôm hũ tro cốt vừa khóc, những tiếng nấc nghẹn "mẹ ơi!" xé lòng phát ra từ căn trọ cũ kỹ, thiếu ánh sáng khiến khu trọ vốn ảm đạm vì dịch giờ càng xót xa hơn. 

"Để con thờ mẹ!" - Khánh quẹt nước mắt, thắp cho người mẹ vắn số nén nhang đầu tiên. "Mấy ngày đó, nó cứ khóc suốt, không chịu ngủ vì quá nhớ mẹ. Cứ ra góc nhà ngồi nhìn bàn thờ, em nó rủ chơi chung cũng không chơi" - anh Linh kể.

Chị dâu mất, việc chăm sóc hai cháu giờ do anh phụ trách. Anh vừa nuôi cháu, vừa nuôi người mẹ già cũng sống ở gần đó. Anh Linh vốn là phụ xe tải, nhưng ba tháng nay mất việc vì dịch bệnh, lại không được chủ hỗ trợ tiền. Anh Linh cho biết từ khi chị Phương mất, một số nhà hảo tâm biết hoàn cảnh đã đến cho gạo và chút tiền mua thức ăn. Bữa cơm của ba chú cháu trưa nay chỉ có đĩa cá kho và tô canh rau lõng bõng.

Cậu bé tâm sự khiến người nghe không khỏi xót xa: "Con buồn lắm. Con nhớ mẹ lắm. Con sẽ ráng học giỏi cho mẹ ở trên trời vui". Khánh năm nay vừa vào lớp 6, còn bé Vy lên lớp 1. Do không có tiền mua máy tính, hai trẻ thay nhau học online trên chiếc điện thoại cũ của anh Linh, với mạng WiFi được dùng nhờ phòng trọ kế bên.

Anh Linh cho biết sắp tới khi dịch bệnh được kiểm soát, anh đi làm trở lại và đưa rước cháu đi học ngày hai buổi. Nếu bận, anh sẽ nấu sẵn đồ ăn và nhờ các phòng trọ xung quanh trông chừng giúp như mẹ của chúng khi còn sống đã từng.

Cô bé 4 tuổi một mình bên bàn thờ mẹ

Trong quá trình làm nhiệm vụ tuyến đầu tại TP.HCM, thiếu tá Nguyễn Trung Kiên - trợ lý quân khí, bí thư Đoàn cơ sở quân sự TP Thủ Đức (Ban chỉ huy quân sự TP Thủ Đức, Bộ tư lệnh TP.HCM) - đã trải qua một câu chuyện xúc động, lột tả phần nào mất mát, đau thương mà đại dịch đã để lại. 

Thiếu tá Kiên cùng đơn vị được phân công trực chốt, xịt khử khuẩn các điểm quanh TP Thủ Đức và đưa tro cốt người dân mất vì COVID-19 về nhà. Từ nhiệm vụ này, anh đã có cơ duyên gặp gỡ và làm cha đỡ đầu của cô bé 4 tuổi Phạm Thị Bảo Châu.

Trong khu trọ dành cho dân lao động nghèo, bé Châu và mẹ là chị Nguyễn Thị Ngọc Nga (44 tuổi, ngụ phường Tân Phú) bị mắc COVID-19 nên được đưa đến BV TP Thủ Đức điều trị cùng nhiều người sống trong dãy trọ. 

Ngày 7-8, chị Nga không qua khỏi do suy hô hấp cấp mức độ nặng. Khi đó, bé Châu cũng vừa đỡ bệnh, nồng độ virus thấp nên được cho về nhà cách ly. Ngày 8-8, khi cùng đồng đội đến trao tro cốt cho người thân bệnh nhân, anh Kiên rớt nước mắt nhìn cảnh cô bé 4 tuổi ngồi cô đơn bên bàn thờ mẹ trong phòng trọ.

Hỏi thăm xóm giềng, anh mới hiểu hoàn cảnh đáng thương của bé Châu. Cha bé đã bỏ đi từ khi con mới chào đời. Còn mẹ bé lúc sinh thời sống bằng nghề nhặt ve chai, thu nhập bấp bênh. 

"Mẹ mất rồi, bé ở một mình như vậy tôi không an tâm nên xin ý kiến ban chỉ huy đưa tro cốt của chị Nga về lại đơn vị, và đưa bé Châu vào khu cách ly phường Tân Phú" - anh Kiên xúc động kể. Khi đưa về đơn vị, bé Châu được sắp xếp ở căn phòng có không gian thoáng mát, an toàn, ở cùng với một phụ nữ trong xóm trọ của bé vừa khỏi COVID-19.

Ba Kiên của con!

Nước mắt mồ côi vì dịch - Ảnh 3.

Thiếu tá Kiên và bé Châu mà anh đã nhận làm con

Ở khu cách ly của phường, ngày nào anh Kiên cũng gọi điện trao đổi với người giữ bé, nắm bắt thông tin và động viên bé. Thấy cô bé thiếu vắng tình cha từ thuở bé, và cũng thương hoàn cảnh, anh Kiên đã nhận làm cha đỡ đầu của bé Châu. 

Những lúc không có nhiệm vụ, anh đều chạy tới thăm con. Ban đầu anh chỉ dám đứng từ xa nhìn do làm những nhiệm vụ đặc biệt, sợ lây nhiễm lại cho bé. Sau này khi đã test PCR âm tính, đồng thời bé cũng đã khỏi bệnh, anh mới đến ẵm bồng đứa con gái nuôi này.

Bé Châu sống trong khu cách ly hơn 10 ngày, do thấy dịch bệnh ở TP phức tạp, sợ nguy hiểm cho con nên anh Kiên đã liên hệ các nơi để tìm một nơi tốt nhất đưa bé đến. May mắn sau đó, anh tìm được thông tin về cô ruột của bé đang trọ ở phường Thắng Tam, TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu). 

"Tôi liên hệ chính quyền phường Thắng Tam để đưa bé về, chị Phạm Thị Diệu - cô của bé Châu - cũng đồng ý sẽ chăm sóc bé" - anh nói.

Ngày 7-9, anh Kiên cùng đơn vị đã trực tiếp đưa bé Châu về TP Vũng Tàu bàn giao cho cô ruột. Trên đường về với người thân, cô bé 4 tuổi ngoan ngoãn ngồi trong lòng ba Kiên. Xe dừng trước một con hẻm, trước sự chứng kiến của chính quyền phường Thắng Tam, bé Châu và tro cốt của mẹ bé đã được giao lại an toàn cho chị Diệu. Bé Châu sau khi về đã được đi cách ly cùng người cô đến nay.

Mặc dù không gặp, ba Kiên vẫn thường gọi điện qua video, trò chuyện với con. "Mấy ngày đầu mới về với cô, mỗi lần tôi gọi là bé đòi trở lại TP.HCM về với ba Kiên" - anh Kiên kể, tay mở điện thoại, mắt đỏ hoe xem lại những tấm ảnh chụp cùng con gái nuôi.

Ba Kiên sẽ lo cho con

Cách đây một tuần, anh Kiên tìm được nơi ở của người thân còn lại của bé Châu. Cô bé may mắn còn một anh và một chị ruột (9 tuổi và 8 tuổi) đang sống cùng bà ngoại 87 tuổi ở quận 4 với gia cảnh khá khó khăn.

Anh Kiên dự định khi TP.HCM kiểm soát được dịch, anh sẽ đón bé Châu trở lại, rồi đưa bé đến sống cùng bà ngoại và anh chị. "Để ba anh em sống gần nhau, tôi nghĩ sẽ tốt hơn. Hằng tuần tôi sẽ chạy qua chạy lại hỏi thăm và lo chi phí học tập, ăn uống cho con" - thiếu tá Kiên nói và cho hay sẽ cố gắng lo cho con tới 18 tuổi.

1.517 học sinh mồ côi, hơn 12.000 giáo viên - nhân viên mất việc 1.517 học sinh mồ côi, hơn 12.000 giáo viên - nhân viên mất việc

TTO - Theo thống kê mới nhất của Sở GD-ĐT TP.HCM, tính đến nay TP có 1.517 học sinh rơi vào cảnh mồ côi do COVID-19, hơn 10.000 học sinh phổ thông và hơn 3.000 giáo viên đang thuộc diện F0.

DIỆU QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp