Hồ chứa nước ngọt Ba Tri (huyện Ba Tri, Bến Tre) với trữ lượng gần 1 triệu m3 được đưa vào sử dụng - Ảnh: M.TRƯỜNG
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, tại các cửa sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông độ mặn đo được dao động từ 25 - 30‰. Độ mặn 4‰ đã xâm nhập vào đất liền cách cửa sông khoảng 48-68km, độ mặn 1‰ xâm nhập vào đất liền cách cửa sông từ 63-83km. Hiện tình trạng mặn xâm nhập ở tỉnh này đang ở mức rủi ro thiên tai cấp độ 2.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành quyết định về tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Bến Tre cũng đã đưa vào sử dụng một số công trình ứng phó với hạn mặn như cống đập ngăn mặn, hồ trữ nước ngọt Ba Tri đáp ứng nhu cầu nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh; nhà máy nước Khu công nghiệp Giao Long đã đưa vào sử dụng hệ thống công nghệ xử lý tái sử dụng nước thải công nghiệp.
Tại một số huyện biển như Ba Tri, Bình Đại, Bộ tư lệnh Vùng 2 hải quân thực hiện những chuyến tàu vận chuyển nước ngọt từ TP.HCM đến cung cấp cho người dân vùng nhiễm mặn.
Tại Sóc Trăng, ông Lương Minh Quyết - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh - cho biết do mặn xâm nhập sớm nên có gần 1.000ha lúa đông xuân của huyện Trần Đề giai đoạn trổ bị thiếu nước, giảm năng suất. Sở đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc vận hành cống, tranh thủ lấy nước vào hệ thống kênh nội đồng nhằm đảm bảo đủ nước cho ghe tàu vận chuyển, mua lúa của nông dân thuận lợi.
Còn tại Bạc Liêu, Sở NN&PTNT vừa trình UBND tỉnh này xem xét cho tạm ứng kinh phí 11,2 tỉ đồng để đắp hơn 450 con đập, hỗ trợ bơm tát và kinh phí tập huấn cho nông dân chống chọi trước cơn hạn mặn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận