Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Trung Quốc chơi chứng khoán kiểu đánh bạc cầu may (ảnh chụp tại sàn chứng khoán Thượng Hải ngày 14-7) - Ảnh: Reuters |
Dù thị trường đã tăng nhẹ trở lại sau khi chính quyền Bắc Kinh tung ra gói giải cứu thị trường nhưng giới chuyên gia chẳng mấy an tâm. Có ý kiến quan ngại hiện tượng lao dốc có thể quay trở lại bất cứ lúc nào.
Nhưng những gì thực tế đã có thể thấy trong thời gian gần đây. “Đây là một thảm họa thị trường chứng khoán. Nó đã quét sạch tài sản của tầng lớp trung lưu tích lũy hơn 10 năm qua. Thảm họa này đã cướp đi giấc mơ của toàn bộ thế hệ trẻ Trung Quốc” - một nhà đầu tư trả lời qua WeChat.
Sự bốc hơi tài sản của hơn 80 triệu nhà đầu tư lẻ sẽ dẫn đến những vấn đề xã hội khó tưởng tượng nổi |
Chuyên gia TRIỆU HI QUÂN (phó giáo sư Trường Tài chính thuộc Đại học Nhân Dân) |
Nhà nghèo trắng tay
Truyền thông Trung Quốc mấy ngày qua liên tục đưa tin về những bi kịch từ thị trường chứng khoán. Theo tạp chí Tài Kinh hôm 10-7, công chức họ Lưu ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây đã dùng dao giết vợ sau khi vợ ông làm mất hết tài sản do chơi chứng khoán. Lưu là một người hiền lành, còn vợ ông lại đam mê chứng khoán. Bà đã chạy vay nợ khắp nơi để đầu tư vào chứng khoán.
Khi thị trường bắt đầu lao dốc sau ngày 12-6, vì không am hiểu, bà lại đổ thêm tiền mua cổ phiếu. Hậu quả, bà mất trắng 1,8 triệu nhân dân tệ (hơn 290.000 USD), bao gồm tiền vay mượn, cầm cố hết nhà cửa.
Tuy nhiên khi thua trắng tay, người vợ này không chịu dừng mà lại tiếp tục lao vào ăn thua. Bà bắt chồng con tiếp tục đi vay tiền của người thân để mua cổ phiếu. Ông Lưu và những người con không đồng ý, họ đã cãi vã dữ dội. Trong lúc không kiềm chế được, Lưu đã xuống tay hạ sát người vợ hơn 30 năm chung sống.
Lý giải nguyên nhân xảy ra những “thảm kịch chứng khoán”, Hãng tin Reuters dẫn lời giới chuyên gia cho biết phần lớn nhà đầu tư chứng khoán lẻ ở Trung Quốc là những nông dân chân lấm tay bùn và người lao động chưa học hết bậc trung học.
“Không như các thị trường chứng khoán khác do các nhà quản lý tài chính chuyên nghiệp chi phối, các nhà đầu tư lẻ chiếm 85% trong giao dịch ở Trung Quốc” - Hãng tin Reuters phân tích.
Còn tạp chí Tài Kinh dẫn chứng: phần lớn các nhà đầu tư mới ở thị trường Trung Quốc chưa học hết trung học, “thậm chí có đến 6% là mù chữ”. Họ chơi theo quán tính, thấy hàng xóm, người thân mua chứng khoán thì mua theo nên nhiều người đã trắng tay.
“Sự bốc hơi tài sản của hơn 80 triệu nhà đầu tư lẻ sẽ dẫn đến những vấn đề xã hội khó mà tưởng tượng nổi” - chuyên gia Triệu Hi Quân, phó giáo sư Trường Tài chính thuộc Đại học Nhân Dân, nhận định.
Nhà giàu cũng méo mặt
“Cơn bão đỏ” của thị trường chứng khoán sau ngày 12-6 đến nay đã khiến túi tiền giới tỉ phú giàu nhất Trung Quốc bốc hơi gần 800 triệu USD. Tổng thiệt hại trong sáu tháng đầu năm 2015 của giới tỉ phú Trung Quốc do giá cổ phiếu giảm lên đến 34 tỉ USD.
Nhiều người vừa được tạp chí Hồ Nhuận (Trung Quốc) và Forbes (Mỹ) xếp hạng giàu nhất Trung Quốc và thế giới cũng đã mất ngôi vị. Báo Chứng Khoán Trung Quốc cho biết một trong số này là tỉ phú Vương Kiện Lâm.
Tính đến ngày 14-7, tài sản của nhà sáng lập tập đoàn đầu tư bất động sản và chuỗi rạp chiếu phim The Dalian Wanda Group đã mất khoảng 661 triệu USD. Cổ phiếu của Wanda Cinema Line niêm yết ở thị trường Thâm Quyến liên tục giảm giá trước khi tạm ngưng giao dịch vào ngày 8-7.
Thiệt hại nặng nề nhất là nữ tỉ phú giàu nhất Trung Quốc Chu Quần Phi. Tài sản cá nhân của bà đã mất khoảng 4,8 tỉ USD sau khi cổ phiếu của tập đoàn chuyên sản xuất mặt kính đồng hồ và kính điện thoại Lens của bà lao dốc đến 36%, chỉ sau ba tháng niêm yết trên thị trường.
Nhà sáng lập trang bán hàng trực tuyến hàng đầu Trung Quốc Alibaba, tỉ phú Mã Vân (Jack Ma) cũng không ngoại lệ khi tài sản của ông bốc hơi khoảng 123 triệu USD sau khi cổ phiếu loại A của Alibaba tuột dốc không phanh ngày 7-7.
Người đứng đầu tập đoàn bán hàng trực tuyến khổng lồ ở Trung Quốc JD.com, tỉ phú Lưu Cường Đông cũng “đứng hình” khi mất khoảng 344 triệu USD.
Sự nổi tiếng của các minh tinh màn bạc Trung Quốc cũng không giúp gì cho họ trong canh bạc thị trường. Thiệt hại nặng nề nhất là “con chim én nhỏ Tiểu Yến Tử” Triệu Vi. Tài sản của cô mất khoảng 570 triệu USD.
Triệu Vi sở hữu 1,93 tỉ cổ phiếu của Công ty điện ảnh Alibaba Pictures niêm yết tại thị trường chứng khoán Hong Kong và 1,7 triệu cổ phiếu trong Công ty điện ảnh quốc tế Talent ở Bắc Kinh.
“Hoa đán” Chương Tử Di mất khoảng 60,6 triệu USD khi số cổ phiếu của Công ty Vạn Đạt niêm yết ở thị trường Hong Kong lao dốc. Hãng tin Tân Hoa xã cho biết chỉ trong hai tháng, nữ nghệ sĩ Phạm Băng Băng đã chịu thiệt hại khoảng 100 triệu nhân dân tệ do giá cổ phiếu giảm.
Tài sản của vị hoàng đế trong phim “tể tướng Lưu gù” Trương Quốc Lập cũng hao hụt 120 triệu nhân dân tệ.
Đổ sang mua nhà đất Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đang bán tháo chứng khoán lấy tiền mặt để mua bất động sản ở các nước như Anh, Mỹ, Canada và Úc do quan ngại thị trường lại “mất đà” lần nữa. Họ đã bán gần 60 tỉ USD tiền cổ phiếu trong 5 tháng đầu năm 2015 để chuyển hướng đầu tư. Báo South China Morning Post dẫn kết quả thăm dò của Công ty tư vấn bất động sản Đông Tây ở Hong Kong cho biết có hơn 50% khách hàng là Trung Quốc đang tìm kiếm hướng đầu tư bất động sản ở nước ngoài. Ông Sam Van Horebeek, nhà sáng lập công ty tư vấn trên, cho biết nhiều người Trung Quốc đang quan ngại nền kinh tế tăng trưởng chậm và lo lắng về thị trường chứng khoán không ổn định do chính phủ nước này can thiệp quá sâu vào thị trường. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận